Chảy về phía biển

Đã từ lâu, tôi ao ước được đứng trong đội ngũ những người lính Cụ Hồ. Thuở học sinh của tôi cũng là những năm đất nước gặp khó khăn chồng chất. Khó khăn từ đâu mang lại thì đến bây giờ qua trải nghiệm tôi mới rõ chứ thực tình lúc ấy chỉ có thể cảm nhận qua đôi vai gầy của mẹ như càng so lại, sự im lặng của cha như ngày càng thâm trầm hơn, và làng mạc, xóm giềng, ai cũng vất vả, lam lũ vật lộn với cuộc sống mưu sinh.

Những năm đầu thập kỷ 80 kéo đến tận đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước là những năm khốn khó của đất nước, cái khốn khó ấy đã in sang những đôi mắt trẻ thơ non nớt chúng tôi.

Ấy vậy mà tôi vẫn được chứng kiến các anh bộ đội hành quân qua làng, đến với dân, giúp dân đào mương làm thủy lợi, trồng sắn, trồng ngô. Quê tôi thuộc xứ Kinh Bắc. Vùng đất cổ văn vật là vậy mà cuộc sống thực diễn ra đâu có dễ dàng. Ôi các anh bộ đội thời ấy cũng lam lũ lắm! Ba lô thì bạc, mái tóc thì xanh. Áo quần các anh thô mộc, in hằn sự khó khăn của đất nước. Ai cũng đen cháy, chỉ nhận ra các anh ở nụ cười. Năm trước chống hạn các anh về khơi nguồn tít tận sông Lục Đầu. Đất sỏi ruồi Lục Ngạn vắt sức trai trăm miền. Có người đã không trụ lại được, đã bị mưa nắng, kham khổ tràn lấp lên.

 Minh họa: TQ.

Minh họa: TQ.

Tôi nhớ một anh mảnh dẻ thư sinh, tên là Toàn hay Toản gì đó đã gục xuống khi vác sọt đất ngược triền đồi. Bọn học sinh chúng tôi chạy lại, gương mặt nhỏ nhắn khẽ đanh lại, cặp môi mím chặt khẽ mỉm cười. Và đôi mắt người chiến sĩ ấy thì chao ôi, hiền đến bây giờ, người ấy bảo “Anh nghỉ một lát thôi mà, mai mốt có nước về, tha hồ các em đùa nghịch”. Rồi trong năm ấy, lũ mạn ngược đổ về. Dòng sông Lục Đầu hiền hòa bỗng trở nên hung tợn cuốn phăng tất cả những gì có thể. Đê mạn thượng nguồn sông Lục Đầu núng thế, các anh bộ đội đóng quân ở đầu trường cấp 3 bọn tôi lập tức lên đường.

Khi ấy, trái tim thiếu nữ của tôi đã biết rung lên những nhịp đập lạ lùng trước vẻ đẹp của các anh. Sau lần anh Toản (tôi nhớ là Toản) bị ngất, thi thoảng bọn tôi cũng đến doanh trại chơi. Hẳn là anh Toản cũng rất mến tôi mà lần nào cũng có những món quà nhỏ. Khi là một cây bút máy kim tinh (chúa ơi tôi là rất chi hay làm hỏng bút), khi là một con ốc biển (đẹp ơi là đẹp). Anh hay nhìn ra dòng sông Lục Đầu, bảo rằng quê anh vùng biển Hải Hậu. Tôi trêu: “Con trai biển gì mà cứ như cậu ấm. Chắc không bơi được qua con sông này”. Anh cười hiền: “Ừ, tạng anh nó thế. Đi lính mà mãi cũng chẳng cứng cáp được lên”.

Tôi lại bảo: “Sau này anh giải ngũ đi tu. Vào chùa là hợp đấy”. Anh nhìn tôi, cái nhìn như một lỗ thủng làm tôi thấy mình đã đùa không đúng lúc. Chao ôi, sao mình lại có thể nói thế với người lính mảnh dẻ này nhỉ. Tôi bèn kéo anh ra sông trước doanh trại nói nịnh: “Anh Toản này. Con gái Kinh Bắc bọn em chắc là tợn miệng lắm nhỉ? Anh giận em lắm phải không?”. Người lính ấy nhìn tôi rồi nhìn ra dòng sông, nói xa xôi đến bất ngờ: “Con gái Kinh Bắc giống như dòng sông ấy. Lúc thì hiền hòa, lúc thì cứ như… như..”. Tôi cốc vào đầu anh nói đế: “Hổ cái chứ gì. Liệu đấy…”. Cả hai đứa phá lên cười trước một dòng sông cuồn cuộn chảy. Dòng sông của tuổi thơ tôi.

Tôi không ngờ đó cũng là buổi gặp anh cuối cùng.

Một vết thương sâu đã cứa vào trái tim thiếu nữ của tôi.

Ngay đêm ấy, làng mạc tôi báo động ầm lên. Mọi người loan tin đê sắp vỡ, có tin là đã vỡ. Tôi cuống quýt cùng gia đình đi về mấy dãy đồi, nơi ở tạm cho phương án chống lũ của huyện còn thấy trong đêm bóng những người lính gân guốc người nối người vác xẻng, cuốc, tre, gỗ thậm thịch đi vào nơi nước sôi lửa bỏng mà dân đang đi ra. Trong đêm, bóng những người lính hắt lên nền trời xám xịt quả quyết, lặng lẽ mà sao tôi cứ thấy thăm thẳm thế nào. Là học sinh giỏi văn sao tôi bất lực trước vẻ đẹp thầm lặng đến giản phác, đến tưởng như họ có hy sinh như nước cuốn, đê sập chẳng hạn thì nào ai hay biết? Làm gì có ống kính nào ghi lại giữa đêm đen mịt mùng này? Rồi biết đâu, ở nơi xa, ở vùng biển, vùng đồi nào, người mẹ già, người cha già, em thơ nhận được cái giấy báo về việc hy sinh của người thân mình. Một cái giấy… Trời ơi! Tôi không dám nghĩ tiếp nữa...

Đúng lúc ấy, một người lính bé nhỏ ở cuối hàng quân bỗng dừng lại. Anh chống đánh ruỳnh khúc gỗ lớn quá khổ trên vai xuống đê ngoái lại “Thương à. Có phải Thương không?”. Tôi cuống quýt chạy lại. Tôi vấp vào cái gì đó suýt chúi vào anh. Tôi thấy tim mình đập mạnh. “Vâng! Các anh đi cứu đê phải không? Trời đất ghê gớm quá”.

Toản nhìn tôi. Trong đêm tối sấm chớp ì ùng, tôi bỗng cảm thấy một luồng điện chạy dọc sống lưng. Tôi như linh cảm ra một điều đặc biệt. Điều gì? Chính tôi cũng chưa biết rõ. Chỉ biết là lát nữa thôi, người lính này sẽ đi vào nơi nước xiết, đi vào nơi mà các anh bộ đội, các thế hệ chiến sĩ luôn có mặt đầu tiên, dù đó là súng nổ, bom rơi hay lửa cháy, nước xiết thì vẫn chỉ các anh, vẫn là các anh. Điều này sau tôi càng thấy rõ.

Một tuần sau, khi trở về ngôi nhà cũ thì tôi biết được tin Toản đã hy sinh. Xin cho tôi được khóc về anh, người chiến sĩ, người bạn mới quen, cũng chỉ gặp hai, ba lần mà ấn tượng về anh thì quá mạnh, ám ảnh và thôi thúc tôi trở thành người chiến sĩ. Tôi tin rằng, điều anh định nói với tôi đêm mưa lũ ấy là một điều tốt đẹp, là một điều về tương lai và những ước mơ. Và tôi sẽ thay anh thực hiện những ước mơ ấy.

Toản nhìn tôi không nói. Đến bây giờ tôi vẫn lấy làm thắc mắc, tại sao lúc ấy anh không nói gì với tôi? Anh lo sợ trái tim thiếu nữ của tôi bị tổn thương ư? Tôi còn quá trẻ ư? Hay anh nghĩ rằng đám nữ sinh cuối cấp ba bọn tôi có mơ mộng, ước ao thì là những anh chàng công tử nơi thành phố, những “cậu bé” con nhà quan chức, danh gia… Anh đi. Đơn giản vậy. Hình như trong gió ập đến một âm thanh rất mảnh, rất mơ hồ. Chỉ dáng anh rắn rỏi bước ngược triền đê bão lũ về phía tiếng nước sôi réo ùng ùng.

Một tuần sau, khi trở về ngôi nhà cũ thì tôi biết được tin Toản đã hy sinh. Xin cho tôi được khóc về anh, người chiến sĩ, người bạn mới quen, cũng chỉ gặp hai, ba lần mà ấn tượng về anh thì quá mạnh, ám ảnh và thôi thúc tôi trở thành người chiến sĩ. Tôi tin rằng, điều anh định nói với tôi đêm mưa lũ ấy là một điều tốt đẹp, là một điều về tương lai và những ước mơ. Và tôi sẽ thay anh thực hiện những ước mơ ấy.

Kỷ niệm nào chả như những dòng sông đang chảy. Nó đang chảy, thầm thĩ, dạt dào hay cuồn cuộn cũng chỉ là sông thôi. Và tất cả các dòng sông trong hành trình chu du, phiêu bồng của mình đều tìm ra biển mẹ. Bởi vậy biển mới mặn. Cũng bởi vậy biển mới đầy.

Đối với cá nhân tôi, truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ lại bắt đầu với một kỷ niệm buồn thương như vậy, một anh bộ đội mảnh dẻ, thư sinh quê vùng biển Hải Hậu, một người mà tôi đã trêu anh, đã cùng anh nhìn về dòng sông tuổi thơ của tôi. Và than ôi, chính anh đã hy sinh trên dòng sông tuổi thơ ấy. Thì ra thời gian đã có lúc hằn lên trái tim non một vết cứa vĩnh viễn. Có bao nhiêu vết cứa trong đời một con người, một dân tộc? Điều ấy chưa có ai trả lời tôi.

Bây giờ tôi đang được làm việc với những người chiến sĩ.

Nhà máy thân yêu của tôi nằm giữa chốn phồn hoa. Nó phải chịu mọi áp lực về cơ chế thị trường, về khoa học và xã hội học, và cả những luật lệ khác nữa mà các bạn cứ tham gia là biết. Nhà máy tôi phát triển vững chắc và khoa học. Làm ra tiền là một điều thậm khó thì nhà máy tôi đã làm ra tiền nhiều tỷ. Một người trẻ như tôi đã cảm nhận chính sự siết chặt đội ngũ, sự đoàn kết và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của các chú, các cô, của các anh, các chị đi trước đã làm nên thành quả hôm nay.

Phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ thời kỳ đổi mới là gì ư? Một câu hỏi cho một đời người, nhiều đời người, cho dù đấy có thể là những học giả. Còn tôi, qua câu chuyện của Toản mà tôi được biết thì nó đơn giản lắm, đó là “Hãy sống hết mình, cống hiến, lao động và học tập hết mình”. Và sống có lương tâm, có thiện tâm qua những việc mình đang làm, việc cụ thể do chính ta phải đảm đương trong một guồng quay, trong một lộ trình lớn mà chúng ta đang tham dự.

Với một người trẻ tuổi như tôi, bản chất bộ đội Cụ Hồ thời kỳ này dường như còn là niềm tin và hy vọng mà chúng tôi cảm thấy ở cha anh, cô chú đi trước. Cảm nhận thì như vậy, nhưng còn phát huy nó, tiếp nối nó và hun đúc nó đang là một thách thức với thế hệ chúng tôi mà chúng tôi không dễ gì để vượt qua được thử thách ấy, bởi tuổi trẻ cũng có tâm tư riêng, suy nghĩ riêng, lại càng dễ bị tác động bởi cuộc sống hiện đại. Chúng tôi đang sống trong một cuộc sống hiện đại, dễ gì thoát ra khỏi những đam mê vật chất cũng đang là một khó khăn không dễ vượt qua.

Hãy cứ như dòng sông tung mình ra biển lớn. Phải bền gan mà vượt qua mọi thác ghềnh. Tôi như đang nhìn thấy dòng sông Lục Đầu quê tôi cuồn cuộn chảy về phía biển, và ở phía nương dâu xa xanh kia, nơi phù sa của sông bồi đắp một người lính trẻ mỉm cười.

Người lính ấy là Toản.

Truyện ngắn của Phùng Văn Khai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chay-ve-phia-bien-postid409746.bbg
Zalo