Châu Âu kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng dù bất đồng về đề xuất đảm bảo an ninh Ukraine
Ngày 17/2, các nhà lãnh đạo châu Âu đã họp khẩn tại Paris để thảo luận về việc tăng cường chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh vẫn còn những bất đồng về đề xuất triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine.
Cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức châu Âu cho hay, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí một lệnh ngừng bắn ở Ukraine mà không có thỏa thuận hòa bình đi kèm sẽ rất nguy hiểm đồng thời cam kết sẵn sàng cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ của Mỹ.
"Chúng tôi đồng ý với Tổng thống Mỹ Donald Trump về cách tiếp cận giành lấy hòa bình thông qua sức mạnh", vị quan chức này tuyên bố.

Binh sĩ Ukraine phóng rocket vào các vị trí của Nga ở Donetsk (Ảnh: Reuters).
Được biết, cuộc họp khẩn tại Paris được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập sau khi ông Trump dự kiến tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình song phương với Nga mà không tham vấn các đồng minh châu Âu và Ukraine.
Một quan chức Nhà Trắng thông tin, ông Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump trước khi triệu tập họp khẩn với các nhà lãnh đạo châu Âu. Hai bên đã thảo luận về cuộc họp khẩn tại Paris và các cuộc đàm phán sắp tới của Mỹ tại Saudi Arabia.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đồng thời tuyên bố ông đã tiến hành một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron về vấn đề bảo đảm an ninh cho Ukraine.
"Chúng tôi chia sẻ quan điểm những động thái bảo đảm về an ninh cho Ukraine phải vững chắc và đáng tin cậy. Bất kỳ quyết định nào như lệnh ngừng bắn mong manh sẽ chỉ là sự lừa dối khác của Nga đồng thời là sự khởi đầu cho một cuộc chiến mới chống lại Ukraine hoặc các quốc gia châu Âu khác của Nga", ông Zelensky nhấn mạnh.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả Ukraine và các đồng minh châu Âu bất ngờ khi tuyên bố ông đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về việc kết thúc chiến tranh mà không tham vấn họ.
Sự thay đổi lập trường của Mỹ đã buộc châu Âu phải đối mặt với thực tế rằng họ không thể phụ thuộc vào Washington để bảo vệ cho Ukraine nữa.
Song bất đồng về việc triển khai
Thủ tướng Anh Keir Starmer, dù trước đó tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine nhưng đã tuyên bố châu Âu cần có cam kết an ninh từ Mỹ trước khi triển khai quân đội.
Ông Starmer cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về số lượng binh sĩ Anh sẽ được triển khai tại Ukraine.

Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều bày tỏ sự ủng hộ dành cho Ukraine (Ảnh: Reuters).
Quan điểm của ông Starmer về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại dường như đã tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu, đặc biệt là giữa các nhà lãnh đạo tham gia cuộc họp tại Paris bao gồm: Thủ tướng Đức Olaf Scholz; Thủ tướng Italy Giorgia Meloni; Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk; Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, sẽ không thể đạt được thỏa thuận hòa bình mà không có sự đồng tình của Ukraine. Song, theo ông Scholz việc đề cập đến khả năng Đức triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine vào lúc này là không phù hợp.
Cả ông Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đều cho rằng, các quy tắc tài khóa nghiêm ngặt của EU nên được nới lỏng để cho phép tăng chi tiêu quốc phòng mà không vi phạm quy định về thâm hụt ngân sách.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết, bà sẵn sàng thảo luận về việc triển khai quân, đồng thời nhấn mạnh châu Âu phải vừa hỗ trợ Ukraine, vừa tăng cường chi tiêu quốc phòng trong nước. Bà Frederiksen cảnh báo Nga đang đe dọa toàn bộ châu Âu ngay lúc này.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã công khai bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine.
"Việc thảo luận về các lựa chọn khác nhau đối với vấn đề Ukraine là hữu ích, nhưng phương án triển khai binh sĩ châu Âu ở Ukraine có vẻ là phương án phức tạp nhất và kém hiệu quả nhất", bà Meloni tuyên bố.
Theo hãng tin Reuters, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine được cho là sẽ làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga và gây áp lực lên quân đội châu Âu, vốn đã suy giảm sau nhiều năm phải cung cấp vũ khí cho Ukraine và thiếu đầu tư cho quốc phòng.
Bên cạnh đó, một câu hỏi hóc búa khác cũng được đặt ra vào lúc này đó là châu Âu sẽ lấy ngân sách ở đâu để chi trả cho cam kết quân sự dành cho Ukraine ngày càng gia tăng?