Châu Phi tiếp nhận lô vaccine đậu mùa khỉ đầu tiên
Lô vaccine đậu mùa khỉ (mpox) đầu tiên dự kiến đến châu Phi trong tuần này, sau khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân phối tới các khu vực khác trên thế giới.
1000 mũi vaccine do Mỹ tài trợ sẽ dùng để kiềm chế biến thể đậu mùa khỉ mới, sau khi đợt bùng phát năm 2022 kích hoạt báo động toàn cầu.
Theo giới chức y tế, tính đến tuần trước, dù có hơn 70 quốc gia bên ngoài châu Phi đã tiếp nhận vaccine, lục địa này vẫn không nhận được bất cứ mũi tiêm nào. Tình trạng này phản ánh những “lỗ hổng” trong chương trình hành động của các tổ chức quốc tế nhằm đối phó trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Các chuyên gia cho biết, WHO mãi cho tới tháng 8/2024 mới có thể phối hợp với các tổ chức quốc tế để giúp các nước châu Phi dễ dàng tiếp cận với lượng lớn vaccine, dù trên thực tế đại dịch này đã ám ảnh người dân nơi đây suốt hàng thập kỷ qua.
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm với các triệu chứng giống như cúm, xuất hiện các nốt viêm mủ và có thể dẫn tới tử vong.
Ngày 14/8, WHO ra tuyên bố khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu sau khi biến thể mới, được gọi là nhóm Ib, bắt đầu lan rộng từ CHDC Congo sang các nước láng giềng châu Phi.
Việc mòn mỏi chờ đợi WHO chấp thuận cho các tổ chức quốc tế mua và phân phối vaccine buộc các chính phủ cũng như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi phải yêu cầu các nước phát triển tài trợ y tế.
Theo bà Helen Rees, thành viên Ủy ban ứng phó khẩn cấp về đậu mùa khỉ CDC châu Phi và là Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Wits RHI ở Johannesburg (Nam Phi), điều nghịch lý là sau khi châu Phi phải vật lộn để tiếp cận vaccine trong đại dịch Covid-19 thì giờ đây, lục địa này lại một lần nữa bị bỏ lại phía sau.
CDC châu Phi cho biết, có thể cần tới 10 triệu liều vaccine để đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh trên khắp lục địa.
Tuy nhiên, WHO yêu cầu các nhà sản xuất nội trong tháng này phải gửi thông tin cần thiết về các mũi tiêm đậu mùa khỉ để nhận được giấy phép khẩn cấp, thể hiện sự chấp thuận của tổ chức này đối với các sản phẩm y tế. WHO cũng kêu gọi các quốc gia tài trợ vaccine cho châu Phi cho đến khi quá trình cấp phép này hoàn thiện vào tháng 9/2024.