Châu Âu hoảng loạn khi Mỹ định hình lại chính sách đối ngoại

Chỉ vài tuần sau khi bước vào nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã gửi một thông điệp rõ ràng đến châu Âu, và điều này không dễ chịu đối với nhiều đồng minh của Washington.

Và đến Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu một cách trực diện với các quan chức châu Âu, nhấn mạnh rằng mối đe dọa lớn nhất đối với họ không đến từ Nga, Trung Quốc hay Iran, mà từ bên trong nội bộ lục địa.

Ông mô tả một châu Âu với quyền tự do ngôn luận và nền dân chủ bị đe dọa, trong khi gần như không đề cập đến Ukraine hay chi tiêu quốc phòng, hai chủ đề chính của hội nghị. Phát biểu này gây sốc đối với nhiều người tham dự, dù một số cố gắng giảm nhẹ tác động của nó.

 Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Ảnh: X/JDVance

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance. Ảnh: X/JDVance

Chính quyền ông Trump nhanh chóng vạch ra hướng đi mới cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Như dự đoán, Nhà Trắng tỏ ra mất kiên nhẫn với sự phụ thuộc của châu Âu vào Washington trong vấn đề chi tiêu quốc phòng.

Các quan chức Mỹ yêu cầu châu Âu phải tăng mạnh ngân sách quốc phòng, vượt xa mức cam kết hiện tại của NATO là 2% GDP. Dù nhiều quan chức châu Âu thừa nhận yêu cầu này là hợp lý, việc thực thi vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Một điểm đáng lo ngại hơn là tầm nhìn của ông Trump về một lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Nhiều quan chức châu Âu tỏ ra hoang mang trước khả năng họ bị loại khỏi các cuộc đàm phán, khi đặc phái viên của ông Trump, Keith Kellogg, xác nhận rằng chỉ Washington, Kiev và Moscow sẽ tham gia đàm phán, trong khi châu Âu chỉ được "đại diện lợi ích".

Phát biểu này làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể áp đặt một thỏa thuận mà không cần sự đồng thuận của châu Âu hay Ukraine.

Các quan chức châu Âu đã lên kế hoạch họp tại Paris để thảo luận về một sáng kiến hòa bình riêng, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tìm cách lôi kéo Ả Rập Xê Út vào quá trình đàm phán. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu Ukraine có tham gia cuộc họp tại Riyadh hay không.

Ngoài vấn đề Ukraine, chính quyền ông Trump còn gây áp lực buộc châu Âu phải tăng mạnh chi tiêu quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth kêu gọi các nước NATO nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, vượt xa mức 2% hiện tại. Tổng thư ký NATO Mark Rutte không cam kết con số cụ thể nhưng thừa nhận mức chi tiêu cần tăng đáng kể.

Trong khi một số nước Baltic đã cam kết chi hơn 3% GDP cho quốc phòng, nhiều quốc gia châu Âu khác tỏ ra lưỡng lự. Việc tăng ngân sách quân sự lên 5% GDP được đánh giá là khó khả thi đối với toàn châu Âu, dù nhiều quan chức thừa nhận rằng những lỗ hổng về phòng không, tên lửa tầm xa và nhân sự là mối quan tâm cấp bách.

Những diễn biến tại Munich cho thấy một châu Âu đang đứng trước bước ngoặt khó khăn, khi Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng cứng rắn hơn, buộc các đồng minh phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn về quân sự và an ninh khu vực.

Ngọc Ánh (theo Newsweek, Guardian)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chau-au-hoang-loan-khi-my-dinh-hinh-lai-chinh-sach-doi-ngoai-post334841.html
Zalo