Châu Á 'nín thở' trước nguy cơ thuế quan từ Mỹ
Giữa lúc nguy cơ về các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang hiện hữu, nhiều nước châu Á có thặng dư thương mại lớn với Washington đang nỗ lực tìm giải pháp có lợi cho các bên để tránh những thiệt hại kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/2 cho biết ông sẽ công bố các biện pháp thuế quan trả đũa đối với các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với nước này, có hiệu lực sớm nhất vào ngày 11/2. Theo đó, mức thuế mới sẽ tương đương mức thuế mà các quốc gia đó đang áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Dù ông Trump không nêu đích danh những nước nào sẽ bị ảnh hưởng, một nhóm chuyên gia tại ngân hàng Barclays nhận định rất có thể thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ tăng đối với hầu hết các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trừ Singapore và Hong Kong (Trung Quốc), những nơi Washington có thặng dư thương mại.
Dựa trên ước tính của Cục Thống kê dân số Mỹ, hầu hết các nền kinh tế ở châu Á đều có thặng dư thương mại đáng kể đối với nước này. Trung Quốc đại lục dẫn đầu với mức thặng dư 295,4 tỷ USD, tiếp theo là Việt Nam (123,5 tỷ USD), Đài Loan (Trung Quốc) (74 tỷ USD), Nhật Bản (68,5 tỷ USD) và Hàn Quốc (66 tỷ USD).
![Các dãy container hàng hóa tại cảng Bukit Merah, Singapore. Ảnh: Chuttersnap/Unsplash](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51453165/5d3acf54f91a1044490b.jpg)
Các dãy container hàng hóa tại cảng Bukit Merah, Singapore. Ảnh: Chuttersnap/Unsplash
"Việc những nền kinh tế này không bị áp thuế trong thời điểm hiện tại không có nghĩa là họ có thể thở phào nhẹ nhõm", Stefan Angrick, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, chia sẻ với kênh CNBC. Ông nhấn mạnh: "tâm trạng của Washington có thể thay đổi và thuế quan vẫn có thể được áp đặt sau này".
Việt Nam bị đẩy vào “thế khó”?
Cũng theo ông Angrick, Việt Nam bị xem là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trước các hạn chế mới, do thặng dư thương mại với Mỹ đang ở mức lớn. Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã đạt mức tăng kỷ lục (gần 18%) vào năm ngoái.
Dữ liệu của WTO còn cho thấy, mức thuế trung bình của Việt Nam đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia được ưu đãi nhất vẫn được duy trì ở mức 9,4%. Trong đó, các loại đồ uống và thuốc lá nhập khẩu vào nước này phải chịu mức thuế lên tới 45,5%, trong khi các danh mục khác như đường và các sản phẩm từ đường, hoa quả và rau củ, quần áo và thiết bị giao thông phải chịu mức thuế từ 14% đến 34%.
Tổng thống Trump dù chưa đưa ra đánh giá công khai nào đối với Việt Nam kể từ khi đắc cử nhiệm kỳ mới cho đến nay, song Michael Wan - nhà phân tích tiền tệ cấp cao tại Ngân hàng MUFG, cảnh báo Mỹ có thể tăng gấp đôi thuế đối với Việt Nam lên 8% nếu thực thi "đối xử thuế đối ứng toàn bộ,". Dù vậy, ông dự đoán Washington sẽ có lập trường ít cực đoan hơn đối với Hà Nội, với "một số mức thuế cụ thể cho từng ngành" là khả năng có thể xảy ra hơn.
Trong những tháng gần đây, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung với Mỹ về vấn đề thương mại. Vào tháng 11/2024, Việt Nam cam kết sẽ mua thêm máy bay, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và các sản phẩm khác từ Mỹ.
Ấn Độ cũng “vào tầm ngắm”?
Ấn Độ cũng đang trong tình thế dễ bị tổn thương, vì mức thuế mà nước này áp đặt lên hàng nhập khẩu từ Mỹ cao hơn đáng kể so với thuế của Mỹ đối với hàng hóa từ Ấn Độ. Theo ước tính từ Cục Thống kê dân số Mỹ, Thặng dư thương mại của Ấn Độ với Mỹ - đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này, đã đạt 45,7 tỷ USD vào năm ngoái. Đáng chú ý, hàng nông sản Mỹ nhập khẩu vào Ấn Độ phải chịu mức thuế lên tới 39%.
Tổng thống Donald Trump từng có mối quan hệ nồng ấm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, thái độ hiện tại của ông Trump đã thay đổi, khi ông từng gọi Ấn Độ là "kẻ lạm dụng lớn" các mức thuế quan trong chiến dịch tranh cử của mình.
Nhà phân tích Michael Wan nhận định, thuế quan của Mỹ đối với Ấn Độ có thể tăng từ mức 3% hiện tại lên trên 15%, Tuy nhiên, hai bên vẫn có thể đạt được giải pháp quan hệ thương mại song phương công bằng, với việc New Delhi đã có nhiều động thái giảm thuế với một số mặt hàng từ Mỹ như xe máy, hàng điện tử, khoáng sản quan trọng và pin lithium ion.
Thủ tướng Modi được cho là đã sẵn sàng thảo luận về việc cắt giảm thêm thuế quan trên hơn một chục lĩnh vực và mua thêm thiết bị năng lượng và quốc phòng từ Mỹ trong cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump cuối tuần này.
Nhật Bản vẫn được “biệt đãi”?
Nhật Bản, theo các nhà phân tích, có vẻ là quốc gia được ưu ái nhất nhờ duy trì mức thuế thấp (3,7%) cũng những hứa hẹn về việc đầu tư mạnh vào thị trường Mỹ. Trong hội nghị thượng đỉnh tuần trước với Tổng thống Trump, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhấn mạnh cam kết mở rộng khoản tiền đầu tư vào Mỹ từ 783,3 tỷ USD lên 1 nghìn tỷ USD trong năm nay.
Hai nhà lãnh đạo cũng đạt được thỏa thuận về việc đầu tư công ty Nippon Steel sẽ "đầu tư mạnh mẽ" vào công ty U.S. Steel để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn tại Mỹ. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đồng ý nhập khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn từ Mỹ và bày tỏ sự quan tâm đến dự án vận chuyển LNG qua đường ống từ bang Alaska.
“Dù Nhật Bản có thể không tránh khỏi mọi tác động từ các chính sách thuế quan tương lai của Mỹ, Tokyo vẫn có thể tránh bị đối xử đặc biệt giống các quốc gia như Canada, Mexico và Trung Quốc", James Brady - Phó chủ tịch Công ty tư vấn và PR Teneo, cho biết. "Thậm chí, Nhật Bản có thể hy vọng vào việc được ưu ái hơn về mặt thương mại so với các nền kinh tế lớn khác, vì nước này dường như vẫn duy trì trạng thái là một trong những quốc gia được ông Trump ưa thích nhất".
Trung Quốc có đang “dè chừng”?
Khác với nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp thuế quan trả đũa có phần khiêm tốn hơn, khi chỉ áp thuế 15% đối với than đá, khí tự nhiên hóa lỏng, cùng mức thuế 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp, ô tô và xe tải nhập khẩu từ Mỹ.
Tổng cộng, các mức thuế này ước tính chỉ bao gồm 13,9 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Mỹ. Tommy Xie, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vĩ mô khu vực châu Á tại Ngân hàng OCBC, đánh giá con số này thấp hơn nhiều so với mức 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ bị Trung Quốc áp thuế trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Cách tiếp cận "có chừng mực" này, theo ông Xie, cho thấy "Trung Quốc đang chọn một phản ứng đa dạng hơn", với các biện pháp ứng phó ngoài thuế như kiểm soát xuất khẩu và điều tra quy định đối với các công ty Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào biểu hiện Bắc Kinh vẫn “để ngỏ không gian” cho các cuộc đàm phán với Washington trong tương lai.