'Chạy nước rút' hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch

Quyết liệt trong chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, huy động nhân lực, thiết bị và thời gian để nhập dữ liệu… là những giải pháp được ngành Tư pháp Thái Nguyên tập trung trong công tác số hóa dữ liệu hộ tịch thời gian qua. Điều này đã tạo nên 'bước chạy nước rút' để hoàn thành tốt nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Hàng chục sinh viên Đại học Thái Nguyên được huy động đến hỗ trợ các phường, xã của TP. Thái Nguyên số hóa dữ liệu hộ tịch.

Hàng chục sinh viên Đại học Thái Nguyên được huy động đến hỗ trợ các phường, xã của TP. Thái Nguyên số hóa dữ liệu hộ tịch.

Hoàn thành việc số hóa dữ liệu hộ tịch trong năm 2024 là mục tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh đề ra trong Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 13/9/2024. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương bởi khối lượng công việc lớn, thời gian ngắn, trong khi kết quả thực hiện việc số hóa dữ liệu hộ tịch trước đó còn khiêm tốn. Vậy nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt, tập trung cao độ từ tỉnh đến cấp huyện, xã, việc số hóa dữ liệu hộ tịch đã được hoàn thành đúng tiến độ, có nhiều địa phương về đích trước kế hoạch.

TP. Thái Nguyên là địa phương có số lượng dân cư đứng đầu tỉnh. Để đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu hộ tịch, Phòng Tư pháp thành phố đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với quyết tâm cao để hoàn thành trước kế hoạch, với 277.291 dữ liệu được số hóa, đạt 100%.

Bà Đào Thị Hạnh Nguyên, Trưởng Phòng Tư pháp TP. Thái Nguyên, chia sẻ: Phòng đã tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo các xã, phường thành lập tổ công tác số hóa, bố trí trang thiết bị phục vụ, huy động lực lượng thực hiện công việc này. Do lượng dữ liệu cần được số hóa lớn, cần nhiều người thực hiện, địa phương đã có văn bản đề nghị Đại học Thái Nguyên và Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông chọn cử sinh viên đến hỗ trợ cho các phường, xã. Lúc cao điểm, tại các phường, xã có trên 100 sinh viên được huy động đến hỗ trợ.

Lực lượng sinh viên này được hướng dẫn, chia thành từng nhóm tiến hành các bước nhập các trường thông tin, rà soát, kiểm soát, scan tạo file để hoàn thiện việc số hóa dữ liệu. Địa phương đề nghị Sở Tư pháp tạo 165 tài khoản số hóa dữ liệu hộ tịch.

Phòng Tư pháp hướng dẫn các phường, xã thực hiện việc rà soát, đối chiếu với sổ gốc dữ liệu hộ tịch đã tiếp nhận, tạo lập các file excel và file PDF theo hướng dẫn, cập nhật dữ liệu đã đối chiếu lên phần mềm hộ tịch; kiểm tra sổ hai đầu, phối hợp với cơ quan Công an và liên hệ với công dân để bổ sung một số trường dữ liệu thiếu hoặc viết tắt... để bảo đảm thông tin dữ liệu hộ tịch được số hóa nhiều nhất có thể.

Bằng nhiều biện pháp, sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, thành phố đã hoàn thành số hóa 100% dữ liệu hộ tịch vào ngày 10/12/2024.

Còn tại huyện miền núi Định Hóa, Phòng Tư pháp đã tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện việc số hóa dữ liệu hộ tịch. Phòng cũng đã phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, thực hiện nhập dữ liệu. Đặc biệt là đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn tranh thủ thực hiện ngoài giờ, số hóa từng loại dữ liệu.

Kết quả, đến cuối tháng 11-2024, toàn huyện đã hoàn thành số hóa 101.699 dữ liệu (trong đó có 68.315 dữ liệu khai sinh; 18.526 dữ liệu kết hôn; 10.726 dữ liệu khai tử…).

Lãnh đạo, chuyên viên Phòng Bổ trợ - Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp) vừa trực tiếp tham gia số hóa vừa kiểm tra, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc cho các địa phương.

Lãnh đạo, chuyên viên Phòng Bổ trợ - Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp) vừa trực tiếp tham gia số hóa vừa kiểm tra, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc cho các địa phương.

Nói về công tác số hóa dữ liệu trên địa bàn tỉnh, bà Nguyễn Thị Quyên, Trưởng Phòng Bổ trợ - Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp), cho biết: Nhằm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành tốt việc số hóa dữ liệu hộ tịch theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với Công an tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch tại các địa phương; thành lập các đoàn kiểm tra về các địa phương để chỉ đạo, đôn đốc. Các địa phương tập trung ưu tiên máy móc, trang thiết bị, nhân lực cho công tác này, thành lập các tổ nhập liệu, làm việc ngoài giờ, liên tục các ngày trong tuần.

Cùng với đó, Phòng Bổ trợ - Hành chính tư pháp đã cử cán bộ, chuyên viên trực 24/7 để kịp thời hướng dẫn cán bộ tư pháp các địa phương trong quá trình nhập dữ liệu; tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc, phản ánh từ cơ sở và kịp thời xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ từ Bộ Tư pháp để xử lý.

Phòng cũng thường xuyên tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Sở Tư pháp và UBND tỉnh về tiến độ triển khai thực hiện. Với những giải pháp quyết liệt, quyết tâm cao, đến ngày 25/12/2024, nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành 100% với trên 1.135.787 dữ liệu (trong khi đó, tính đến tháng 11-2024, tỷ lệ nhập dữ liệu chung trong toàn tỉnh mới chỉ đạt gần 40%).

Việc hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người dân cũng như công tác quản lý nhà nước về hộ tịch. Kết quả này tạo bước ngoặt trong công tác bảo quản hồ sơ, dữ liệu hộ tịch, tiết kiệm không gian, chi phí, nguồn nhân lực, đồng thời giúp cho việc truy xuất dữ liệu bảo đảm dễ dàng, nhanh chóng khi giải quyết các thủ tục hành chính. Hơn nữa, điều này góp phần quan trọng trong việc xây dựng và vận hành chính quyền điện tử.

Hoàng Anh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202412/chay-nuoc-rut-hoan-thanh-so-hoa-du-lieu-ho-tich-a8d1180/
Zalo