Châu Âu 'cạnh tranh tầm ảnh hưởng' với Mỹ trong tiến trình đàm phán hòa bình Nga - Ukraine
Châu Âu cần một đặc phái viên về Ukraine để đảm bảo có được vai trò đáng kể trong bất kỳ tiến trình hòa bình nào, hai lãnh đạo châu Âu cho biết, sau khi châu lục này bị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump loại khỏi tư cách đối tác trong các cuộc đàm phán tương lai.

Phái đoàn Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich. (Ảnh: Reuters)
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine - Keith Kellogg - hôm 15/2 tuyên bố châu Âu sẽ không tham gia quá trình đàm phán hòa bình về Ukraine. Phát ngôn này được đưa ra sau khi Washington gửi yêu cầu tới các nước châu Âu, đặt ra câu hỏi liệu họ có thể đóng góp gì vào việc đảm bảo an ninh cho Kiev.
Đáp lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris có thể sẽ đăng cai một cuộc họp khẩn cấp của các lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả Anh, vào đầu tuần tới. Cuộc họp nhằm mục đích xem xét châu Âu có thể giúp gì ngay lập tức cho Ukraine, cũng như cách tăng cường an ninh tập thể của châu Âu.
Nhưng hàng chục hội nghị thượng đỉnh tương tự đã cho thấy châu Âu đang do dự, đôi khi mất đoàn kết và yếu đuối về mặt chính trị. Châu lục này đang cố gắng đưa ra một kế hoạch thống nhất để chấm dứt xung đột Ukraine và giải quyết vấn đề với Nga.
"Nếu tôi được phép thẳng thắn nêu ra một ý tưởng, nếu có một bàn đàm phán, tôi nghĩ chúng ta cần phải làm điều gì đó tương tự như đã làm ở Kosovo", Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ám chỉ hoạt động ngoại giao đã giúp chấm dứt xung đột năm 1998-1999 giữa Serbia và Kosovo.
"Châu Âu cần có một đặc phái viên như Martti Ahtisaari - cựu Tổng thống Phần Lan, đặc phái viên về Kosovo - và sau đó là một phó đặc phái viên tương đương với Kellogg. Phải như vậy, chúng ta mới có được một số vai trò trong cuộc chơi".
Ông Trump đã gây sốc cho các đồng minh châu Âu trong tuần này khi điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không tham khảo ý kiến của họ hoặc Kiev, và tuyên bố sẽ bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán hòa bình.
Chính quyền Mỹ cũng khiến đồng minh châu Âu thất vọng sau những bình luận thẳng thắn về cách tiếp cận của Washington đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài gần ba năm. Tại Munich, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng đã đưa ra những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào các nền dân chủ và giá trị của châu Âu.
"Những gì chúng ta thiếu ở Ukraine trong những năm gần đây là một nhân vật được mọi người kính trọng; được Mátxcơva và Kiev coi trọng; được Washington, các thủ đô châu Âu và các nhà lãnh đạo khác - bao gồm cả Nam Bán cầu - ủng hộ; một người có thể có thẩm quyền dàn xếp các cuộc đàm phán hòa bình", Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic cho biết.
"Chúng ta cần sự hiện diện của một người mạnh mẽ, người có thể xử lý quá trình này".