Châu Âu ứng phó thế nào trước kế hoạch thuế quan của Mỹ?
Mặc dù Liên minh châu Âu đã và đang có nhiều động thái nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng thương mại giữa EU với Mỹ, nhưng nhìn chung những nỗ lực này sẽ không đem lại kết quả tích cực nào.
Thế giới đang rất hồi hộp chờ đợi kế hoạch thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố vào ngày mai (2/4), ngày mà ông gọi là “Ngày giải phóng”. Theo đó, Mỹ sẽ áp đặt thuế quan trả đũa đối với các quốc gia áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ với mức thuế tương đương. Theo ông Donald Trump, đây là kế hoạch “không có ngoại lệ” và sẽ áp dụng với tất cả quốc gia, kể cả đồng minh thân thiết là Liên minh châu Âu.
Tình hình hiện tại ở châu Âu đang được các chuyên gia địa bàn ví von như khoảng lặng trước cơn bão lớn. Mặc dù Liên minh châu Âu đã và đang có nhiều động thái nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng thương mại giữa EU với Mỹ, nhưng nhìn chung những nỗ lực này sẽ không đem lại kết quả tích cực nào.
Tuần trước, Ủy viên Thương mại châu Âu Maros Sefcovic đã có cuộc họp tại Washington vào thứ ba (25/3) với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett. Tuy nhiên, theo Ủy ban châu Âu, các cuộc đàm phán đã mang lại kết quả đáng thất vọng. Các Bộ trưởng kinh tế các nước thành viên Khối 27 đều có chung nhận định, phía Washington đang không có ý định hợp tác và đây là lúc cần thiết để đưa những biện pháp đáp trả mạnh mẽ.

Thế giới đang rất hồi hộp chờ đợi kế hoạch thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố vào ngày mai (2/4) - Ảnh: KT
Trong một động thái khác, vào thứ 7 tuần trước (29/3), Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã kêu gọi một cách tiếp cận hợp lý đối với cuộc chiến thuế quan giữa Bruxelles và Washington, đồng thời nhấn mạnh châu Âu cần bảo vệ sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương. Bà Meloni là lãnh đạo châu Âu duy nhất tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 1 vừa qua. Bà vẫn luôn coi Italy là một đồng minh của Mỹ. Các phát biểu có phần bảo vệ quá đà Washington đang khiến một số quốc gia châu Âu tỏ ra phẫn nộ. Trên thực tế, Rome chỉ xuất khẩu sang Washington gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của mình.
Trước những động thái không mấy thân thiện của Washington, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn đang xây dựng một gói biện pháp nhằm xoa dịu Mỹ, bao gồm việc giảm bớt một số rào cản phi hải quan. EC hy vọng việc tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và thiết bị quân sự của Mỹ sẽ làm giảm thặng dư thương mại hàng hóa của châu Âu.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, các biện pháp này sẽ không có nhiều ý nghĩa bởi phía Mỹ đang nhắm đến việc bảo trợ doanh nghiệp nội địa. Thế nên các biện pháp thuế quan sẽ được sử dụng để đem lại lợi thế tối đa cho các sản phẩm quốc nội, không loại trừ bất kỳ một quốc gia nào. Washington vẫn sẽ mạnh mẽ đánh thuế các sản phẩm nhập khẩu. Các cuộc thương thảo đàm phán sẽ đến sau, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải hứng chịu các biện pháp đáp trả. Bởi với thị trường nội địa hơn 300 triệu dân, Mỹ hoàn toàn có thể tự tin về khả năng tiêu thụ sản phẩm quốc nội. Đây sẽ là cơ hội để Washington thiết lập lại cuộc chơi và lấy đó làm ưu thế đàm phán.
Thế nên những gì còn lại cho châu Âu là rất mong manh. Với đợt áp thuế quan mới lên tới 25% cho các ô tô không sản xuất tại Mỹ, châu Âu nói chung và Đức nói riêng đang hết sức quan ngại. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), ngành công nghiệp ô tô châu Âu đã xuất khẩu gần 750.000 ô tô sang Mỹ trong năm 2024, trị giá 38,5 tỷ Euro (41,6 tỷ USD). Một số công ty như Mercedes, BMW và thậm chí cả Stellantis đã tăng sản lượng bán ra tại Mỹ trong những năm gần đây. Thị trường Mỹ đang cứu ngành công nghiệp ô tô truyền thống châu Âu trong bối cảnh các doanh nghiệp này vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của xe điện giá rẻ tại thị trường Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung.
Ngoài ra, Mỹ cũng đe dọa sẽ áp thuế 200% đối với các mặt hàng rượu vang và rượu mạnh của châu Âu. Tuyên bố mới đã khiến nhiều nước châu Âu lo ngại, trong đó nổi bật nhất là Pháp, quốc gia nổi tiếng với ngành sản xuất rượu vang. Phía châu Âu cần có phản ứng nhanh và quan trọng hơn cả, đó là đem lên bàn cân những ưu thế của mình. Việc không có đối trọng đang khiến châu Âu rơi vào thế bị động và đứng trước nguy cơ mất một thị trường quan trọng của lục địa.
Đến thời điểm hiện tại, châu Âu vẫn vấp phải sự chia rẽ trong việc thống nhất các phương án phản ứng trước các quyết định thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Trump. Trong khi các lãnh đạo EU tỏ ra thận trọng và chưa công bố bất kỳ một biện pháp nào cụ thể, để tránh căng thẳng leo thang, cũng như đợi chờ tín hiệu tích cực từ phía Mỹ, một số quốc gia châu Âu, dẫn đầu bởi Italy, vẫn cố duy trì mối quan hệ hữu hảo với Washington.
Ở chiều ngược lại, đại đa số các thành viên Khối 27, trong đó có Bỉ, yêu cầu một sự đáp trả quyết liệt, như việc sử dụng công cụ chống áp bức (AIC), một quy định nhằm giúp EU và các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình trước sự ép buộc kinh tế của các nước thứ ba. Được thông qua vào tháng 10/2023, nhưng vẫn chưa bao giờ được áp dụng, quy định này cho phép Khối 27 sử dụng như một biện pháp cuối cùng, để áp đặt các hạn chế thương mại, dưới hình thức tăng thuế hải quan, giấy phép xuất nhập khẩu, hạn chế các dịch vụ thương mại hay tiếp cận đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như mua sắm công.
Các chuyên gia kinh tế ví von văn bản này như vũ khí tối thượng, cho phép châu Âu một lần nữa trở nên ngang hàng và buộc phía Washington phải ngồi lại vào bàn đàm phán. Dù vậy, AIC vẫn được đánh giá là một biện pháp hết sức nguy hiểm, bởi một khi được áp dụng, sẽ không còn đường lui cho các đồng minh xuyên Đại Tây Dương, cho dù kết quả có là gì thì châu Âu vẫn là những người chịu thiệt đầu tiên.
Tuy nhiên, vấn đề hiện tại của EU đó là không có sự thống nhất. Phía Pháp đã nhiều lần nhắc đến những biện pháp mạnh nhưng vẫn tỏ ra hết sức thận trọng bảo vệ lợi ích của mình. Trước những đe dọa áp thuế đối với các mặt hàng rượu vang và rượu mạnh của châu Âu, Paris đang cảm thấy bị đe dọa và cố gắng hướng đến các biện pháp mềm dẻo hơn. Việc áp dụng AIC sẽ khiến Pháp mất đi một thị trường lớn, gây ra thiệt hại đến hơn 20% cho ngành xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh của mình. Đối với Đức, quốc gia đang có thặng dư thương mại với Mỹ, mọi quyết định sẽ phải đợi cho đến khi Thủ tướng tương lai, Friedrich Merz, thành lập chính phủ liên minh để biết được lập trường của họ.
Trong bối cảnh rối ren, châu Âu vẫn đang chờ đợi các động thái mới của Mỹ để có thể quyết định những biện pháp đáp trả. Hiện Ủy ban châu Âu đang lên một danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Washington có thể bị tăng thuế. Chủ tịch EC, Ursula Vonder Leyen muốn các hành động mới của châu Âu phải vững chắc và cân xứng, nhưng bà vẫn chưa công bố bất kỳ quyết định cụ thể nào về quy mô hay phạm vi áp dụng của những biện pháp này.
Theo những động thái mới nhất từ Ủy ban châu Âu, phía EU sẽ cố gắng tăng cường việc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và thiết bị quân sự của Mỹ với hy vọng sẽ làm giảm thặng dư thương mại hàng hóa của châu Âu.
EC mong muốn phía Washington sẽ chấp nhận bắt đầu các cuộc đàm phán mua sắm mới và qua đó, đình chỉ việc áp thuế quan lên các sản phẩm châu Âu. Ngay trước khi bước vào giai đoạn đàm phán khó khăn, phía EU đã tuyên bố sẵn sàng nhượng bộ. Đây sẽ là thời điểm để Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu châu Âu loại bỏ các rào cản phi thuế quan mà Khối áp đặt cho các công ty của mình như thuế VAT, tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, quy định kỹ thuật số và chỉ thị về nghĩa vụ báo cáo về môi trường và xã hội của doanh nghiệp…

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), ngành công nghiệp ô tô châu Âu đã xuất khẩu gần 750.000 ô tô sang Mỹ trong năm 2024, trị giá 38,5 tỷ Euro - Ảnh: France Info
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong tháng 4 và nhiều tháng sắp tới, thương mại Mỹ-EU sẽ tập trung chủ yếu vào chiều xuất khẩu sang châu Âu bởi các nước thành viên Khối 27, dẫn đầu bởi Pháp đang cố gắng tăng cường chi tiêu quân sự cũng như mua sắm các thiết bị từ Mỹ. Đây không phải là thời điểm hai bên nên có những gián đoạn thương mại song phương.
Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan của Mỹ còn gây ra nhiều hệ lụy căng thẳng hơn cho châu Âu. Việc Washington áp thuế nhập khẩu đối với cả Canada và Trung Quốc sẽ dẫn đến việc giảm sản lượng nhập khẩu vào Mỹ. Như vậy, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi rào cản thuế quan sẽ rơi vào tình trạng sản xuất dư thừa. Điều này sẽ khiến giá sản phẩm giảm mạnh trong thời gian ngắn.
Trong bối cảnh các thị trường châu Mỹ - Latinh, châu Á đã và đang đạt đến ngưỡng giới hạn, thị thường châu Âu sẽ là nơi các sản phẩm dư thừa nhắm đến. Một phần bởi đồng Euro là đồng tiền mạnh, cho phép việc nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó là các doanh nghiệp châu Âu hiện đang có sức cạnh tranh thấp do chi phí nhân lực và sản xuất cùng nhiều loại thuế phí cao.
Câu chuyện sẽ không còn là những sản phẩm chất lượng thấp giả rẻ, đây sẽ là những sản phẩm chất lượng với giá phải chăng. Các doanh nghiệp châu Âu sẽ phải đối mặt với một làn sóng cạnh tranh mới khắc nghiệt và mạnh mẽ hơn. Khi đó, cho dù EU có đáp trả hay không các biện pháp thuế quan của Mỹ thì Khối 27 vẫn phải gồng mình để vượt qua những cuộc khủng hoảng về hàng nội địa châu Âu đã được báo trước.