Châu Á một tuần mưa lũ

Tuần qua, nhiều quốc gia châu Á phải đương đầu với những trận mưa lớn kéo dài, cùng đó là lũ lụt, sạt lở đất khiến nhiều người thiệt mạng, mất tích.

Mưa lũ và lở đất ở bang Kerala (Ấn Độ). Ảnh: The Hindu.

Mưa lũ và lở đất ở bang Kerala (Ấn Độ). Ảnh: The Hindu.

Ngày 4/8, Reuters đưa tin, tuần qua, mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất đã khiến ít nhất 250 người tử vong ở khắp châu Á. Bão Gaemi sau khi tràn qua Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) đã gây ra những trận mưa liên miên ở huyện Tư Hưng (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) cũng như nhiều địa phương khác. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này đã phải trải qua tháng 7 nóng nhất kể từ khi có số liệu thống kê cách đây 60 năm. Ngày 2/8, nhiệt độ đo được ở thành phố Hàng Châu lên tới 43 độ C. Trong khi đó, những trận mưa như trút nước đã buộc hơn 11.000 người phải sơ tán khỏi thành phố Tư Hưng sau khi một số khu vực hứng chịu lượng mưa kỷ lục 645mm chỉ trong 24 giờ. Nhiều con đường đã bị cắt đứt tạm thời, nhiều khu dân cư bị cô lập.

Tân Hoa xã dẫn lời giới chức thành phố Tư Hưng cho biết, đã có 30 cư dân thành phố thiệt mạng, 35 người mất tích. Tính luôn những nơi khác, số nạn nhân tử vong lên đến 48 người do mưa bão. Mưa to gió lớn đánh sập lưới điện, gây mất điện 149 ngôi làng tại tỉnh Hồ Nam, 78 làng bị cắt đứt liên lạc viễn thông trong khi 1.641 ngôi nhà bị phá hoại và 1.345 đoạn đường sụp đổ.

Cơn bão nhiệt đới có tên Gaemi gây mưa lớn ở vùng đông bắc Trung Quốc, khu vực biên giới với Triều Tiên và khiến sông Áp Lục tràn bờ, khiến 4.100 ngôi nhà bị ngập.

Cùng thời gian, tại Ấn Độ, truyền thông nước này cho biết có ít nhất 11 người đã thiệt mạng và hơn 250 người mất tích sau khi mưa lớn trút xuống nhiều khu vực ở miền bắc. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết, ngày 1/8, ghi nhận lượng mưa 183mm trong 24 giờ tại điểm du lịch nổi tiếng Dharamshala ở bang Himachal Pradesh. Hơn 50 người đã mất tích sau trận mưa lớn ở thành phố Shimla, thủ phủ bang Himachal Pradesh và các khu vực xung quanh. Theo Thủ hiến bang Sukhvinder Singh Sukhu, các hoạt động cứu hộ sau mưa lớn gặp rất nhiều khó khăn.

Còn tại New Delhi, người dân bất ngờ trước trận mưa lớn vào tối cuối cùng của tháng 7, với tổng lượng mưa 147mm. Ít nhất 5 người đã tử vong; trong đó có 3 học sinh chết đuối trong một tầng hầm bị ngập nước.

Trong khi đó, nói với truyền thông địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế bang Kerala - bà Veena George cho biết, số người tử vong trong trận lở đất nghiêm trọng hôm 30/7 tại bang Kerala đã tăng lên con số 256. Bà Veena nhấn mạnh, một trong những trọng tâm chính của chính quyền bang Kerala là ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm trong khu vực. Nguyên nhân là do trời vẫn tiếp tục mưa và nhiều thi thể vẫn đang nằm dưới đống bùn đất, đổ nát của trận lở đất.

“Cho đến nay, chúng tôi đã tiến hành khám nghiệm tử thi đối với 256 thi thể, sau đó bàn giao cho chính quyền địa phương. Chúng tôi đã đến thăm các bệnh viện và trại cứu trợ. Ưu tiên của chúng tôi là cung cấp hỗ trợ tâm lý và tập trung vào việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm” - bà Veena nói và cho biết thêm, công việc tìm kiếm người mất tích cũng như cứu trợ sẽ vẫn tiếp diễn trong tuần này.

Trước đó, vào ngày 30/7, chỉ trong vòng 2 giờ, 3 trận lở đất đã xảy ra ở khu vực Meppadi thuộc huyện Wayanad của bang Kerala trong bối cảnh mưa lớn, trong lúc người dân vẫn còn đang ngủ. Hàng nghìn nhân viên quân đội cùng lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia, cơ quan quản lý thảm họa bang, cảnh sát địa phương, bác sĩ, nhóm y tế và các quan chức chính quyền địa phương đã được huy động để thực hiện công tác cứu hộ sau lở đất, đồng thời cung cấp cứu trợ và hỗ trợ cho những người sống sót.

Chưa hết, ngày 1/8, sét đánh tại bang Bihar (miền đông Ấn Độ) khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Trong số đó, 5 người tử vong tại thành phố Gaya, 3 người tại thành phố Jehanabad và 2 người tại huyện Rohtas. Đa số nạn nhân bị sét đánh khi đang làm đồng hoặc trú ẩn dưới tán cây khi trời mưa.

Pakistan, nước láng giềng với Ấn Độ, cũng có 30 người chết do mưa lớn. Thành phố lớn thứ hai của nước này là Lahore chứng kiến lượng mưa cao nhất trong 40 năm.

Cũng tại châu Á, được biết Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 5/8 để thảo luận về các chiến lược quản lý lũ lụt. Động thái được đưa ra trong bối cảnh miền đông nước này đã và đang phải vật lộn với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng do mưa lớn, nhất là các khu vực thuộc tỉnh Trat và tỉnh Chanthaburi. Cơ quan khí tượng Thái Lan cho biết tỉnh Trat đã ghi nhận lượng mưa cao nhất trong 32 năm qua. Nước lũ tràn qua kênh Khao Saming khiến hàng trăm ngôi nhà ngập sâu.

Trong khi nhiều quốc gia châu Á hứng chịu mưa lũ thì Hàn Quốc lại bị “hun” bởi nắng nóng. Ngày 3/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, 500 phòng cấp cứu trên toàn quốc đã báo cáo có 995 bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng kể từ ngày 20/5 cho đến ngày 28/7. Trong đó, 29,5% bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến nắng nóng là những người từ 65 tuổi trở lên và 78,7% là nam giới. Các tình trạng bệnh lý phát sinh do điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt chủ yếu xảy ra ngoài trời (82%) như tại nơi làm việc (29,3%) và cánh đồng (18,1%).

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chau-a-mot-tuan-mua-lu-10287299.html
Zalo