Châu Âu tăng tốc cuộc đua AI bằng chương trình đầu tư 200 tỉ euro
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ huy động 200 tỉ euro (206,5 tỉ đô la Mỹ từ khu vực công và tư nhân để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong 5 năm tới.
Người đứng đầu EC nhấn mạnh, hiện tại Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa ai thắng trong cuộc đua dẫn đầu AI.
![Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hành động AI ở Paris, Pháp hôm 11-2. Ảnh: AP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_112_51460751/2f344f3e7870912ec861.jpg)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh hành động AI ở Paris, Pháp hôm 11-2. Ảnh: AP
Bà Ursula von der Leyen đưa ra phát biểu trên tại hội nghị thượng đỉnh hành động AI (AI Action Summit) ở Paris, Pháp hôm 11-2. Hội nghị quy tụ nhiều nguyên thủ quốc gia, CEO của các công ty công nghệ hàng đầu và nhà khoa học từ khoảng 100 quốc gia.
Theo bà, con số 200 tỉ euro đầu tư vào AI bao gồm 150 tỉ euro từ các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp AI trong khu vực. Phần 50 tỉ euro còn lại đến từ ngân sách của EU.
Khoản đầu tư này sẽ tập trung vào các ứng dụng quan trọng liên quan đến các ngành công nghiệp và doanh nghiệp cũng như “những siêu nhà máy” xử lý các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).
Vị chủ tịch EC cho biết, đây là chương trình đối tác công tư lớn nhất thế giới để phát triển AI đáng tin cậy
“Chúng tôi muốn châu Âu trở thành một trong những châu lục ứng dụng AI hàng đầu. Điều này có nghĩa là chấp nhận một lối sống mà AI hiện diện ở khắp mọi nơi. Tôi thường nghe nói châu Âu đã chậm chân trong cuộc đua AI và Trung Quốc hoặc Mỹ đã vươn lên dẫn đầu. Tôi không đồng ý, vì cuộc đua AI vẫn chưa kết thúc”, bà Von der Leyen phát biểu trước khán giả gồm những nhân vật công nghệ tiếng tăm và nhà lãnh đạo chính trị tại thủ đô nước Pháp.
Bà nhấn mạnh, việc đưa AI vào các ứng dụng cụ thể của các ngành công nghiệp và khai thác sức mạnh của AI để tăng năng suất và phục vụ con người là mục tiêu mà châu Âu nhắm tới để có thể dẫn đầu cuộc đua.
Theo người đứng đầu EC, châu Âu cần chọn cách tiếp cận độc đáo đối với quá trình phát triển AI. Cụ thể, châu Âu cần tập trung vào khoa học và công nghệ, phổ cập các ứng dụng phức tạp bằng cách sử dụng dữ liệu sản xuất công nghiệp phong phú trong khu vực cũng như tập hợp nhân tài AI từ các nước và lĩnh vực khác nhau.
Bà Von der Leyen nói thêm rằng, EU muốn đảm bảo mọi công ty sáng tạo trong khối đều có thể tiếp cận sức mạnh AI cần thiết thông qua siêu máy tính và sao chép thành công mô hình hợp tác của Tổ chức nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN), phòng thí nghiệm vật lý hạt lớn nhất thế giới có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.
Bà tin rằng, những ứng dụng tích cực của AI sẽ giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh, bảo vệ an ninh, củng cố sức khỏe cộng đồng và dân chủ hóa quyền truy cập thông tin.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành lo ngại, sự phổ biến của công nghệ AI sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng cũng như dẫn đến rủi ro phát tán thông tin sai lệch thông qua việc sử dụng deepfakes (hình ảnh, video, giọng nói giả mạo người khác do AI tạo ra).
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh AI ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chia sẻ một video trên mạng xã hội có cảnh phim về những hình ảnh giả mạo ông do AI tạo ra.
Ông cũng tiết lộ, lĩnh vực AI của Pháp sẽ nhận được 109 tỉ euro (112,6 tỉ đô la Mỹ) đầu tư tư nhân trong những năm tới. Ông nói, xét về quy mô của nền kinh tế Pháp, khoản đầu tư này không thua kém dự án đầu tư hạ tầng AI từ khu vực tư nhân trị giá 500 tỉ đô la mà Tổng thống Donald Trump công bố gần đây.
Theo tờ Le Monde, con số 109 tỉ euro nói trên bao gồm cam kết của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về việc đầu tư từ 30-50 tỉ euro để xây dựng một cụm trung tâm dữ liệu nhất châu Âu tại Pháp. Ngoài ra, tập đoàn đầu tư Brookfield của Canada cũng đã thông báo kế hoạch chi tiêu 20 tỉ euro cho hạ tầng AI ở Pháp.
Phát biểu tại hội nghị này hôm 11-2, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nhấn mạnh, Mỹ sẽ ngăn chặn các nỗ lực sử dụng AI của “các chế độ độc tài” nhằm tăng cường năng lực tình báo, giám sát quân sự, thu thập dữ liệu nước ngoài và tuyên truyền để phá hoại an ninh của các quốc gia khác.
Ông cảnh báo châu Âu không nên áp dụng các quy định quản lý AI thận trọng quá mức.
Tại hội nghị, khoảng 60 nước đã ký tuyên bố chung, trong đó nhất trí bảo đảm công nghệ AI cởi mở, an toàn, đạo đức, minh bạch, đáng tin cậy. Riêng Mỹ và Anh từ chối ký tuyên bố này.
“Mỹ muốn hợp tác với tất cả các nước nhưng để tạo ra AI đáng tin cậy, chúng ta cần các hệ thống quản lý quốc tế củng cố sự phát triển công nghệ này, thay vì bóp nghẹt”, ông JD Vance nói.
Theo một đại biểu tham dự hội nghị, Mỹ bị ngôn từ liên quan đến hợp tác đa phương làm nản lòng. Tuyên bố chung của hội nghị cũng nhấn mạnh ưu tiên tăng cường hợp tác giữa các nước để thúc đẩy phối hợp trong quản trị AI quốc tế.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với chính phủ Anh cho biết, ngôn từ của tuyên bố chung quá hạn chế sự tự do phát triển AI.
Theo CNBC, Financial Times