Châu Âu phản ứng trái chiều khi Nga ngừng cung khí đốt qua Ukraine

Sau khi Nga và Ukraine xác nhận kết thúc thỏa thuận trung chuyển khí đốt tới châu Âu, phía Ba Lan tuyên bố đây là chiến thắng mới của phương Tây. Trong khi đó, Slovakia có quan điểm trái ngược hoàn toàn.

Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga mới đây ra thông báo đã chính thức ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu qua Ukraine từ 8h (giờ địa phương) hôm 1/1, do thỏa thuận trung chuyển 5 năm giữa hai nước hết hạn. Thông báo từ Gazprom có đoạn: "Do phía Ukraine liên tục từ chối gia hạn các thỏa thuận này một cách rõ ràng, Gazprom đã bị tước mất khả năng kỹ thuật và pháp lý để cung cấp khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine kể từ ngày 1/1/2025".

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tuyên bố trên mạng xã hội X, rằng sự kiện này là một chiến thắng mới của phương Tây, tiếp nối các cột mốc lớn như tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.

Ukraine phải đối mặt với khoản lỗ 800 triệu USD/năm phí trung chuyển khí đốt từ Nga, trong khi Gazprom sẽ mất gần 5 tỉ USD tiền bán khí đốt. Ảnh: Reuters

Ukraine phải đối mặt với khoản lỗ 800 triệu USD/năm phí trung chuyển khí đốt từ Nga, trong khi Gazprom sẽ mất gần 5 tỉ USD tiền bán khí đốt. Ảnh: Reuters

Nhưng trái ngược với sự lạc quan của Ba Lan, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cảnh báo, quyết định ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ có những hệ lụy nghiêm trọng đối với Liên minh châu Âu (EU) mà lại không ảnh hưởng đáng kể tới Nga. Cụ thể, theo Thủ tướng Slovakia, động thái này có thể khiến EU phải chi trả thêm khoảng 120 tỷ euro phí năng lượng trong hai năm tới, dẫn tới giảm sức cạnh tranh kinh tế của khối.

Trước đó, ông Robert Fico nhấn mạnh, Bratislava có thể ngừng cung cấp điện dự phòng cho Ukraine như một biện pháp đối phó, trong bối cảnh hệ thống năng lượng của Kiev bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cuộc xung đột với Nga.

Ukraine phụ thuộc nhiều vào nguồn cung điện từ các quốc gia láng giềng, bao gồm Slovakia, Ba Lan và Romania. Nếu Slovakia thực hiện biện pháp đáp trả, Ukraine có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng trầm trọng, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông đang đến gần và nhu cầu sử dụng điện gia tăng.

Nga vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua Ukraine từ năm 1991. Ở thời kỳ đỉnh cao, Moscow cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho khu vực này. Nhưng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, hầu hết các tuyến khí đốt của Nga tới châu Âu hiện đã bị đóng, bao gồm Yamal-Europe qua Belarus và các đường ống Nord Stream dưới biển Baltic (bị phá hủy vào năm 2022).

Số liệu Brussels công bố gần đây cho thấy, khí đốt Nga chỉ còn chiếm khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu của khối vào năm 2023, giảm mạnh so với hơn 40% hồi 2021. Hiện chỉ có Hungary và một vài quốc gia vẫn tiếp tục nhận khí đốt Nga từ phía Nam qua đường ống TurkStream dưới đáy Biển Đen.

Theo giới chuyên gia, EU đã tìm được nguồn cung thay thế là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ, nguồn cung cấp qua đường ống từ Na Uy. Tuy nhiên, châu Âu sẽ vẫn cảm nhận được tác động khi chi phí năng lượng cao làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp so với Mỹ và Trung Quốc. Điều này góp phần thúc đẩy suy thoái kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng vọt và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Kim Ngọc

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chau-au-phan-ung-trai-chieu-khi-nga-ngung-cung-khi-dot-qua-ukraine-i755272/
Zalo