Châu Thành - vươn mình từ tái cơ cấu nông nghiệp

Châu Thành - huyện nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp đã và đang có những chuyển biến tích cực sau quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Với những giải pháp đúng đắn và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, huyện từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Câu khẩu hiệu được tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tại vùng trồng nhãn xã An Nhơn

Câu khẩu hiệu được tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tại vùng trồng nhãn xã An Nhơn

Phát huy lợi thế địa phương trong tái cơ cấu nông nghiệp

Huyện Châu Thành có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với diện tích gieo trồng hàng năm đạt 39.600ha, đặc biệt là vườn cây ăn trái 8.825ha, chủ yếu là nhãn, sầu riêng, chanh, khoai lang.

Trước năm 2015, nông nghiệp của huyện chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; nông dân thu nhập thấp và đời sống còn nhiều khó khăn... Nhận thấy những hạn chế này, xác định mấu chốt của tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, đa giá trị đối với các cây trồng chủ lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác trong liên kết sản xuất... huyện đã tập trung mọi nguồn lực, chính sách để thực hiện.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị, Nhân dân, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực qua từng năm, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bà Trương Thị Xuân Ngân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành chia sẻ, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp của huyện không ngừng tăng (năm 2023 đạt trên 162 triệu đồng/ha; ước năm 2024 đạt trên 165 triệu đồng/ha). Đặc biệt, thu nhập của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng lên, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới toàn huyện.

Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa đối với các cây trồng chủ lực gồm: khu vực phía Tây nằm cặp sông Tiền (các xã: Phú Hựu, An Nhơn, An Phú Thuận, An Khánh và thị trấn Cái Tàu Hạ) hình thành vùng sản xuất nhãn tập trung quy mô lớn, khoảng 2.670ha, sản lượng 60.500 tấn/năm và vùng trồng sầu riêng, diện tích 1.197,5ha; khu vực phía Nam hình thành vùng trồng khoai lang (các xã: Hòa Tân, Phú Long và Tân Phú), với diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 3.000ha, năng suất đạt khoảng 105.000 tấn/năm.

Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi 6.437ha đất lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang các cây trồng có năng suất cao. Việc chuyển đổi cây trồng đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 15 - 20 lần và cao hơn trồng màu 7 - 8 lần. Trong đó, sản xuất sầu riêng an toàn theo hướng VietGAP, mỗi héc-ta cho lợi nhuận trung bình 900 triệu đồng/năm, cao gấp 30 lần so với 1 héc-ta lúa.

Việc xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong nông nghiệp được địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, huyện có 205 mã số vùng trồng (10.045,19ha); 100% cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện, xã được số hóa giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế số đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của tỉnh; trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng internet, mua bán trực tuyến; 100% sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có mặt trên sàn thương mại điện tử...

Mỗi héc-ta sầu riêng sản xuất theo hướng VietGAP của huyện Châu Thành cho lợi nhuận trung bình 900 triệu đồng/năm

Mỗi héc-ta sầu riêng sản xuất theo hướng VietGAP của huyện Châu Thành cho lợi nhuận trung bình 900 triệu đồng/năm

Thay đổi tư duy để nông nghiệp phát triển

Một trong những điểm nổi bật về tái cơ cấu nông nghiệp ở Châu Thành là người dân từng bước thể hiện rõ vai trò chủ thể. Thông qua các Hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác đã hình thành nhiều mô hình làm ăn liên kết mang lại hiệu quả cao. Huyện đã hình thành và phát triển 11 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trên nhãn, khoai lang, sầu riêng... giúp các hợp tác xã nâng cao giá trị tăng thêm từ việc thực hiện các chuỗi liên kết 12 - 15 triệu đồng/ha (cao hơn 15 triệu đồng/ha so với diện tích bên ngoài chuỗi).

Tại Hiệp Tâm Hội quán, xã An Hiệp, việc làm ăn liên kết đã được thể hiện khá rõ. Theo ông Võ Văn Hải - Chủ nhiệm Hội quán, trước đây, việc làm ăn cá thể hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi thành lập Hội quán, bà con họp hàng tháng nghe các nhà khoa học phổ biến kiến thức sản xuất và áp dụng trên cây trồng mang lại hiệu quả rõ ràng. Từ việc mua phân bón của các công ty chất lượng đảm bảo, giá thành hạ, năng suất đảm bảo, bán giá cao nên lợi nhuận trong sản xuất cao hơn. “Vào Hội quán sản xuất theo mô hình mua chung, bán chung giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%. Bên cạnh đó, việc liên kết với công ty, nông dân an tâm về chất lượng vật tư cung ứng, việc sản xuất đảm bảo hơn so với trước đây”, ông Đặng Quốc Hùng - Phó Chủ nhiệm Hiệp Tâm Hội quán chia sẻ.

Tại Hiệp Tâm Hội quán (xã An Hiệp) việc làm ăn liên kết giúp giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%

Tại Hiệp Tâm Hội quán (xã An Hiệp) việc làm ăn liên kết giúp giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%

Theo bà Trương Thị Xuân Ngân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, đến nay, tư duy sản xuất của người nông dân thay đổi rõ nét, họ chủ động học hỏi, tiếp cận tiến bộ mới, tinh thần hợp tác ngày càng cao. Trên địa bàn huyện ra mắt nhiều tổ chức của nông dân như: mô hình nông dân chuyên nghiệp, Hội quán, hợp tác xã. Mặc dù quy mô liên kết của các tổ chức này còn hạn chế, nhưng đây là nền tảng tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới để phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng bền vững, giúp nông sản có đầu ra ổn định, tăng lợi nhuận và nâng cao thu nhập, đặc biệt là gia tăng giá trị nông sản sau chế biến và phát triển sản phẩm OCOP.

Huyện Châu Thành đang thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đầu tư ít hơn, hiệu quả cao hơn. Để chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, huyện phát huy công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trước mắt, huyện tập trung khắc phục các hạn chế và các điểm nghẽn trong thời gian qua; định hướng cho các địa phương xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phải gắn với thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, các ngành liên quan cùng với các địa phương tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn; tiếp tục chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp...

Mỹ Nhân

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/chau-thanh-vuon-minh-tu-tai-co-cau-nong-nghiep-125904.aspx
Zalo