Châu Âu tiến tới 'cấm cửa' vật liệu sợi carbon

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đối mặt với một mối đe dọa từ việc Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ cấm sử dụng sợi carbon trong sản xuất xe hơi.

Khung carbon trên siêu xe Mc Laren 750S. Ảnh: Hoàng Linh

Khung carbon trên siêu xe Mc Laren 750S. Ảnh: Hoàng Linh

Theo dự thảo sửa đổi về Quy định về xe hết niên hạn sử dụng (ELV) vừa được Nghị viện châu Âu (EP) hoàn tất, vật liệu sợi carbon lần đầu tiên bị liệt kê là vật liệu có khả năng gây hại.

Từ lâu, EU đã xếp chì, thủy ngân, cadmium và crom hóa trị 6 vào danh sách chất độc hại, song vẫn cho phép ngành ô tô sử dụng một cách hạn chế thông qua các điều kiện miễn trừ đặc biệt.

Giờ đây, sợi carbon có nguy cơ trở thành vật liệu tiếp theo bị "khai tử" khỏi thị trường ô tô châu Âu. Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới, một cơ quan chính quyền liệt sợi carbon vào nhóm "vật liệu nguy hiểm".

Quy định mới - dự kiến có hiệu lực vào năm 2029 - được tuyên bố là hướng đến việc tăng cường tính bền vững trong quy trình tháo dỡ và tái chế các loại ô tô.

Lý do EU xem xét sợi carbon là vật liệu nguy hiểm nằm ở khâu xử lý sau sử dụng. Khi sợi carbon kết hợp với nhựa bị thải bỏ, các sợi nhỏ li ti có thể phát tán trong không khí, gây đoản mạch cho thiết bị điện tử và nguy hiểm hơn là gây kích ứng da, niêm mạc khi tiếp xúc. Trong khi đó, các dự án tái chế vật liệu sợi carbon - vốn siêu bền - vẫn rất tốn kém, lại khó đạt hiệu suất cao.

Tuy nhiên, vật liệu sợi carbon đang được ưa chuộng trong nhiều ngành công nghiệp với ưu điểm vượt trội về trọng lượng nhẹ và độ bền cao hơn cả thép và nhôm. Trên các dòng xe cao cấp hiện nay, trần, khung gầm, vành, chi tiết nội thất... thường xuyên được chế tạo từ sợi carbon.

Ngoài ô tô, sợi carbon còn được dùng rộng rãi trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, sản xuất tuabin gió... bất chấp chi phí sản xuất còn khá cao.

Vành bằng sợi carbon trên xe thể thao chạy điện Hyundai IONIQ 5N. Ảnh: Motor1

Vành bằng sợi carbon trên xe thể thao chạy điện Hyundai IONIQ 5N. Ảnh: Motor1

Thị trường sợi carbon toàn cầu, trị giá 5,48 tỷ USD trong năm 2024, được dự báo sẽ tăng trưởng tới 17,08 tỷ USD vào năm 2035. Ngành ô tô hiện chiếm khoảng 20% tổng nhu cầu vật liệu sợi carbon.

Con số này sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô điện (EV) ráo riết tìm giải pháp giảm trọng lượng xe để cải thiện phạm vi hoạt động và hiệu suất của xe điện. Hiện nay, BMW, Hyundai, Lucid hay Tesla đều sử dụng một lượng vật liệu sợi carbon nhất định trong xe điện đời mới.

Tình huống tương tự cũng xảy ra với phân khúc xe sang, xe thể thao, siêu xe vốn đề cao hiệu suất và trải nghiệm lái. McLaren hay Lamborghini thậm chí còn chế tạo khung gầm siêu xe hoàn toàn bằng vật liệu này.

Sau thông báo của EU, cổ phiếu của các nhà sản xuất sợi carbon của Nhật Bản giảm mạnh. Các "ông lớn" Nhật Bản như Toray Industries, Teijin và Mitsubishi Chemical, chiếm tới 54% thị phần sợi carbon toàn cầu, sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu lệnh cấm có hiệu lực. Sản xuất sợi carbon phục vụ ngành công nghiệp ô tô là mảng kinh doanh lớn thứ ba của Toray, với 50% doanh thu đến từ châu Âu.

(Theo Motor1, Car and Driver, Nikkei)

Nguyễn Thúc Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chau-au-tien-toi-cam-cua-vat-lieu-soi-carbon-699026.html
Zalo