Chế biến lâm sản: Nâng giá trị từ sản xuất sạch

Đầu tư liên hoàn và khép kín quy trình công nghiệp trong chế biến gỗ, mỗi cây keo sau 7 năm tuổi được khai thác tận dụng từ gốc rễ, đầu mẩu, đến lá ngọn… đạt giá trị kinh tế gấp 1,5 lần so với bán tại vườn rừng. Đó là dây chuyền sản xuất của cơ sở chế biến gỗ Luân Trang, xóm Đèo Hanh, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), đang mang lại lợi ích cả về kinh tế và bảo vệ môi trường.

Các công đoạn sản xuất tại cơ sở chế biến gỗ Luân Trang, xóm Đèo Hanh, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đều bảo đảm sạch, an toàn, góp phần nâng cao giá trị lâm sản địa phương.

Các công đoạn sản xuất tại cơ sở chế biến gỗ Luân Trang, xóm Đèo Hanh, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đều bảo đảm sạch, an toàn, góp phần nâng cao giá trị lâm sản địa phương.

Sau nhiều chuyến áp tải gỗ keo khai thác từ rừng trồng đến cơ sơ sở chế biến tiềm ẩn đầy bất an: quá khổ, quá tải, đường vận chuyển xuống cấp, xe nghiêng đổ…, anh Nguyễn Đình Luân đã chọn phương án chế biến tại chỗ. Thuận lợi là không phải vận chuyển xa, nguyên liệu của người dân địa phương kéo từ rừng về đến đâu là được cắt và bóc, rồi phơi đến đó. Các doanh nghiệp chế biến ván bóc đến tận xưởng đóng hàng theo quy cách đặt trước và thanh toán trực tiếp cho chủ rừng.

Tuy nhiên, các phụ phẩm như: vỏ, rễ, ngọn và lá cây phế thải ngày càng chất đống, chiếm rất nhiều diện tích. Mỗi khi mưa xuống, chất thải bốc mùi khó chịu, nguy cơ ô nhiễm đất và ngấm xuống nguồn nước ngầm. Tranh thủ khi nắng nóng, các chất phế thải chủ yếu được đốt bỏ, khói bụi bốc lên gây ô nhiễm không khí và tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, cháy rừng…

Năm 2021, anh Luân đã tìm đến các cơ sở chế biến than, viên nén phụ phẩm lâm sản sau chế biến tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh… để liên kết sơ chế và gom nguyên liệu. Anh chia sẻ: Ban đầu là tìm cách dọn đi cho sạch, chỉ trả công đóng hàng lên xe, nhưng sau khi cơ sở sản xuất than, viên nén tìm được đầu ra sản phẩm thì tất cả phụ phẩm đều được nghiền mịn, phân loại và đóng bao trở thành hàng hóa.

Mỗi tấn mùn cưa thô có giá bình quân từ 700 nghìn đồng, có khi tới hàng triệu đồng/tấn. Với quy trình thu mua phun rửa sạch đất, đá mỗi cây gỗ rồi đưa vào chế biến và liên kết thu gom phụ phẩm lâm sản hiện tại, cơ sở chế biến gỗ Luân Trang đã bảo đảm sản xuất sạch, không khói và tận dụng triệt để phụ phẩm từ lâm sản.

Hầu như sản phẩm ngày nào làm ra đều được thu gom sạch sạch ngày đó theo một dây chuyền băng tải tự động phân loại. Theo giá thu mua keo và lâm sản phụ như hiện nay, anh Luân biết: 1m3 gỗ keo sau hơn 6 năm trồng cho thu từ 1-1,2 triệu đồng, sau khi qua bóc lấy ván đạt giá trị trên 2,2 triệu đồng và các phụ phẩm phế thải trước đây bán được từ 200-300 nghìn đồng.

Với cách làm này, cơ sở chế biến gỗ anh Luân đã duy trì được sản lượng chế biến 700m3 gỗ/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo anh Luân: Nếu phụ phẩm lâm sản đảm bảo các tiêu chuẩn đồng đều về thành phần hóa học, vật lý, môi trường và sạch không lẫn tạp chất thì đạt giá trị kinh tế cao hơn cả cây gỗ (nguyên liệu thô) sau khi chế biến thành các dòng sản phẩm khác, như viên nén thay than đá…và xuất khẩu đi nhiều nước.

Để duy trì sản xuất kinh doanh, anh Luân luôn coi trọng chất lượng sản phẩm, nguyên liệu đầu vào sạch và cùng một chủng loại. Thực tế quy trình sản xuất và kinh doanh của cơ sở chế biến gỗ Luân Trang đang mở ra nhiều tiềm năng về sản xuất sạch, chế biến sâu đối với lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Trinh An

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/che-bien-lam-san-nang-gia-tri-tu-san-xuat-sach-7882133/
Zalo