Châu Á ứng phó ra sao với biến thể mới Omicron?
Thế giới hiện biết rất ít về mối nguy hiểm của biến thể mới Omicron và bày tỏ nhiều lo ngại về mức độ lây lan của nó trong kế hoạch mở cửa trở lại.
Sau hơn 10 tháng đóng cửa biên giới, nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế và bắt đầu kế hoạch chung sống với Covid-19. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể mới đã khiến kế hoạch thay đổi. Vào tháng trước, sau khi các nhà khoa học Nam Phi phát hiện biến thể mới, hàng chục quốc gia đã áp dụng lệnh cấm du lịch đối với du khách đến từ các quốc gia có biến thể mới này. Trong khi đó, các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương lại thắt chặt hơn các quy định bằng cách mở rộng các biện pháp kiểm dịch bắt buộc hoặc đóng cửa biên giới đối với hầu hết du khách nước ngoài.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết sẽ mất ít nhất 2 tuần để có thể biết về hiệu quả của vaccine với biến thể mới cũng như phương pháp điều trị. Khi các chuyên gia y tế công cộng chờ đợi dữ liệu thì các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhanh chóng đưa ra cách tiếp cận mới để không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào. Nhiều nước đã hành động và áp dụng quy định thắt chặt biên giới cho dù tỷ lệ tiêm chủng đã cao.
Các chuyên gia cho biết điều này hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, các quốc gia cần phải điều chỉnh kỳ vọng của họ với kế hoạch sống chung với Covid-19 và cải thiện công bằng vaccine khi virus này trở thành bệnh lưu hành.
"Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng phải sống trong thế giới trắng - đen, chấp nhận sống chung với Covid-19 hoặc là không có nó. Tuy nhiên, lựa chọn này có thể phải thay đổi khi biến thể mới xuất hiện", Trợ lý giáo sư Renu Singh từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết.
Một số quốc gia châu Á trì hoãn mở cửa trở lại
Nhật Bản là một trong số các quốc gia phản ứng mạnh với biến thể Omicron. Ngay khi thông báo phát hiện biến thể mới, quốc gia này đã nhanh chóng đóng cửa biên giới với hầu hết đối tượng không phải công dân Nhật Bản, bao gồm sinh viên quốc tế, doanh nhân hay người đến thăm gia đình.
Ban đầu, Nhật Bản yêu cầu tất cả các hãng hàng không tạm dừng đặt chỗ, bao gồm cả công dân Nhật Bản đang mắc kẹt ở nước ngoài. Tuy nhiên sau đó, chính phủ đã hủy bỏ yêu cầu này do có khiếu nại. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, công dân nước này và cư dân sống ở nước ngoài có giấy phép tái nhập cảnh nói chung vẫn được phép nhập cảnh vào Nhật Bản và chắc chắn phải hoàn thành thời gian cách ly bắt buộc từ các quốc gia sở tại.
Trước khi phát hiện biến thể Omicron, Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh từng bước mở cửa, giảm thời gian cách ly bắt buộc với các doanh nhân nước ngoài đã tiêm vacine từ 10 ngày xuống còn 3 ngày. Các lệnh giới nghiêm đối với quán bar và nhà hàng ở thủ đô Tokyo đã gỡ bỏ.
Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nới lỏng hạn chế. Australia cũng bắt đầu mở cửa trở lại cách đây 1 tháng sau hơn 2 năm đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, quốc gia này cũng mới thông báo trì hoãn kế hoạch cho phép người nhập cư vào nước và dừng đón sinh viên quốc tế trong 2 tuần do lo ngại biến thể mới Omicron. Australia cũng đã cấm du khách đến từ Nam Phi.
Những quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch cũng buộc phải trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại. Chẳng hạn như Philippines đã tạm thời hoãn kế hoạch cho phép du khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh để đối phó với mối nguy hiểm của biến thể Omicron.
Tiến sỹ Jason Wang tại Đại học Stanford cho rằng việc mở cửa trở lại đòi hỏi quá trình linh hoạt, có thể phải yêu cầu các quốc gia nhanh chóng điều chỉnh chính sách nếu cần thiết.
"Đại dịch đang dạy chúng ta phải cân bằng cuộc sống và kế sinh nhai. Chính phủ cần áp dụng các biện pháp hạn chế khi các ca bệnh tăng mạnh nhưng hãy nới lỏng khi tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống", ông Wang chia sẻ.
"Mục đích là có thể giảm thiểu nguy cơ truyền nhiễm trong khi vẫn cho phép người dân đi lại. Chúng ta hiện có nhiều công cụ tốt hơn để chống lại đại dịch. Lệnh cấm đi lại chỉ sử dụng tạm thời nhưng không thể lâu dài", ông nói.
Chờ đợi và theo dõi
Theo CNN, quốc gia hiện không có động thái thay đổi trước biến thể Omicron là Trung Quốc. Các chuyên gia cho biết, Bắc Kinh vốn dĩ đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại cực kỳ chặt chẽ và rất ít người nước ngoài có thể nhập cảnh vào nước này. Ông Zhang Wenhong – một chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải nhận định biến thể mới không có tác động lớn đến Trung Quốc vào thời điểm này.
Trong khi đó, Singapore, một trong số các quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương công bố kế hoạch chi tiết về việc sống chung với Covid-19 hiện vẫn đang chờ và từng bước có cách tiếp cận mới ứng phó với Omicron.
Mặc dù chính quyền cấm tất cả các du khách đến từ 7 quốc gia ở châu Phi nhưng Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho rằng Sinagpore có thể nghĩ đến phương án ứng phó biến thể Omciron linh hoạt hơn.
"Nếu Omicron có nguy cơ lây nhiễm mạnh và vaccine không thể ngăn cản biến thể này thí chúng ta phải lùi lại một chặng đường dài", ông Ong nói đồng thời khẳng định nếu Omicron lây lan mạnh nhưng triệu chứng nhẹ thì Singapore có thể vẫn tiếp tục hành trình sống chung với Covid".
Về phía Thái Lan, quốc gia này đã giảm thời gian cách ly và mở cửa biên giới đối với khách quốc tế đã tiêm vaccine đầy đủ vào nước từ 1/11. Trước biến thể Omicron, quốc gia này không trì hoãn kế hoạch mở cửa và chỉ áp dụng hạn chế với khách đến từ Nam Phi.
"Không ai mong muốn biên giới đóng cửa một lần nữa vì chúng tôi đã rất khó khăn để quyết định mở cửa trở lại", Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn nói. "Nền kinh tế của chúng tôi đã chịu khủng hoảng lớn, vì vậy không thể tiếp tục đóng cửa biên giới trừ khi xảy ra tình huống rất nguy cấp".
Chuyên gia y tế công cộng Singh thì cho rằng các quốc gia đang trong tình trạng "sương mù chiến tranh" vì chưa nắm bắt được mức độ nguy hiểm của Omicron.
"Đại dịch sẽ không thể mang đến bất kỳ sự chắc chắn nào. Tuy nhiên, việc thổi phồng biến thể quá mức sẽ khiến nền kinh tế và con người chịu nhiều rủi ro", ông Singh nói./.