Châu Á - Thái Bình Dương: Thu hút đầu tư kỷ lục, định hình lại bối cảnh cơ sở hạ tầng số toàn cầu

Theo Tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank, châu Á - Thái Bình Dương đang thu hút các khoản đầu tư xuyên biên giới cao kỷ lục và định hình lại bối cảnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu; trong đó, tiểu bang Johor (Malaysia) và Singapore đang dẫn đầu sự bùng nổ về trung tâm dữ liệu khu vực.

Các siêu máy tính được đặt trong một trung tâm dữ liệu. Ảnh minh họa: Getty Images

Các siêu máy tính được đặt trong một trung tâm dữ liệu. Ảnh minh họa: Getty Images

Khu vực này đã thu hút 15,5 tỷ USD đầu tư vào trung tâm dữ liệu xuyên biên giới trong năm 2024, nhiều hơn so với bất kỳ khu vực nào khác trên toàn cầu, tập đoàn tư vấn bất động sản độc lập hàng đầu thế giới cho hay.

Trong cùng kỳ, thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ, khi khối lượng giao dịch tăng vọt 118% lên 31,8 tỷ USD, được thúc đẩy bởi hoạt động mua tài sản đơn lẻ, mua lại danh mục đầu tư, và các cơ hội tái phát triển...

Trong 2 năm tới, năng lực trung tâm dữ liệu toàn cầu được dự báo sẽ tăng 46% và tăng 177% vào năm 2030, bổ sung thêm hơn 20.000 MW trong thời gian tới. Ông Stephen Beard, Giám đốc Trung tâm dữ liệu toàn cầu tại Knight Frank cho biết, các nhà khai thác và nhà đầu tư đang tích cực nhắm mục tiêu vào các thị trường có nguồn điện khả dụng, kết nối mạnh mẽ và hỗ trợ về quy định pháp lý.

Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng thêm 4.174 MW công suất vào năm 2027 thông qua 59 tỷ USD trong các khoản đầu tư theo kế hoạch, với những thị trường chính bao gồm Tokyo và Mumbai, và các trung tâm mới nổi như Bangkok, Melbourne và Johor.

Theo ông Fred Fitzalan Howard, Giám đốc phụ trách các trung tâm dữ liệu của Knight Frank tại châu Á - Thái Bình Dương, thị trường trung tâm dữ liệu của khu vực này đang sẵn sàng cho sự tăng trưởng đáng kể, được thúc đẩy bởi sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư.

Trong 3 năm tới, thị trường trung tâm dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 8 GW công suất mới, với 25% được phân bổ cho khối lượng công việc liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Fred Fitzalan Howard nói thêm: “Tính bền vững cũng là ưu tiên ngày càng được quan tâm, với sự chú ý ngày càng lớn vào năng lượng tái tạo và thiết kế hiệu quả”. Tại Singapore, chính phủ đã giới thiệu Lộ trình Trung tâm dữ liệu xanh, với các mục tiêu tái sử dụng năng lượng và hệ thống làm mát tiên tiến.

Với vị trí gần Singapore, cùng chi phí vận hành thấp hơn, và các chính sách ưu đãi có lợi cho doanh nghiệp, tiểu bang Johor của Malaysia cũng đang thu hút các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô đến các địa điểm phát triển.

Knight Frank dự kiến Johor sẽ bổ sung thêm 335 MW công suất vào năm 2027, củng cố vị thế là một trung tâm khu vực đang phát triển. “Johor đã trở thành trung tâm chính cho sự mở rộng của các công ty siêu quy mô ở Đông Nam Á, được thúc đẩy bởi lợi thế về chi phí, khả năng mở rộng và tốc độ triển khai chưa từng có”, Knight Frank nói thêm.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/chau-a-thai-binh-duong-thu-hut-dau-tu-ky-luc-dinh-hinh-lai-boi-canh-co-so-ha-tang-so-toan-cau-152460.html
Zalo