Cháu gái về quê ăn giỗ, ở lại tránh bão thì gặp nạn sập cầu Phong Châu

Người nhà của những nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu ở Phú Thọ sáng 9/9 đều có mặt tại hiện trường, mong chờ phép màu sẽ xảy đến.

Trưa 9/9, nghe tin cầu Phong Châu bị sập, chị Hương (Thanh Sơn, Phú Thọ) và gia đình rất hoảng hốt vì sáng nay em gái và cháu gái (cùng sinh năm 2005) vừa rủ nhau xuống thành phố Việt Trì chơi, chắc chắn phải đi qua cây cầu này.

“Tôi lập tức bấm điện thoại gọi cho hai đứa nhưng không được, liền chạy ra để xem nhưng đến nay chưa có tin tức gì”, chị Hương nói với Tri Thức - Znews. Nét mặt và giọng nói của chị không giấu được sự lo lắng và bồn chồn.

Chị Hương kể cháu gái từ miền Nam về quê ăn giỗ, đáng ra đã bay vào từ ngày hôm qua. Nhưng do tình hình mưa bão, các chuyến bay bị hoãn nên cháu ở lại. Hôm nay, cháu được một người bạn rủ xuống nhà chơi vài ngày rồi mới đi thì không ngờ gặp nạn.

 Chị Hương lo lắng chờ đợi tin tức về em gái và cháu gái của mình. Ảnh: Ánh Hoàng.

Chị Hương lo lắng chờ đợi tin tức về em gái và cháu gái của mình. Ảnh: Ánh Hoàng.

Hy vọng mong manh

Nhìn cảnh tượng trước mắt, dòng nước lũ cuồn cuộn và lời kể từ những người có mặt tại hiện trường, chị Hương càng lo lắng của những người thân của mình.

“Hai đứa đều biết bơi, nhưng tôi chỉ e nếu lúc đó bị rơi xuống nước bất ngờ, dòng nước chảy mạnh như vậy thì các cháu không kịp định thần”, chị nói.

Chị Hương đã trình báo thông tin thân nhân cho lực lượng chức năng đang làm việc tại hiện trường để nhận thông báo trong trường hợp tìm thấy em và cháu gái. Chị cho biết bố mẹ của cháu gái từ miền Nam cũng đang đợi chuyến bay để đi ra chờ tin con.

Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 9/9, tại một cây xăng gần hiện trường, thuộc xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao - nơi cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin khai báo từ thân nhân những người mất tích - rất nhiều người dân đang chờ đợi và mong có phép màu đến với người thân của mình.

Chờ đợi suốt 6 tiếng, từ 11h đến 17h, ông Hà Mạnh Trường (ngụ thị trấn Trung Sơn) thầm cầu mong phép màu sẽ đến với người em họ của mình là anh Hà Quốc Chí (sinh năm 1986) - tài xế xe ben được cho đã rơi xuống sông khi cây cầu nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông đổ sụp vào 10h sáng nay.

 Ông Trường cho biết em họ mình là một trong số tài xế đã rơi xuống sông trong vụ sập cầu. Ảnh: Ánh Hoàng.

Ông Trường cho biết em họ mình là một trong số tài xế đã rơi xuống sông trong vụ sập cầu. Ảnh: Ánh Hoàng.

"Vừa nghe tin và xem clip chiếc xe ben lao xuống sông, tôi cùng hai người anh em tức tốc chạy đến hiện trường, cố gắng gọi điện cho em nhưng cũng không được", ông Trường nói với vẻ mặt đượm buồn bởi cho rằng bây giờ hy vọng ngày càng mong manh.

Vì lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường để ngăn người dân đi vào khu vực nguy hiểm, ông Trường chỉ có thể khai báo thông tin và ngồi chờ đợi.

"Tôi chỉ mong lực lượng chức năng trục vớt được phương tiện để xem có xác của em mình còn trong đó không. Bây giờ chỉ mong được nhìn thấy em nó thôi", ông xúc động nói.

Ngóng chờ tin tức

Có mặt tại hiện trường, một cặp vợ chồng khoảng 50 tuổi (từ chối đưa danh tính) cho biết hai ông bà thông gia của họ nằm trong số những người gặp nạn sáng nay.

"Sáng nay, hai ông bà thông gia chở nhau đi khám bệnh. Tôi vừa xem được video trích xuất từ camera hành trình của một chiếc xe và nhận ra đúng bộ quần áo của họ mặc sáng nay, theo như cảnh quay được thì họ đã đi lên cầu đúng thời điểm cầu bị sập", người vợ nói.

"Chúng tôi gần như chẳng còn hy vọng, chỉ ngồi đây chờ tin tức, mong là có thể trục vớt được xác của các nạn nhân. Quá đau lòng", bà ngậm ngùi chia sẻ.

 Công tác cứu nạn sau vụ sập cầu đang được tiến hành, nhiều người dân có mặt tại hiện trường để tìm kiếm thông tin về người thân mất tích. Ảnh: Việt Linh.

Công tác cứu nạn sau vụ sập cầu đang được tiến hành, nhiều người dân có mặt tại hiện trường để tìm kiếm thông tin về người thân mất tích. Ảnh: Việt Linh.

10h30 sáng 9/9, do ảnh hưởng của mưa lũ, cầu Phong Châu vừa bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).

Cầu Phong Châu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380 m. Công trình được khánh thành vào ngày 28/7/1995. Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa. Đến tháng 9/2019, Phú Thọ ra lệnh cấm các phương tiện có trọng tải từ 18 tấn trở lên qua cầu này.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết bước đầu xác định có khoảng 10 ôtô, 2 xe máy và 13 người dân mất tích trong vụ việc.

Tính đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã cứu được 3 nạn nhân, còn 10 người vẫn mất tích. Thiệt hại vẫn đang được thống kê và chưa xác định được toàn bộ danh tính người bị rơi trong vụ sập cầu.

Lời kể của nam thanh niên sống sót trong vụ sập cầu Phong Châu Nam thanh niên kể lại đang đi xe máy thì đột nhiên cầu sập, hai anh em rơi xuống phần mô đất và may mắn được người dân kéo lên.

Ánh Hoàng - Đào Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chau-gai-ve-que-an-gio-o-lai-tranh-bao-thi-gap-nan-sap-cau-phong-chau-post1496835.html
Zalo