Châu Âu chuẩn bị gì khi Nga chấm dứt giao khí đốt qua Ukraine?

Với hơn 22.000 km đường ống dẫn khí đốt, Ukraine đã là một nhân tố chủ chốt trên thị trường năng lượng của châu Âu trong nhiều thập kỷ. Nhưng đến cuối năm nay, những tài sản chiến lược này có thể sẽ bị mắc kẹt.

Hệ thống đường ống trung chuyển khí đốt ở Ukraine. Ảnh AFP

Hệ thống đường ống trung chuyển khí đốt ở Ukraine. Ảnh AFP

Trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra sôi nổi trước mùa sưởi ấm, thỏa thuận giữa Moscow và Kiev về việc trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu có khả năng sẽ không được gia hạn trước khi hết hạn vào tháng 12. Điều đó sẽ làm ngưng các dòng chảy, vốn vẫn tiếp tục trong hơn hai năm của xung đột Nga - Ukraine, và ảnh hưởng tới thị trường vào thời điểm quan trọng.

Margarita Balmaceda, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Seton Hall, chuyên gia về chính sách năng lượng của các quốc gia hậu Xô Viết, cho biết: “Việc chấm dứt quá cảnh qua Ukraine thực sự đại diện cho sự kết thúc của một kỷ nguyên đã âm ỉ từ lâu”.

Đối với thị trường năng lượng căng thẳng của châu Âu, điều đó có nghĩa là thêm nhiều bất ổn hơn, trong khi Nga sẽ mất một trong hai tuyến đường ống còn lại để vận chuyển khí đốt vào châu Âu. Nhưng Ukraine có thể là bên chịu thiệt hại nhiều nhất, khi mất đi nguồn thu để duy trì cơ sở hạ tầng năng lượng và vị thế chiến lược lâu đời của họ như một cửa ngõ cung cấp năng lượng giá rẻ cho các đồng minh phương Tây.

Trong hơn năm thập kỷ qua, dòng chảy khí đốt là một đặc điểm quan trọng liên kết Nga, Ukraine và Châu Âu. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, căng thẳng về quá cảnh khí đốt đã trở thành một phần trong quan hệ giữa Nga và Ukraine. Các tranh chấp đã dẫn đến việc nguồn cung bị cắt đứt vào năm 2006 và 2009, khiến một số khách hàng châu Âu bị cắt điện trong nhiều ngày vào thời điểm lạnh giá.

Thỏa thuận quá cảnh hiện tại giữa Công ty Năng lượng Nhà nước Naftogaz của Ukraine và Gazprom của Nga đã được ký kết vào cuối năm 2019, khi bản đồ năng lượng của Châu Âu còn rất khác biệt. Dòng chảy khí đốt qua tuyến đường này hiện chiếm chưa đến 5% nguồn cung của EU, nhưng vẫn đủ để tác động đến an ninh năng lượng.

Thực tế cay đắng đối với Ukraine hiện nay là không ai cần gia hạn hiệp ước quá cảnh khí đốt nhiều như chính họ. Về mặt tài chính, theo ước tính của Mykhailo Svyshcho, một nhà phân tích của ExPro Consulting có trụ sở tại Kiev, Ukraine có nguy cơ mất tới 800 triệu USD mỗi năm từ phí vận chuyển. Con số này bằng khoảng một phần ba so với trước đây.

Mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ so với hàng tỷ đô la mà Nga đã mất từ khách hàng châu Âu kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, nhưng có thể cần nhiều hơn là việc khôi phục thỏa thuận để đưa dòng chảy trở lại sau khi Điện Kremlin tìm cách biến mối quan hệ năng lượng thành vũ khí.

Hầu hết các khách hàng đã tìm được giải pháp thay thế. Trước khi cuộc chiến ở Ukraine diễn ra, Đức phụ thuộc vào khí đốt Nga cho hơn một nửa nhu cầu của họ, nhưng giờ đây nước này đã tăng cường nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Na Uy và đầu tư vào các cơ sở để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, Đức không còn phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu qua đường ống của Ukraine.

Tuy nhiên, cánh cửa vẫn chưa hoàn toàn đóng lại. Với ngành công nghiệp khai thác của Đức đang chịu áp lực, một số Đảng đối lập và các lãnh đạo doanh nghiệp kêu gọi quay trở lại với nguồn cung khí đốt giá rẻ hơn từ Nga. Tuyến đường qua Ukraine sẽ là lựa chọn khả thi nhất sau khi đường ống Nord Stream đến Đức bị phá vỡ vào tháng 9/2022.

Áo và Slovakia, hai nước chủ yếu nhận khí đốt qua Ukraine, cho biết họ đã sẵn sàng từ bỏ các tuyến đường ống liên kết với Nga. Nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Slovakia là SPP cho biết, họ đang ở trong tình huống thoải mái trước mùa đông. Áo giả định rằng dòng chảy khí đốt qua Ukraine sẽ dừng lại vào tháng 1 và Chính phủ ở Vienna hy vọng điều đó sẽ cho phép họ chấm dứt các hợp đồng với Gazprom.

Tuy nhiên, Moscow vẫn có các tuyến đường khác để bán khí đốt, bao gồm các đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ, mở rộng liên kết với Trung Quốc và vận chuyển hàng hóa LNG. Nhưng các tuyến đường ống đến châu Âu bị hạn chế — do các mạng lưới đóng cửa sau cuộc tấn công vì thiệt hại hoặc lệnh trừng phạt — và việc mất khối lượng khí đốt qua Ukraine tương đương với khoảng 6,5 tỷ USD hàng năm theo giá hiện tại, theo tính toán của Bloomberg.

Đó là động lực mạnh mẽ để Điện Kremlin gia hạn thỏa thuận. Tổng thống Vladimir Putin đã để ngỏ khả năng tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine sau năm 2024.

Mặc dù rất muốn duy trì mạng lưới này, Ukraine đang cố gắng giữ vững những “lằn ranh đỏ”. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tuyên bố sẽ loại trừ Nga khỏi mạng lưới vận chuyển của đất nước để cắt đứt dòng tiền chảy vào Điện Kremlin. Thay vào đó, Kiev đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác để giúp họ tận dụng các tài sản, nhưng việc thiếu khí đốt của Nga trong hệ thống có thể khiến mạng lưới này trở thành mục tiêu quân sự nhiều hơn nữa so với trước đây.

Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán vận chuyển với Azerbaijan, quốc gia hiện đang cung cấp khí đốt cho 8 nước ở châu Âu. Ilham Aliyev, Tổng thống của quốc gia Biển Caspi, cho biết tuần trước rằng các cuộc thảo luận đang được tiến hành xoay quanh việc cung cấp khí đốt cho ít nhất ba thị trường nữa ở châu Âu.

“Hiện tại chưa có đề xuất cụ thể nào từ các nhà giao dịch để thảo luận”, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, German Galushchenko, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Vienna vào thứ Ba. Ông nói thêm rằng Ukraine không đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào để kéo dài việc vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ của mình.

Thực tế là sản lượng khí đốt của Azerbaijan không đủ để thay thế hoàn toàn trong ngắn hạn và bất kỳ thỏa thuận thay thế nào cũng có thể bao gồm khí đốt Nga được chuyển hướng, theo Anne-Sophie Corbeau, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia.

“Các dòng chảy khí ở mức tương tự được dán nhãn Azeri sẽ là sự tẩy trắng hoàn toàn đối với khí đốt của Nga”, bà nói.

Các thỏa thuận với Kazakhstan và các nhà cung cấp Trung Á khác cũng có thể là một lựa chọn, nhưng không còn nhiều thời gian để lập ra một kế hoạch trước khi thỏa thuận hết hạn.

Với nguồn cung và cầu năng lượng vẫn cân bằng chặt chẽ, việc mất tuyến đường qua Ukraine gần như chắc chắn có nguy cơ gây ra sự biến động trên thị trường châu Âu. Sự gián đoạn ở Na Uy hoặc các vấn đề vận chuyển LNG có thể kết hợp với một đợt lạnh giá khiến giá tăng vọt.

Frank van Doorn, Giám đốc bộ phận giao dịch tại Vattenfall Energy Trading GmbH, cho biết: “Vẫn có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt trong mùa sưởi ấm này. Thực tế là chúng tôi vẫn chưa thực sự gặp khó khăn vì hai mùa đông gần đây thời tiết đều ôn hòa”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chau-au-chuan-bi-gi-khi-nga-cham-dut-giao-khi-dot-qua-ukraine-717353.html
Zalo