Chạy lũ ở Hà Nội: 'Nước lên quá nhanh, tôi kẹt giữa sông Hồng khóc cùng đàn lợn'
Nước sông Hồng dâng cao, hàng nghìn người Hà Nội phải chạy lũ. Có người mắc kẹt giữa sông Hồng khóc cùng đàn lợn trong đêm và may mắn được giải cứu.
Như từ cõi chết trở về
Sau một đêm được lực lượng chức năng huyện Đan Phượng, Hà Nội giải cứu giữa mênh mông biển nước ở sông Hồng, chị Lê Thị Dần (51 tuổi, trú tại xã Thọ An) vẫn không cầm được nước mắt khi nhớ về khoảnh khắc kẹt giữa đêm khóc cùng đàn lợn.
Chị Dần cho biết, gia đình chị có trang trại rộng gần chục héc ta ở bãi bồi sông Hồng thuộc xã Thọ An với hàng chục ngàn cây chuối, bưởi, hồng xiêm, phật thủ và hàng trăm con lợn đẻ, lợn thương phẩm, chó, gà và mèo... Cả gia đình bao năm đầu tư, trông chờ vào thu nhập từ trang trại thì bão vừa qua, lũ đã tới có thể mất trắng vài tỷ đồng.
Trưa 11/9, nhìn lực lượng Công an huyện Đan Phượng đang nỗ lực vớt vát những tài sản trong trang trại giúp gia đình, chị Dần càng thêm xót xa nghĩ về tình cảnh của mình và hàng ngàn người dân các tỉnh phía Bắc đang phải chống chọi với bão, lũ.
Người phụ nữ 51 tuổi cho hay, hôm qua (10/9) khi thấy tình hình nước sông Hồng dâng cao, gia đình chị đã chủ động di chuyển đàn lợn hàng trăm con ra khỏi vùng nước lũ.
Tuy nhiên, đến chiều và tối, lũ lên nhanh, chị và mọi người không kịp trở tay khiến hàng trăm con lợn, chó, mèo, gà bị mắc kẹt hoặc đã trôi sông. Trong đó, có 3 con lợn nái đang đẻ trong nước lũ nên mỗi lần nghĩ về tài sản bị nước nhấn chìm, đôi mắt chị lại rơi lệ.
"Nước lũ lên quá nhanh, điện mất, điện thoại hết pin không thể liên lạc với người thân, tôi bị kẹt giữa mênh mông biển nước cùng đàn gia súc, gia cầm. Bị mắc kẹt giữa đêm vắng, tôi chỉ biết ngồi khóc cùng đàn lợn; trong đó có 3 con lợn mẹ đang đẻ", chị Dần nói.
Người phụ nữ ngoại thành Hà Nội cho hay, phải đến khoảng hơn 23h đêm hôm qua, chỉ đến khi lực lượng chức năng huyện Đan Phượng đưa thuyền lớn ra ngoài, chị mới được giải cứu, đưa vào bờ an toàn. "Thấy tôi khóc, các con chỉ biết động viên bảo của đi thay người, mẹ còn sống là quá may mắn, bao người còn tan cửa, nát nhà, vùi lấp vì mưa lũ".
Cả làng tháo chạy trong nước lũ
Trưa 11/9, Ban Chỉ huy PCTT và KTCN TP. Hà Nội lệnh báo động II trên sông Hồng tại địa phận thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh.
Lệnh báo động lũ trên sông Hồng lúc 10h35 là 13,40 m (mức nước báo động II là 13,40 m). Do đó, yêu cầu các ngành, các đơn vị ở địa phận trên, cán bộ được giao nhiệm vụ nghiêm chỉnh thi hành khi có lệnh báo động II.
Trong khi trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa nay, trên mức BĐ2 và dưới BĐ3.
Trước tình hình nước lũ dâng cao tại sông Hồng, vào sáng nay, hàng ngàn người dân ở thôn 12, xã Thọ An, huyện Đan Phượng hối hả tay xách nách mang tháo chạy khỏi những ngôi nhà ven sông đang bị nước lũ tràn vào để đến nơi an toàn.
Ở trên đường cao ráo, từng đoàn xe máy và ô tô nối đuôi nhau thành hàng dài chở tài sản và người dân ra khỏi thôn trước khi nước lũ ngập sâu hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, mực nước sông Hồng dâng lên nhanh, chỉ sau một ngày đã dâng lên hàng hơn mét nước. Tại thôn 12, nhiều chỗ ngập sâu lên tới gần ngực người buộc người dân phải di chuyển đồ đạc tránh lũ.
Để nhanh chóng đưa người dân đến vùng an toàn, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đan Phượng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân tiến hành di dời tài sản, đồ dùng cùng hàng nghìn con vật nuôi và hàng tấn sản phẩm hoa màu của người dân sinh sống ngoài đê di chuyển đến nơi an toàn.
Lực lượng công an cũng có mặt từ sớm để giúp người dân chạy lũ và điều tiết giao thông tại khu vực đường từ thôn 12 lên đê.
Ông Toàn, người dân sinh sống ở đây mấy chục năm cho hay, chưa thấy khi nào nước dâng nhanh đến như vậy. Nếu không chủ động di chuyển trước đến lúc nước ngập sâu muốn ra khỏi thôn cũng rất khó. Hiện tại, nước sông Hồng đã dâng lên, tràn qua một số tuyến đường cao nhất ở thôn 12.
Trong khi đó, ở thôn 7 xã Trung Châu B, cách đó khoảng hơn 1 km, ngày hôm qua, người dân vẫn có thể vào thôn di chuyển đồ đạc, vật nuôi... thì đến ngày hôm nay toàn bộ khu chăn nuôi với hàng trăm trang trại, nhà cửa của người dân đã chìm trong biển nước. Hiện tại, nước đã chia cắt, người dân không thể tiếp cận trang trại của mình.
Ông Huy, người dân tại thôn 7 cho hay, nước lên quá nhanh, rất may, hôm qua người dân địa phương được sự hỗ trợ của quân đội và công an đã di chuyển được hàng chục ngàn vật nuôi gồm lợn, gà, chó, mèo... đến nơi an toàn. "Chỉ chậm một buổi, toàn bộ gia súc, gia cầm sẽ bị nhấn chìm, thiệt hại không biết bao nhiêu mà thống kê", ông Huy cho hay.