Chảy máu kéo dài, phát hiện sinh vật không ngờ sống trong mũi
Sau chuyến đi rừng, người đàn ông bắt đầu bị chảy máu mũi kéo dài. Khi đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện một con vắt còn sống trong hốc mũi ông.

Vắt là loài vật thuộc họ giun đốt, thường sống trong môi trường ẩm ướt. Ảnh: Shutterstock.
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Định cho biết vừa can thiệp gắp thành công một con vắt dài khoảng 8 cm còn sống, ký sinh nhiều ngày trong hốc mũi của một nam bệnh nhân.
Người bệnh là ông Đ.V.H. (53 tuổi, trú xã An Lão), nhập viện trong tình trạng chảy máu mũi kéo dài, khó thở, hốc mũi phù nề và có nhiều điểm xuất tiết máu tươi. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong hốc mũi bệnh nhân.
Dị vật sau khi được gắp ra được xác định là một con vắt còn sống, dài khoảng 8 cm. Sinh vật này được xác định đã ký sinh trong mũi bệnh nhân suốt một tuần. Sau thủ thuật, tình trạng chảy máu chấm dứt, đường thở thông thoáng hơn và sức khỏe người bệnh từng bước ổn định.
Theo lời ông H., khoảng một tuần trước, ông có đi rừng và uống nước suối trực tiếp từ khe đá. Sau đó, người bệnh bắt đầu chảy máu mũi kéo dài. Dù đã đi khám tại một cơ sở y tế ở phường Bồng Sơn, song nguyên nhân không được xác định rõ cho đến khi vào bệnh viện.
Vắt là loài ký sinh thuộc họ giun đốt, thường sống trong môi trường ẩm ướt như rừng rậm, khe suối, bụi rậm. Khi tiếp xúc với người hoặc động vật, vắt có thể chui vào tai, mũi, họng hoặc các vùng da hở, bám chặt bằng giác hút và tiết ra chất chống đông máu để hút máu mà nạn nhân không cảm nhận được rõ rệt.
Vắt khi chui vào mũi có thể bám chặt vào niêm mạc, hút máu liên tục, dẫn đến mất máu âm thầm, gây phù nề, viêm nhiễm, chảy máu kéo dài. Trong những trường hợp nghiêm trọng, vắt có thể bò sâu vào khí quản hoặc phổi, gây tắc nghẽn đường thở và đe dọa tính mạng.
Người dân khi đi rừng, làm rẫy hoặc đi qua vùng ẩm thấp cần cẩn trọng:
Tuyệt đối không uống nước suối trực tiếp
Nên đun sôi hoặc lọc nước kỹ trước khi sử dụng
Mặc quần áo kín, mang vớ cao và kiểm tra cơ thể sau khi rời khỏi rừng
Khi có dấu hiệu chảy máu mũi kéo dài, khó thở, nghẹt mũi bất thường… người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
Việc chủ quan hoặc chậm trễ trong phát hiện dị vật như vắt ký sinh có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.