Chế biến sâu là con đường độc đạo để HTX nâng cao giá trị gia tăng

Việc đầu tư công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản đang trở thành xu thế bất biến trong điều kiện các vùng sản xuất của HTX ngày càng phát triển và nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng ngày càng 'khó tính'.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây. Trong đó có không ít mặt hàng như: gạo, rau quả, tôm, cao su, cà phê… thường xuyên lọt vào top nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Giá trị thu về thấp

Vậy nhưng giá trị thu về và những gì người nông dân, HTX được hưởng thụ lại chưa được như mong muốn. Điều này được lý giải là do nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu lượng lớn chủ yếu là do thời gian gần đây người dân, HTX đẩy mạnh tăng quy mô, diện tích sản xuất nhưng nông sản vẫn chủ yếu là xuất thô hoặc mới dừng ở sơ chế.

Ngay như mặt hàng gạo, Việt Nam luôn vào top xuất khẩu nhất nhì, ba trên thế giới với lượng xuất gạo đạt 6 - 7 triệu tấn/năm. Thậm chí năm 2023, xuất khẩu gạo đạt trên 8,1 triệu tấn và chỉ 7 tháng đầu năm 2024, lượng gạo xuất đi cũng đạt trên 5 triệu tấn. Nhưng nhìn lại thì thấy giá trị thu nhập từ loại nông sản này của Việt Nam vẫn thấp.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 đạt mức kỷ lục nhưng thực chất nông dân trồng lúa ở Việt Nam vẫn nghèo nhất trong các ngành nghề, nhất là thu nhập của họ còn thua xa so với những người nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả.

Đặc biệt, có nông dân ở An Giang nếu trồng 2 vụ lúa mỗi năm thì tiền lãi chỉ rơi vào khoảng 30 triệu đồng/ha. Nếu gia đình đó có 4 người, chia đều chỉ được 7,5 triệu đồng/người/năm.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, cho biết thực hiện liên kết với người dân trồng gạo theo chuỗi, với giá thu mua 13.000 đồng/kg, người dân cũng mới lãi 40 triệu đồng/ha.

Thu nhập của người trồng lúa vẫn còn thấp.

Thu nhập của người trồng lúa vẫn còn thấp.

Các chuyên gia cho rằng, so với Thái Lan, thu nhập của người trồng lúa có thể cao gấp 2 so với người trồng lúa ở Việt Nam. Còn ở Nhật Bản, khi nông dân vào các HTX, người trồng lúa sẽ có nguồn thu nhập cao gấp 4-5 lần so với ở Việt Nam.

Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận rằng trong tất cả các ngành, nông nghiệp vẫn là ngành có thu nhập thu nhập thấp. Và nông dân, thành viên HTX trồng lúa cũng đang có nguồn thu thấp nhất trong các ngành nghề của nhóm nông nghiệp.

Không chỉ cây lúa, cây cà phê của Việt Nam cũng vậy. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 964 nghìn tấn cà phê, trị giá gần 3,54 tỷ USD. Thế nhưng nhìn chung, tỷ lệ cà phê chế biến sâu phục vụ xuất khẩu còn rất thấp.

Do đó, nông dân, thành viên HTX vẫn chịu thiệt thòi vì phải bán cà phê với giá thấp. Bởi nếu cà phê thô xuất khẩu trong năm 2023 là khoảng 2.400USD/tấn thì nay dù đã tăng lên 3.550 USD/tấn nhưng mức tăng này được nhận định chủ yếu là do biến đổi khí hậu dẫn đến thiếu nguồn cung trên toàn cầu chứ chưa phải là do cà phê Việt Nam đã đầu tư chế biến sâu.

Dù đã tăng nhưng theo các chuyên gia mức này cũng chưa thể bằng với giá cà phê chế biến cuối năm 2023 là khoảng 3.700 USD/tấn và hiện đã tăng lên khoảng 30%. Dự báo, giá cà phê sau khi chế biến sâu ở siêu thị của một số nước trên thế giới sẽ tiếp tục tăng thêm 30% vào năm 2025. Chưa kể chi phí vận chuyển cà phê thô cao hơn nhiều lần so với cà phê đã chế biến sâu.

Giành thế chủ động

Trước thực trạng xuất khẩu và giá trị thực thu về từ một số ngành hàng cho thấy, chỉ có chế biến sâu mới nâng cao được sức cạnh tranh của nông sản, nâng cao được thu nhập cho thành viên HTX và hạn chế những bất lợi trong vận chuyển, hạn chế hao hụt.

Ông Trần Bảo Cường, Giám đốc HTX Bản Tùy (Hà Giang) cho biết nếu chỉ sản xuất và bán chuối tươi thì không tránh khỏi rủi ro. HTX cũng không chủ động được giá cả, cũng như thị trường tiêu thụ.

Chính vì vậy, việc đầu tư máy móc, công nghệ chế biến sâu, trong đó có chế biến bột chuối, mứt chuối và tận dụng thân cây chuối để sản xuất một số sản phẩm như khay, cốc, đĩa đã góp phần giải quyết đầu ra cho 170ha chuối tại địa phương và phục vụ nhu cầu thay thế nguyên liệu bằng nhựa trên thị trường.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (thương hiệu Gạo hữu cơ Hoa Sữa), cho rằng định hướng của công ty là phục vụ từ đồng ruộng đến bàn ăn nên ngoài việc xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ, việc đầu tư vào chế biến sâu là những gì doanh nghiệp đang làm và cho hiệu quả tích cực.

Cụ thể là Viễn Phú đã đẩy mạnh chế biến phở, bún, bánh tráng từ gạo hữu cơ. Hiện, tỷ lệ xuất khẩu gạo của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại tập trung vào sản phẩm chế biến sau gạo. Trong đó, bánh tráng đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Đi liền với đó, quy định của Mỹ, châu Âu, Canada đã cấm sử dụng ống hút nhựa nên sản phẩm ống hút gạo được doanh nghiệp đầu tư cũng được thị trường đón nhận tích cực.

“Gạo xuất khẩu thô cũng có nhiều rủi ro trong bảo quản, vận chuyển. Nên việc chế biến sâu sẽ giúp hạn chế tối đa rủi ro. Đặc biệt nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng trong nước và thế giới ngày càng cao nên các sản phẩm sau chế biến sẽ tiêu thụ thuận lợi hơn nhiều”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Đưa ra lời khuyên cho HTX, ông Hồ Xuân Hiếu cho rằng người tiêu dùng hiện nay hay lựa chọn gạo lứt để nâng cao sức khỏe. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã nghiên cứu và nhận thấy, thành phần của gạo lứt chính là gạo trắng kết hợp cám gạo. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã có thêm sản phẩm bột cám gạo bán song song với gạo trắng hữu cơ.

Theo các chuyên gia, xuất khẩu nông sản thô thì HTX, doanh nghiệp không có thương hiệu. Thay vào đó đơn vị nhập nông sản thô về đầu tư công nghệ, máy móc vào chế biến tiêu thụ thì sẽ có được thương hiệu. Rõ ràng, các nhà nhập khẩu ở nước ngoài đang hưởng lợi lớn từ chính nông sản Việt Nam nhờ đầu tư hàm lượng chất xám vào chế biến sâu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chế biến sâu để gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu và nâng cao khả năng cạnh tranh là điều cần thiết. Và nếu muốn tăng giá trị nông sản lên 5-10 lần thì phải quan tâm tìm hiểu nhu cầu của thị trường để cung cấp những sản phẩm phù hợp.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/che-bien-sau-la-con-duong-doc-dao-de-htx-nang-cao-gia-tri-gia-tang-1101788.html
Zalo