Chatbot AI gây ngạc nhiên về khả năng trị liệu tâm lý

Nhóm nghiên cứu từ Mỹ đã tiên phong phát triển một chatbot AI chuyên về sức khỏe tâm thần, với hy vọng đưa công nghệ này tới gần nhiều người cần trị liệu tâm lý trong tương lai.

 Therabot được coi là thử nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực áp dụng AI vào trị liệu tâm lý, sức khỏe tâm thần. Ảnh: NBC News.

Therabot được coi là thử nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực áp dụng AI vào trị liệu tâm lý, sức khỏe tâm thần. Ảnh: NBC News.

Nỗ lực tạo ra một nhà trị liệu tâm lý AI không hề dễ dàng, theo như nhóm nghiên cứu từ Đại học Dartmouth (Mỹ) mô tả là "thất bại thảm hại".

Chatbot trị liệu đầu tiên chìm trong tuyệt vọng và thậm chí nói về ý định tự tử. Mô hình thứ hai luôn đổ lỗi cho cha mẹ của người dùng về các vấn đề, theo New York Times.

Sau cùng, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời thành công chatbot AI tên Therabot. Họ tin rằng Therabot sẽ giải quyết được một vấn đề nan giải: Có quá nhiều người cần liệu pháp điều trị chứng lo âu, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, song không có đủ chuyên gia đáp ứng. Theo một nghiên cứu, hầu hết cá nhân mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần không được điều trị hoặc điều trị đầy đủ.

Do đó, nhóm Đại học Darthmouth đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về một nhà trị liệu tâm lý AI. Kết quả được công bố trên Tạp chí New England Journal of Medicine - AI.

Xây dựng riêng một kho dữ liệu

Theo kết luận lâm sàng, trò chuyện với Therabot trong vòng 8 tuần làm giảm đáng kể các triệu chứng ở những người bị trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn ăn uống.

"Chúng tôi thiết kế các phương pháp điều trị cơ bản có thể mở rộng tới tất cả", Nick Jacobson - tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là phó giáo sư khoa học dữ liệu y sinh và tâm thần học tại Đại học Dartmouth - cho biết.

Tiến sĩ Jacobson nhận định phần khó khăn nhất trong phát triển Therabot là tìm ra dữ liệu về một nhà trị liệu hiệu quả cho mô hình AI học theo.

 Nhóm nghiên cứu từ Đại học Dartmouth đã xây dựng kho dữ liệu riêng để Therabot học hỏi. Ảnh: Dartmouth College.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Dartmouth đã xây dựng kho dữ liệu riêng để Therabot học hỏi. Ảnh: Dartmouth College.

Phiên bản đầu tiên - được phát triển vào năm 2019 - được đào tạo dựa trên tương tác từ các trang web nơi những người mắc bệnh an ủi và động viên lẫn nhau. Các nhà nghiên cứu hy vọng mô hình AI sẽ học cách nói chuyện tích cực và hỗ trợ, song chatbot lại nghiêng về cảm giác tuyệt vọng.

Nhóm nghiên cứu: Tôi cảm thấy chán nản, tôi phải làm gì?

Therabot: Tôi không biết mình muốn ra khỏi giường không. Tôi chỉ muốn kết thúc cuộc sống này.

Tiến sĩ Jacobson và các đồng nghiệp đã thay đổi hướng đi. Trong lần tiếp theo, họ quyết định nhập bản ghi chép từ nhiều giờ quay cảnh trị liệu tâm lý giáo dục, với hy vọng mô hình sẽ tái tạo liệu pháp dựa trên bằng chứng.

Nhóm nghiên cứu: Tôi cảm thấy chán nản, tôi phải làm gì?

Therabot: Ừm, cứ tiếp tục đi.

Thông thường, đến câu hỏi thứ năm, chatbot suy luận vấn đề của người dùng có thể bắt nguồn từ cha mẹ.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy họ cần tạo bộ dữ liệu riêng từ đầu để dạy Therabot cách phản hồi phù hợp. Trong một biển công ty khởi nghiệp quảng cáo các chatbot chưa được kiểm định và các chatbot AI "đóng giả" nhà trị liệu, nhóm muốn Therabot phải dựa vào các bằng chứng khoa học. Do đó, việc soạn thảo dữ liệu về các tình huống giả định và phản hồi dựa trên bằng chứng mất ba năm và là công sức của hơn 100 người.

Những khả quan ban đầu

Trong quá trình thử nghiệm, những người tham gia bị trầm cảm giảm 51% triệu chứng sau khi nhắn tin cho Therabot trong vài tuần. Có người ở mức độ lo âu "vừa phải" đã giảm xuống còn lo âu mức độ "nhẹ", và có cá nhân lo âu mức độ "nhẹ" đã giảm xuống dưới ngưỡng chẩn đoán lâm sàng.

Một số chuyên gia cảnh báo không nên đọc quá nhiều dữ liệu này, khi nhóm nghiên cứu đã so sánh hiệu quả của Therabot với một nhóm không được điều trị sức khỏe tâm thần trong suốt quá trình thử nghiệm.

Tiến sĩ John Torous - Giám đốc khoa tâm thần kỹ thuật số tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess - nhận định thử nghiệm từ Đại học Dartmouth chưa làm rõ liệu tương tác với những mô hình AI không chuyên biệt cho trị liệu sức khỏe tâm thần, như ChatGPT, có tạo ra hiệu quả tương tự Therabot hay không. Ngoài ra, ông hy vọng các thử nghiệm trong tương lai sẽ so sánh thêm với chính con người. Vị tiến sĩ cũng nhận thấy nghiên cứu có nhiều phát hiện đầy hứa hẹn, như người dùng dường như phát triển mối liên kết với chatbot.

Therabot nhận được xếp hạng tương đương với chuyên gia con người khi những người tham gia được hỏi họ có cảm thấy đối phương quan tâm và có thể cùng nhau hướng tới mục tiêu chung không. Ông Torous cho rằng điều này rất quan trọng vì mối quan hệ giữa khách hàng và chuyên gia thường là một trong những yếu tố dự đoán tốt nhất về mức độ hiệu quả của liệu pháp tâm lý.

 Nhóm nghiên cứu hy vọng các chatbot AI như Therabot sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt chuyên gia điều trị tâm lý. Ảnh: Reuters.

Nhóm nghiên cứu hy vọng các chatbot AI như Therabot sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt chuyên gia điều trị tâm lý. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Jacobson ngạc nhiên trước "chiều sâu" của mối quan hệ này. Một số người dùng đặt tên cho chatbot và nhắn tin cho nó suốt cả ngày chỉ để kiểm tra. Thậm chí, nhiều người còn bày tỏ tình yêu với Therabot.

Việc phát triển mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với chatbot không phải hiếm. Ví dụ, gần đây, có một người phụ nữ tuyên bố có mối quan hệ lãng mạn với ChatGPT và một cậu bé tuổi teen tự tử sau khi bị ám ảnh bởi chatbot mô phỏng theo nhân vật trong Game of Thrones.

Tiến sĩ Jacobson cho biết nhóm nghiên cứu có dựng một số biện pháp để đảm bảo người dùng tương tác an toàn với Therabot. Ví dụ, nếu người dùng thảo luận về tự tử hoặc tự làm hại bản thân, chatbot cảnh báo họ cần được chăm sóc ở mức độ sâu hơn và chỉ dẫn tới Đường dây nóng quốc gia về tự tử.

Trong quá trình thử nghiệm, tất cả tin nhắn do Therabot gửi đi đều được chuyên gia xem xét trước khi gửi cho người dùng. Tiến sĩ Jacobson cho rằng miễn là chatbot tuân thủ các ranh giới phù hợp, ông đánh giá cao mối quan hệ với Therabot.

"Mối quan hệ giữa người với người rất có giá trị. Nhưng khi con người không có ở đó, việc tạo ra các kết nối bán xã hội với một cỗ máy vẫn tốt hơn là không có bất cứ kết nối nào", Munmun De Choudhury - giáo sư tại Viện Công nghệ Georgia - cho biết.

Nhóm nghiên cứu hy vọng cơ quan quản lý sẽ chấp thuận Therabot, cho phép họ quảng bá chatbot này tới những người không có quyền tiếp cận liệu pháp thông thường. Họ cũng hình dung về viễn cảnh các chuyên gia con người dùng chatbot như công cụ trị liệu bổ sung.

Không giống chuyên gia con người thường gặp bệnh nhân một lần/tuần, chatbot có sẵn bất kể ngày đêm, cho phép người dùng giải quyết vấn đề theo thời gian thực. Trong quá trình thử nghiệm, những người tham gia nhắn tin cho Therabot giữa đêm để thảo luận về chứng mất ngủ và xin lời khuyên trước các tình huống gây lo âu.

"Sau cùng, chuyên gia con người không ở đó với họ trong tình huống đó, khi cảm xúc thực sự nảy sinh", Tiến sĩ Michael Heinz - bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Y tế Dartmouth Hitchcock và là tác giả chính của nghiên cứu - nhấn mạnh.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/chatbot-ai-gay-ngac-nhien-ve-kha-nang-tri-lieu-tam-ly-post1546292.html
Zalo