Châu Âu bước vào kỷ nguyên không còn khí đốt của Nga
Ngày 1/1/2025, nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga tới châu Âu qua đường ống quá cảnh ở Ukraine chính thức kết thúc. Châu Âu bước vào kỷ nguyên mới không còn khí đốt của Nga. Mặc dù đã có những nguồn cung khác thay thế nhưng 'lục địa già' vẫn cảm nhận rõ tác động khi chi phí năng lượng tăng cao.
Lời đoạn tuyệt được biết trước
Theo số liệu từ công ty vận hành hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine, tính đến 15h GMT ngày 31/12/2024, Nga không đăng ký bất kỳ lượng khí đốt nào cho ngày 1/1 qua đường ống dẫn khí trên lãnh thổ Ukraine. Đường ống này vận chuyển khí đốt từ Siberia tới thị trấn Sudzha của Nga, sau đó khí đốt chảy qua Ukraine tới Slovakia, nơi đường ống thời Liên Xô tách ra thành các nhánh dẫn tới Cộng hòa Czech và Áo.
Gần 1/3 lượng khí đốt của Nga bán cho châu Âu được vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine, phần còn lại được vận chuyển qua đường ống dưới Biển Đen đến Bulgaria, Serbia và Hungary hoặc bằng các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhưng Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ không ký một thỏa thuận mới để thay thế thỏa thuận sắp hết hạn do chiến tranh.
Trên thực tế, Nga từng cung cấp gần một nửa lượng khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU), nhưng EU đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn cung này sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Hôm 31/12, tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ bơm lượng khí đốt tới châu Âu trung chuyển qua Ukraine vào ngày cuối cùng trước khi thỏa thuận cung cấp khí đốt hết hạn. Tuy nhiên, số lượng khí đốt sẽ giảm bớt.
Theo đó, Gazprom chỉ chuyển 37,2 triệu mét khối khí đốt, lưu lượng sau đó giảm xuống 0 kể từ sáng sớm 1/1 sau khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu kéo dài 5 năm hết hạn. Việc đóng cửa tuyến đường khí đốt lâu đời nhất này đánh dấu sự kết thúc thời kỳ thống trị thị trường khí đốt châu Âu của Moscow.
EU miệt mài tìm giải pháp
Theo Reuters, hiện tại, không có giải pháp nào để thay thế cho thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine, bất chấp những tranh cãi chính trị kéo dài nhiều tháng. Song trong một báo cáo công bố vào giữa tháng 12/2024, EU cho biết: "Ủy ban châu Âu đã làm việc trong một năm qua để chuẩn bị đối phó với kịch bản không tiếp nhận khí đốt của Nga được trung chuyển qua Ukraine".
Trên thực tế, sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022, giá khí đốt tăng mạnh, đôi khi gấp 20 lần, buộc một số nhà máy ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng và nhiều doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động. Giá khí đốt đã giảm kể từ đó nhưng vẫn cao hơn mức trước khủng hoảng, khiến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng giảm khả năng cạnh tranh. Người tiêu dùng châu Âu chịu "bão giá năng lượng" và khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng, đã quyết định cắt giảm mức tiêu thụ. Theo Ủy ban châu Âu (EC), gần 11% công dân EU phải vật lộn để sưởi ấm nhà cửa đầy đủ vào năm 2023.
Theo người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Anna-Kaisa Itkonen, EU đã chuẩn bị nhiều biện pháp, trong đó có việc sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng hệ thống khí đốt linh hoạt. "Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không có nguồn gốc từ Nga cho Trung và Đông Âu thông qua các tuyến đường thay thế. Cơ sở này đã được tăng cường với công suất nhập khẩu đáng kể lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mới kể từ năm 2022", bà Itkonen cho biết.
Những thách thức không nhỏ
Mặc dù EU tuyên bố đã đạt được tiến triển trong việc thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine, nhưng châu Âu vẫn hứng chịu tác động của việc chấm dứt thỏa thuận, đặc biệt là chi phí năng lượng cao hơn đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trong nhiều ngành công nghiệp. Điều này cũng góp phần dẫn tới suy thoái kinh tế, khiến lạm phát gia tăng và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại "lục địa già".
Bất chấp lời đảm bảo từ EU, Hungary và Slovakia vẫn lo lắng về nguồn cung khí đốt, bởi một số quốc gia Đông Âu vẫn trông cậy vào Moscow để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của họ. Austria và Slovakia vẫn chi tổng cộng khoảng 5 tỷ euro để mua. Một số quốc gia châu Âu khác ngoài EU như Moldova thậm chí đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn khi đường ống qua Ukraine dừng hoạt động. Tuần qua, Moldova ngay lập tức tuyên bố tình trạng khẩn cấp còn Slovakia đe dọa sẽ có biện pháp đáp trả Kiev, trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang tìm cách duy trì cung cấp khí đốt qua Ukraine.
Có thể thấy, việc kết thúc thỏa thuận trung chuyển đã làm nổi bật sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga thông qua đường ống và các chuyến hàng nhiên liệu tự nhiên hóa lỏng, cũng như những mâu thuẫn trong cách tiếp cận của các thành viên trong khối này. Dù đã chuẩn bị và nỗ lực thay thế khí đốt Nga, châu Âu vẫn đang cảm nhận rõ rệt tác động. Giá năng lượng tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh công nghiệp của lục địa này so với Mỹ và Trung Quốc.