Châu Á thiệt hại 2.000 tỷ USD do thời tiết khắc nghiệt trong 30 năm qua

Một nghiên cứu thường niên phân tích tác động của mưa bão, lũ lụt, nắng nóng và hạn hán cho thấy châu Á đã thiệt hại ít nhất 2.000 tỷ USD do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong ba thập kỷ qua.

Một khu vực ngập lụt ở Thái Lan. Ảnh: NLD

Một khu vực ngập lụt ở Thái Lan. Ảnh: NLD

Theo báo cáo Chỉ số Rủi ro Khí hậu (CRI) mới được công bố, Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực về thiệt hại kinh tế và con người. Từ năm 1993 đến nay, nước này đã chi hơn 1.300 tỷ USD để ứng phó với tác hại của khí hậu và ghi nhận 42.000 ca tử vong vì các thảm họa trên.

Tiếp đó là Myanmar, quốc gia đã tổn thất 20,6 tỷ USD và phải gánh chịu số ca tử vong “cao bất thường” đến hơn 140.000 người, chủ yếu do bão Nargis năm 2008.

CRI cũng cho biết Ấn Độ và Philippines là hai quốc gia dễ xảy ra mưa bão, lũ lụt, và phải đối mặt với một số tác động nghiêm trọng nhất từ thời tiết khắc nghiệt do các sự kiện khí hậu gây ra liên tục trong ba thập kỷ qua.

Cụ thể, hơn 400 trận lũ lụt, nắng nóng và lốc xoáy đã gây thiệt hại gần 600 tỷ USD ở Ấn Độ, cùng với 80.000 người tử vong. Trong khi đó, Philippines - được biết đến là quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu ở Đông Nam Á, đã tổn thất 70 tỷ USD, trong đó đáng kể nhất là bão Haiyan - một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận, khiến hơn 7.000 người thiệt mạng và phá hủy hơn một triệu ngôi nhà.

“Khoa học khí hậu cho thấy rõ ràng rằng biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các sự kiện cực đoan bất thường, cũng như những quốc gia bị ảnh hưởng bởi các sự kiện cực đoan tái diễn. Chúng góp phần biến các sự kiện cực đoan bất thường thành mối đe dọa liên tục, tạo ra một ‘trạng thái bình thường mới’”, nghiên cứu nêu rõ.

Tuy nhiên, ông David Eckstein, đồng tác giả của CRI, khẳng định rằng các chiến lược thích ứng với khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai có thể giúp giảm thiểu các rủi ro, điển hình như các biện pháp thích ứng do địa phương thực hiện tại Bangladesh đã giúp làm giảm hơn 100 lần tỷ lệ tử vong do bão trong 40 năm qua.

“Ví dụ về Bangladesh cho thấy vai trò quan trọng của các biện pháp thích ứng và tác động to lớn mà chúng có thể tạo ra để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính từ cộng đồng quốc tế, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nỗ lực từ chính các quốc gia này, nhằm xác định các cộng đồng dễ bị tổn thương và xây dựng các chiến lược quản lý rủi ro phù hợp”, ông Eckstein cho biết.

Và không chỉ riêng các nước nghèo, các quốc gia giàu có cũng không thoát khỏi cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Nhiều quốc gia có thu nhập cao đã trở thành một phần trong danh sách các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thời tiết khắc nghiệt.

“Về nguyên tắc, tất cả các quốc gia đều có thể bị ảnh hưởng bởi các thảm họa khí hậu, bất kể giàu hay nghèo. Minh chứng về các sự kiện bất thường, chưa từng có cho thấy nhiều quốc gia vẫn chưa chuẩn bị tốt cho các sự kiện này, dẫn đến những tác động nghiêm trọng hơn”, ông Eckstein nêu rõ.

TỐ QUYÊN(Lược dịch từ CDP)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/chau-a-thiet-hai-2000-ty-usd-do-thoi-tiet-khac-nghiet-trong-30-nam-qua-150885.html
Zalo