Châu Âu vẫn bất đồng về vấn đề Ukraine

Tròn 3 năm ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (24-2-2022 - 24-2-2025), đã có nhiều dấu hiệu tích cực về lối ra cho cuộc xung đột khi Nga và Mỹ cùng ngồi vào bàn đàm phán. Bên cạnh đó, vai trò của châu Âu với Ukraine vẫn đang là dấu hỏi.

Thiệt hại về kinh tế

Theo số liệu lạm phát được công bố ở cả Nga và Ukraine, cuộc xung đột đã gây ra thiệt hại liên tục về kinh tế cả hai nước với mức lạm phát 9,5% ở Nga và 12% ở Ukraine.

Theo Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm xuống mức -1,3% khi bắt đầu cuộc xung đột nhưng sau đó đã phục hồi và đạt mức 3,6%/năm trong hai năm qua. GDP của Ukraine giảm 36% vào mùa hè năm 2022 và phục hồi lên 5,3% vào năm 2023, 3% năm 2024. Một hội nghị ở Rome vào mùa hè năm 2024 ước tính cần ít nhất 500 tỷ USD để tái thiết Ukraine sau khi cuộc xung đột kết thúc.

 Người dân Ukaine sơ tán tránh cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: UN

Người dân Ukaine sơ tán tránh cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: UN

Ấn Độ và Trung Quốc trở thành thị trường dầu và khí đốt lớn của Nga khi Mỹ và châu Âu tẩy chay nguồn năng lượng nước này, mang lại hàng tỷ USD cho Nga. Bên cạnh đó, những diễn biến trong tuần qua cho thấy khả năng các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga được dỡ bỏ đã tăng lên. Theo ông Mark Harrison, giáo sư kinh tế danh dự tại Đại học Warwick, thêm lý do giúp Nga có khả năng phục hồi kinh tế là Mỹ và châu Âu không đưa ra tín hiệu mạnh mẽ nhất cho Tổng thống Volodymyr Zelensky về cam kết tài chính và quân sự dành cho Ukraine.

Chuẩn bị kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine

Sau 3 năm, các nước châu Âu vẫn có những tuyên bố thể hiện sự bất đồng trong vấn đề Ukraine cũng như trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Kiev.

Một số nước châu Âu như Anh, Tây Ban Nha và Hy Lạp tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với Ukraine, cho rằng châu Âu cần đẩy mạnh các biện pháp cũng như thể hiện trách nhiệm vì lợi ích an ninh chung của châu lục. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố sẽ ngăn chặn Ukraine gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), nếu bước đi này ngược với lợi ích của Budapest. Về phía Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov ngày 23-2, cho biết giai đoạn thứ hai của cuộc đàm phán Nga - Mỹ sẽ ở cấp vụ trưởng, diễn ra vào ngày 25-2 dự kiến tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, với mục tiêu khôi phục quan hệ và chuẩn bị kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực lấy lại hàng tỷ USD viện trợ đã cấp cho Ukraine thông qua một thỏa thuận giữa Washington và Kiev về tài nguyên khoáng sản. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chưa sẵn sàng ký thỏa thuận đổi khoáng sản lấy các đảm bảo an ninh, vốn được xem là một phần trong các nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Trump cho rằng chính quyền tiền nhiệm đã viện trợ quá nhiều cho Ukraine và đề nghị Kiev “trả lại” bằng thỏa thuận liên quan đến đất hiếm, dầu mỏ hoặc bất kỳ tài nguyên nào khác.

Sau 3 năm xung đột

* Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine.

* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố có ít nhất 46.000 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và hơn 390.000 binh sĩ bị thương kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột. Liên hợp quốc xác nhận có hơn 12.000 thường dân Ukraine thiệt mạng tính đến cuối năm 2024.

* Châu Âu đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng 166 tỷ USD viện trợ so với 183 tỷ USD của Mỹ. Phần lớn số tiền mà Mỹ đã phân bổ cho Ukraine vẫn ở lại Mỹ để tài trợ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng trong nước và bổ sung kho dự trữ của Mỹ.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chau-au-van-bat-dong-ve-van-de-ukraine-post783158.html
Zalo