Châu Âu dậy sóng trước tuyên bố dùng vũ lực giành Greenland của ông Trump

Trong cuộc họp báo ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Mỹ đã nói không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Greenland và Kênh đào Panama, nói Mỹ cần những nơi này 'vì an ninh kinh tế'. Tuyên bố này đã gây ra những phản ứng khác nhau.

Ông Trump tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 7/1 không loại trừ việc sử dụng vũ lực để nắm quyền kiểm soát Greenland và kênh đào Panama. Ảnh: AFP.

Ông Trump tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 7/1 không loại trừ việc sử dụng vũ lực để nắm quyền kiểm soát Greenland và kênh đào Panama. Ảnh: AFP.

Ủy ban châu Âu hứng bão dư luận

Trang Politico EU, phiên bản châu Âu của mạng tin tức chính trị Mỹ, đưa tin, tại một cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 8/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã bị bủa vây bởi hàng loạt câu hỏi của các phóng viên.

Politico EU cho biết Ủy ban châu Âu đã cố gắng không đổ thêm dầu vào lửa và né tránh vấn đề liên quan, nói rằng "sẽ không bàn sâu vào chi tiết" trong phát biểu của ông Trump.

 Bà Anitta Hipper, Người phát ngôn về vấn đề đối ngoại của Ủy ban châu Âu. Ảnh: AFP.

Bà Anitta Hipper, Người phát ngôn về vấn đề đối ngoại của Ủy ban châu Âu. Ảnh: AFP.

"Rõ ràng là chủ quyền của các quốc gia phải được tôn trọng", bà Anitta Hipper, người phát ngôn về các vấn đề đối ngoại của Ủy ban châu Âu, cho biết. "Có nhiều mối đe dọa chưa thành hiện thực và ở giai đoạn này, chúng tôi cho rằng không cần phải thảo luận về vấn đề chưa thành hiện thực”.

Bà Hipper cũng nói thêm rằng EU trông chờ hợp tác với chính quyền Mỹ tiếp theo để đạt được "chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ hơn". Politico EU chỉ ra rằng câu trả lời của bà đã không xoa dịu được các phóng viên tại buổi họp báo.

Trước đó, Ủy ban châu Âu, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) và các nhà ngoại giao ở một số quốc gia thành viên đã công khai tuyên bố rằng cuộc xâm lược là một tình huống giả định, vì vậy không cần phải can thiệp.

Một phóng viên của Đài phát thanh Italy "Radio Radio" đặt câu hỏi: "Những gì Tổng thống Trump nói hôm qua là mối đe dọa quân sự đối với các quốc gia thành viên, và điều này là sự thật: Ông ấy là Tổng thống đắc cử của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Bà có nhận ra những rủi ro ở đây không?".

Một phóng viên của trang web tin tức Euractiv cũng hỏi: "Bà nói chủ quyền là điều quan trọng nhất, nhưng bà sẽ không bình luận về những lời đe dọa trắng trợn của Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức. Tôi thấy khó hiểu điều này. Ý tôi là, bà đang chờ đợi điều gì? Bà đang chờ các lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ Greenland hay sao?”.

 Ông Trump nhiều lần nhấn mạnh về ý định kiểm soát Greenland. Ảnh: Getty.

Ông Trump nhiều lần nhấn mạnh về ý định kiểm soát Greenland. Ảnh: Getty.

Politico EU tuyên bố rằng mặc dù Ủy ban châu Âu xác nhận rằng bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Greenland sẽ kích hoạt Điều 42 (7) "điều khoản phòng thủ chung" của Hiệp ước Liên minh châu Âu , nhưng bà Hipper từ chối trả lời liệu có tồn tại nguy cơ một cuộc xâm lược của Mỹ vào lãnh thổ tự trị của Đan Mạch hay không.

Theo “điều khoản phòng thủ chung” của Hiệp ước Liên minh Châu Âu, nếu một quốc gia thành viên trở thành nạn nhân của hành vi xâm lược vũ trang trên lãnh thổ của mình, các quốc gia thành viên khác sẽ có nghĩa vụ hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng của mình theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc.

Pháp và Đức phản ứng quyết liệt

Mặc dù Ủy ban châu Âu từ chối đưa ra lập trường cứng rắn nhưng Đức và Pháp đã đưa ra những tuyên bố rõ ràng hơn.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói trong một tuyên bố rằng "rõ ràng là các đối tác châu Âu thiếu sự hiểu biết về các tuyên bố gần đây của Mỹ" và rằng "nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới quốc gia có chủ quyền áp dụng cho tất cả các quốc gia, bất kể họ ở phía đông hay phía tây của chúng ta. Điều này không thể và không được phép thay đổi”.

Tại cuộc họp báo ngày 7/1 theo giờ địa phương, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit cũng chỉ ra rằng Hiến chương Liên hợp quốc và Hiệp ước phòng thủ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đều có nguyên tắc là "không được di chuyển biên giới bằng vũ lực".

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot cũng phản ứng mạnh mẽ khi nói rằng EU sẽ không dung thứ cho sự can thiệp quân sự của Mỹ. “Rõ ràng là EU sẽ không cho phép mọi quốc gia khác trên thế giới, bất kể họ là ai, tấn công vào biên giới có chủ quyền của mình”.

 Ngày 7/1, khi ông Trump đe dọa dùng vũ lực để kiểm soát Greenland thì con trai cả của ông, Trump Jr., đã đến thăm hòn đảo tự trị này. Ảnh: AFP.

Ngày 7/1, khi ông Trump đe dọa dùng vũ lực để kiểm soát Greenland thì con trai cả của ông, Trump Jr., đã đến thăm hòn đảo tự trị này. Ảnh: AFP.

Ý đồ của ông Trump với Greenland

Greenland là một lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Đan Mạch và là một khu vực tự trị trong Vương quốc. Hòn đảo này có diện tích 2.166.000 km2. Nó nằm ở phía đông bắc của Bắc Mỹ, giữa Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương. Phần lớn hòn đảo nằm trong vòng Bắc Cực. Khí hậu cực kỳ lạnh, nhưng nơi đây có nguồn tài nguyên đất hiếm và dầu khí đáng mơ ước.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã bày tỏ ý định mua Greenland và thậm chí còn cân nhắc việc đổi lãnh thổ hải ngoại Puerto Rico của Mỹ để lấy hòn đảo này, dẫn đến tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Đan Mạch.

Ngay trước khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, ông Trump lại nêu vấn đề cũ khi nói rằng "Mỹ tuyệt đối cần thiết sở hữu Greenland". Tại cuộc họp báo ngày 7/1/2025, ông Trump thậm chí còn từ chối loại trừ khả năng "kiểm soát Kênh đào Panama và Greenland thông qua biện pháp quân sự hoặc cưỡng ép kinh tế".

 Ông Mute Bourup Egede, Thủ tướng chính phủ tự trị Greenland. Ảnh: Mediawatch.

Ông Mute Bourup Egede, Thủ tướng chính phủ tự trị Greenland. Ảnh: Mediawatch.

Chính quyền tự trị Greenland luôn nỗ lực giành độc lập cho Greenland khỏi Đan Mạch. Để đáp lại những lời đe dọa liên tục của ông Trump về việc "mua Greenland", ông Mute Bourup Egede, Thủ tướng chính phủ tự trị Greenland, ngày 7/1 đã đăng trên Facebook: "Trong khi những người khác, bao gồm cả người Đan Mạch và người Mỹ, có quyền nêu ý kiến của họ, chúng ta không nên để sự cuồng nhiệt chi phối hay để áp lực bên ngoài làm chúng ta chệch khỏi con đường của mình. Tương lai thuộc về chúng ta, do chúng ta quyết định”.

Đan Mạch “tiến thoái lưỡng nan"

Theo NBC News, Đan Mạch đã áp dụng cách tiếp cận hai hướng đối với phát biểu của ông Trump, một mặt tái khẳng định cam kết chính trị và kinh tế của mình đối với Greenland, mặt khác cố gắng hạ thấp khả năng xảy ra rạn nứt trong mối quan hệ với chính quyền Trump sắp tới.

Theo The Guardian, Vua Frederick X của Đan Mạch gần đây đã sửa đổi quốc huy của Đan Mạch, loại bỏ ba vương miện tượng trưng cho lịch sử Liên minh Kalmar và phóng to chú gấu Bắc Cực tượng trưng cho Greenland và con cừu đực biểu tượng của quần đảo Faroe.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen vào tối ngày 7/1 trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Đan Mạch TV2 rằng: "Là một đồng minh rất thân cận của Mỹ, tôi nghĩ rằng sự quan tâm ngày càng tăng của Mỹ là hợp lý, nhưng phải thực hiện theo cách tôn trọng người dân Greenland”.

 Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ảnh: Getty.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. Ảnh: Getty.

Bà Frederiksen cũng bày tỏ thái độ tương tự trong một cuộc phỏng vấn khác liên quan đến "chuyến thăm riêng tư" tới Greenland của ông Donald Trump Jr., con trai ông Trump, vào ngày 7/1. Nhưng bà cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác khu vực, Mỹ vẫn là đồng minh có giá trị và quan trọng đối với Đan Mạch.

Jon Rahbek-Clemmensen, một học giả tại “Institute for Strategy and War Studies” (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chiến tranh Đan Mạch), nói với NBC News rằng những phát biểu của ông Trump sẽ "làm tăng sự ngờ vực của châu Âu đối với Mỹ" và dẫn đến "các nhà lãnh đạo châu Âu thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược lớn hơn".

Tuy nhiên, vị chuyên gia nói thêm: "Sự thật đơn giản là châu Âu sẽ cần phải dựa vào Hoa Kỳ trong tương lai gần và bất kể như thế nào họ đều phải chung sống với ông Trump".

Theo Guancha, Sohu

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chau-au-day-song-truoc-tuyen-bo-dung-vu-luc-gianh-greenland-cua-ong-trump-post181778.html
Zalo