Châu Âu phản ứng thận trọng trước kế hoạch đưa quân tới Ukraine

Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh châu Âu hôm qua (17/2) nhóm họp tại Pháp để thảo luận về cách thức củng cố bất kỳ thỏa thuận nào mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đạt được với Nga và cố gắng củng cố vị thế của Ukraine.

Theo các nguồn thạo tin, các nước châu Âu đang thảo luận triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình có quy mô 25 nghìn đến 30 nghìn người đến Ukraine để thể hiện quyết tâm và đảm bảo an ninh trong khu vực sau khi Nga và Ukraine ký kết thỏa thuận hòa bình. Lực lượng này sẽ không đóng quân dọc theo đường liên lạc nhưng sẽ sẵn sàng phô trương sức mạnh nếu Nga tìm cách tấn công trở lại Ukraine. Họ có thể được hỗ trợ bởi nhiều lực lượng bên ngoài Ukraine hơn trong trường hợp cần tăng cường và di chuyển nhanh chóng.

Cuộc thảo luận có sự tham gia của ít nhất 10 quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Ba Lan, Hà Lan, Đức, các nước Bắc Âu và khu vực Baltic. Pháp và Anh, hai cường quốc hạt nhân duy nhất trong số các nước châu Âu, đã đi đầu trong các cuộc thảo luận này. Theo quan điểm của Pháp, nước này sẵn sàng điều động khoảng 10 nghìn quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine. Anh cũng đồng tình với quan điểm của Pháp song nhấn mạnh để triển khai kế hoạch, Mỹ phải là điểm tựa cho hoạt động này.

 Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh châu Âu nhóm họp tại Pháp ngày 17/2. Ảnh: INSIGHT EU MONITORING

Các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh châu Âu nhóm họp tại Pháp ngày 17/2. Ảnh: INSIGHT EU MONITORING

Phát biểu tại cuộc họp Thủ tướng Anh Keir Stamer nhấn mạnh: "Châu Âu phải đóng vai trò của mình và tôi sẵn sàng cân nhắc việc triển khai lực lượng Anh trên bộ cùng với các lực lượng khác, nếu có một thỏa thuận hòa bình lâu dài, nhưng phải có sự hỗ trợ của Mỹ, vì sự đảm bảo an ninh của Mỹ là cách duy nhất để ngăn chặn hiệu quả Nga tấn công Ukraine một lần nữa".

Trong khi đó, các đồng minh châu Âu khác tỏ ra thận trọng hơn. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết nước này sẽ cân nhắc đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình sau chiến tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các cuộc đàm phán sẽ cần phải tiến triển trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào như vậy. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares thì nói rằng còn quá sớm để bàn về vấn đề triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine.

Giữ thái độ thận trọng hơn, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, Ba Lan sẽ không gửi quân đến Ukraine, thay vào đó nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine bằng viện trợ nhân đạo và quân sự.

Viễn cảnh triển khai quân tới Ukraine đã thu hút sự chú ý của một số nhà lãnh đạo châu Âu trong những ngày gần đây khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng tiến tới mở các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga về cuộc xung đột Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ cho đến nay vẫn loại trừ khả năng đưa quân đội Mỹ đến Ukraine. Trong khi Nga cảnh báo việc các nước châu Âu đưa quân đến Ukraine có thể khiến tình hình trở nên phức tạp hơn đáng kể. Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga tức Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cảnh báo việc NATO triển khai lực lượng và vũ khí tới Ukraine sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Trong khi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tới Ukraine có thể dẫn đến leo thang không kiểm soát.

Ngoài vấn đề triển khai quân, lãnh đạo các nước châu Âu cũng khẳng định, châu Âu cần phải có tiếng nói trong các cuộc đàm phán về Ukraine và kêu gọi tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách nhất trong ngắn hạn của nước này. Dự kiến đề xuất này sẽ được đại diện các quốc gia thành viên EU thảo luận thêm tại Bỉ trong hôm nay (18/2).

Hồng Nhung/VOV1 (tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-phan-ung-than-trong-truoc-ke-hoach-dua-quan-toi-ukraine-post1155567.vov
Zalo