Chạy nước rút giải ngân hơn 24 nghìn tỷ vốn giao thông

Năm nay, Bộ GTVT được giao hơn 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính đến hết tháng 11, lũy kế giải ngân của Bộ đạt khoảng 71.200 tỷ, đạt 75,6%.

Dù tiếp tục dẫn đầu cả nước song áp lực giải ngân số vốn còn lại rất lớn, đòi hỏi sự quyết liệt cũng như sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.

Linh hoạt thi công, gia tăng sản lượng

Những ngày đầu tháng 12, công trường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đang bước vào mùa mưa bão nên việc triển khai thi công nền đường không thuận lợi. Liên danh nhà thầu và chủ đầu tư đã có linh hoạt điều tiết tổ chức thi công.

Dù tiếp tục dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (đạt 75,6%) nhưng áp lực với ngành giao thông vẫn rất lớn (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt). Ảnh: Tạ Hải.

Dù tiếp tục dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (đạt 75,6%) nhưng áp lực với ngành giao thông vẫn rất lớn (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt). Ảnh: Tạ Hải.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, thay vì bố trí các mũi công nhân làm nền đường dọc tuyến, các nhà thầu tập trung thi công hệ thống cầu, cống, đặc biệt là hệ thống 3 hầm xuyên núi. Kể cả trời mưa, hơn 40 mũi thi công cùng hàng trăm thiết bị, máy móc lúc nào cũng được duy trì.

Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tính theo giá trị tuyệt đối, Bộ GTVT đứng đầu trong số những bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước cao nhất cả nước trong 11 tháng.

Đứng thứ hai là Hà Nội (gần 32.600 tỷ đồng), tiếp đến là TP.HCM (gần 28.800 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (hơn 16.000 tỷ đồng), Bình Dương (hơn 13.800 tỷ đồng), Hải Phòng (gần 13.400 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 11.500 tỷ đồng), Long An (hơn 9.900 tỷ đồng).

"Mục tiêu là thông hầm số 2 vào cuối năm nay, đây là hạng mục quan trọng quyết định rất lớn đến tiến độ toàn dự án cũng như công tác giải ngân", đại diện nhà thầu cho hay.

Nhờ linh hoạt phương án thi công ngay từ đầu, đến nay cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn giải ngân được gần 5,6 nghìn tỷ đồng trong tổng vốn hơn 7,1 nghìn tỷ đồng.

"Nếu các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng đúng hạn như cam kết thì tỷ lệ giải ngân vốn của dự án đã khác", đại diện Ban Quản lý dự án 2 thông tin.

Tại gói thầu 12XL thuộc dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, hiện Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã tập trung hàng trăm máy móc, thiết bị cùng đội ngũ công nhân thi công các hạng mục đắp nền, cầu trên tuyến, vượt tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, thời gian qua mưa lớn, công tác đắp nền đường chững lại. Để đảm bảo tiến độ, nhà thầu chuyển sang làm cầu, đúc phụ kiện ngay trong điều kiện thời tiết mưa gió…

Trao đổi với PV, đại diện Ban Quản lý dự án 85 cho biết được giao kế hoạch vốn năm 2023 gần 5 nghìn tỷ đồng. Đến hết tháng 11, Ban đã giải ngân được hơn 3,6 nghìn tỷ, đạt 73,1%. Còn khoảng 27% nhưng Ban 85 đã tính toán các phương án để đảm bảo giải ngân hết trong năm nay.

Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cũng được xem là điển hình trong công tác thi công và giải ngân vốn. Đây là một trong hai dự án đầu tiên trong nhóm 11 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 triển khai đạt tiến độ theo cam kết.

Dự án được khởi công ngày 2/7/2021 với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng và phải đưa vào khai thác tháng 9/2023. Toàn dự án có 4 gói thầu xây lắp với 10 nhà thầu tham gia thi công.

Đến thời điểm cuối tháng 8/2023, toàn bộ việc xây lắp đã xong cơ bản, thông xe kỹ thuật vào dịp 2/9/2023 và khánh thành vào ngày 18/10/2023. Ông Nguyễn Linh Lợi, Ban điều hành dự án (Ban Quản lý dự án 6) cho biết, năm 2023 dự án được giao 1.667 tỷ đồng, đã giải ngân đến 30/11 là 1.313 tỷ đồng (đạt 78%). Từ nay đến cuối năm, Ban và các nhà thầu phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch.

Để đạt được kết quả này, tư vấn giám sát đã phải xắn tay cùng với nhà thầu đẩy nhanh công tác nội nghiệp, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu thanh toán, kể cả phải làm vào ban đêm.

Bứt tốc công trường, chạy đua giải ngân

Những ngày này, tất cả công nhân, cán bộ, kỹ sư trên công trường cầu Mỹ Thuận 2 đang chạy đua thi công các hạng mục cuối để dự án cán đích vào 31/12. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó giá trị giải ngân xây lắp đạt 3.082,6/3.367,5 tỷ đồng, tương đương trên 91%.

Hai dự án lớn là cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang cũng đang chạy đua thi công phần nền đường, cầu cống.

Trong năm 2023, dự án Chí Thạnh - Vân Phong được giao kế hoạch vốn là 3,5 nghìn tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 2,3 nghìn tỷ đồng. Cao tốc Vân Phong - Nha Trang được giao hơn 4,1 nghìn tỷ đồng, đã giải ngân hơn 3,1 nghìn tỷ đồng.

Với dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay đã khánh thành đưa vào khai thác, nhưng công tác nội nghiệp, giải ngân vẫn tiếp tục triển khai. Trong năm 2023, dự án được giao 2.130 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân trên 1.863 tỷ đồng…

Vài tháng qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT về việc đưa dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cán đích trước ngày 31/12/2023, ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã dành phần lớn thời gian để bám sát công trường, trực tiếp cùng chủ đầu tư, nhà thầu gỡ khó, đẩy tiến độ dự án.

"Công địa nào có thể triển khai, các nhà thầu đều đang dồn lực tăng tốc", ông Minh chia sẻ, đồng thời cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, toàn công trường dự án đang duy trì thi công 24/7. Nếu trước đây, kế hoạch đưa ra mỗi ngày thảm 3.000 tấn bê tông nhựa thì hiện nay, con số lên đến 6.000 tấn/ngày.

Nhờ đó, sản lượng thi công thời gian gần đây luôn đạt xấp xỉ 30 tỷ đồng/ngày, gấp rưỡi so với thông thường.

Là một trong hai nhà thầu được đánh giá có khả năng đáp ứng tiến độ theo kế hoạch tại dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vẫn không chủ quan khi từ nay đến thời điểm đưa gói thầu về đích (dự kiến 30/4/2024), giá trị thi công còn tương đối lớn (hơn 400 tỷ đồng).

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 - Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ, mục tiêu trong thời gian hơn 1 tháng (từ 25/11/2023 đến 30/1/2024) là phải đạt được giá trị sản xuất 163 tỷ đồng, giá trị nghiệm thu hơn 160 tỷ đồng.

Trao đổi về kết quả giải ngân tại dự án, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết, năm 2023, dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt xây dựng kế hoạch giá trị thi công là 4.300 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giải ngân vốn VGF (vốn góp Nhà nước tại dự án) là 1.800 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, giá trị giải ngân nguồn vốn này đã đạt gần 1.500 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai dự án đến nay đã giải ngân hơn 2.135 tỷ đồng. Để giải ngân hết, toàn công trường dự án đang được huy động 101 mũi thi công, hơn 850 đầu máy thiết bị với gần 2.000 kỹ sư, công nhân.

Tăng tạm ứng, dứt điểm mặt bằng

Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, kết quả giải ngân đạt nhiều tín hiệu tích cực còn là nhờ năm 2023, Bộ GTVT đã thay đổi cách thức trong xây dựng kế hoạch giải ngân.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh. Ảnh: Tạ Hải.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh. Ảnh: Tạ Hải.

Nếu trước đây, căn cứ tiến độ triển khai dự án để xây dựng kế hoạch thì năm 2023, Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tiếp tục thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng, mỏ vật liệu; Tăng ca, tăng kíp, tăng mũi thi công, tập trung nghiệm thu thanh toán ngay khi có khối lượng thi công hoàn thành.

Đối với những nhà thầu yếu kém, phải xem xét cắt giảm, điều chỉnh khối lượng.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Bộ GTVT tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu và coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hóa giải áp lực giải ngân rất lớn trong năm 2023, đặc biệt tại các dự án ao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, trong khi nguồn vật liệu hạn chế, Bộ GTVT đã chỉ đạo thi công các hạng mục có giá trị sản lượng cao, không phụ thuộc nguồn vật liệu như cầu, cống.

Những vị trí có mặt bằng, sẵn vật liệu thì làm cuốn chiếu, thi công đến đâu làm móng mặt đến đó.

Nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu, ngoài việc nghiệm thu, thanh toán sản lượng thi công trên công địa, thời gian tới, Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo các chủ đầu tư có thể tạm ứng thêm cho nhà thầu theo quy định của pháp luật.

"Dù tiến độ giải ngân đang rất khả quan nhưng vướng mắc lớn nhất đối với công tác thi công và giải ngân với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 hiện nay là một số địa phương chưa bàn giao được hết mặt bằng do vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nếu không giải quyết sớm, dự án sẽ ách tắc", ông Minh chia sẻ.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, thống kê đến hết tháng 11/2023, lũy kế giải ngân của Bộ GTVT đạt khoảng 71.200 tỷ đồng (4.075 tỷ đồng vốn nước ngoài; 67.125 tỷ đồng vốn trong nước), đạt 75,6% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông (cả hai giai đoạn) chiếm gần 70% tổng kế hoạch vốn năm 2023 của Bộ GTVT, tính đến hết tháng 11, dự án giai đoạn 2017-2020 đã giải ngân hơn 12.500 tỷ đồng (đạt hơn 82%); Dự án giai đoạn 2021-2025 đã giải ngân hơn 38.650 tỷ đồng (đạt gần 81% kế hoạch vốn được giao).

Nhóm phóng viên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chay-nuoc-rut-giai-ngan-hon-24-nghin-ty-von-giao-thong-192231204222133864.htm
Zalo