'Chạy án' để chiếm đoạt tài sản
Lợi dụng tâm lý mong được chạy tội, giảm án, một số đối tượng đã 'nổ' về việc có các mối quan hệ có thể 'chạy án' để chiếm đoạt số tiền lớn của bị hại.

Đối tượng Nguyễn Trọng Thuấn tại tòa
Đánh vào tâm lý muốn được “giải cứu”
Vừa qua, Tòa án Nhân dân hai cấp ở tỉnh Hải Dương đã xét xử một số vụ án lừa đảo “chạy án” để chiếm đoạt tài sản. Hầu hết người bị hại trong các vụ án này là thân nhân của những người bị vướng vào pháp lý. Họ mang tâm lý sợ người thân hoặc bản thân dính vào tù tội, thua kiện trong tranh chấp dân sự, kinh tế.
Chị B.T.N. ở xã Vĩnh Hồng (Bình Giang) có chồng là anh V.V.C. bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Giang khởi tố, bắt tạm giam về tội đánh bạc vào ngày 8/7/2022. Chị N. nhờ anh họ “chạy án” cho chồng. Qua các mối quan hệ, chị N. được dẫn đến gặp Nguyễn Trọng Thuấn (sinh năm 1979, tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội). Thuấn cho rằng anh C. có nhân thân xấu nên chỉ có thể lo cho được hưởng án treo hoặc được trả tự do tại phiên tòa với chi phí 1,2 tỷ đồng.
Tin tưởng Thuấn nói thật, có số tiền 300 triệu đồng, chị N. đi vay 900 triệu đồng nữa rồi đưa cả cho Thuấn. Sau khi nhận được tiền của chị N., Thuấn dùng số tiền này để trả nợ, chi tiêu cá nhân. Đến tháng 11/2022, anh C. bị Tòa án Nhân dân huyện Bình Giang xử phạt 3 năm 6 tháng tù về tội đánh bạc. Thấy Thuấn không thực hiện nội dung đã thỏa thuận nên chị N. đòi tiền. Ngày 14/12/2024, Nguyễn Trọng Thuấn đến cơ quan công an đầu thú. Ngày 20/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Nguyễn Trọng Thuấn 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một vụ việc khác, vào tháng 5/2021, Công ty TNHH Clark Material Handling Việt Nam ở xã Cẩm Phúc cũ, nay là xã Phúc Điền (Cẩm Giàng) phát hiện bị mất nhiều linh kiện sản xuất xe nâng có giá trị lớn. Đại diện doanh nghiệp này làm đơn trình báo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương. Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định 4 đối tượng cùng ở huyện Cẩm Giàng lấy trộm số tài sản trên.
Lo sợ bị xử lý hình sự, những người này đã thông qua người quen, tìm đến Lê Thị Lan (sinh năm 1975, trú tại xã Hồng Nam, TP Hưng Yên) nhờ “chạy án”. Lan nhận lời rồi liên lạc với Nguyễn Thị Thanh Ngà (tức Nguyễn Thị Thanh Nhàn, sinh năm 1972, trú tại phường Tiền An, TP Bắc Ninh) để nhờ Ngà làm việc này. Ngà đồng ý và nói rằng mình có mối quan hệ rộng, quen biết nhiều người có chức vụ cao và bảo Lan để hỏi “các anh” rồi trả lời sau.
Vài ngày sau, Ngà thông báo cho Lan có thể tác động đến các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hải Dương, lo chạy cho những người này không bị xử lý hình sự. Lúc này Ngà chưa nói gì đến chi phí. Biết tin, Lan thông báo với 4 đối tượng việc đồng ý nhận “chạy án”, yêu cầu mỗi người chuẩn bị 1 tỷ đồng để khi cần sử dụng, cam kết không lo được trắng án thì sẽ trả lại tiền. 4 người trên tin tưởng, nhiều lần chuyển khoản, đưa cho Lan tổng số hơn 4,4 tỷ đồng. Lan viết giấy xác nhận có nội dung đã nhận tiền lo "chạy trắng án" cho những người này và chuyển cho Ngà hơn 3,95 tỷ đồng, giữ lại 450 triệu đồng.
Ngày 27/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Clark Material Handling Việt Nam. Ngày 30/7/2021, Ngà gọi điện cho Lan thông báo không thể lo "trắng án" được và trao đổi nếu mọi người đồng ý "chạy án" để áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo thì tiếp tục giúp đỡ. Nếu không được việc, Ngà sẽ trả lại tiền cho Lan. Nghe vậy, Lan đến gặp 4 người trao đổi lại thông tin trên. Cả 4 người đồng ý nhờ Ngà giúp cho hưởng án treo. Ngà hứa hẹn sẽ trả lại tiền nếu chi phí còn thừa.
Tháng 9/2021, 4 người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hải Dương) khởi tố, bắt tạm giam về hành vi trộm cắp tài sản.
Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lê Thị Lan bị tòa tuyên phạt 13 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Ngà bị phạt 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, các bị cáo còn phải chịu trách nhiệm dân sự hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
“Chạy án” là vi phạm pháp luật
Theo luật sư Vũ Thị Mỵ (Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương), “chạy án” là việc đối tượng dùng mọi thủ đoạn bất hợp pháp để can thiệp vào quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm làm giảm nhẹ hình phạt của người phạm tội… Hành vi này có thể được thực hiện bởi nhiều động cơ khác nhau, biểu hiện cụ thể như đưa tiền, lợi ích vật chất… cho những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đưa ra các thông tin quen biết những người có chức vụ, có quyền lực hoặc làm việc tại các cơ quan tiến hành tố tụng để thuyết phục nhờ giảm án… Điều này làm thân nhân của các bị can, bị cáo, người liên quan trong vụ án không hiểu biết pháp luật tin theo và giao tiền cho đối tượng để rồi tiền mất nhưng người thân vẫn phải chịu sự trừng phạt của pháp luật về hành vi phạm pháp.
Trong xét xử luôn tuân theo nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và tuân theo pháp luật, không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có quyền hoặc khả năng can thiệp vào hoạt động xét xử độc lập của tòa án.
“Chạy án” không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các cơ quan, người tiến hành tố tụng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Bất kỳ người nào thực hiện hành vi nêu trên thì tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự một trong số các tội danh như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Khi có vướng mắc pháp lý, người dân nên tìm đến những người có kiến thức pháp luật, luật sư có đạo đức nghề nghiệp nhờ họ tư vấn, giúp đỡ, không nên tin vào những “đường dây quan hệ” với hành vi sai trái "chạy án".