Chất cực độc xyanua mua bán dễ dàng, đại biểu Quốc hội yêu cầu quản chặt

Lấy ví dụ về một số vụ việc đau lòng khi dùng chất xyanua để sát hại người thân, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ việc mua bán loại chất cực độc này.

Kinh doanh hóa chất độc hại cần được quy định chặt chẽ

Thảo luận tại tổ chiều nay (8/11) về dự án Luật Hóa chất sửa đổi, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nêu tầm quan trọng của việc kiểm soát trong hoạt động kinh doanh hóa chất đặc biệt.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa).

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa).

Ông Hải nêu thực tế thời gian qua, công tác quản lý bộc lộ sự lỏng lẻo, yếu kém trong kiểm soát kinh doanh hóa chất đặc biệt.

Lấy ví dụ về một số vụ việc đau lòng dùng chất xyanua để sát hại người thân, có gia đình 3-4 người bị đầu độc bằng hóa chất độc hại này, ông Mai Văn Hải chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên chính là việc quản lý chưa chặt chẽ.

"Không ở đâu mua xyanua dễ dàng như ở Việt Nam", đại biểu Mai Văn Hải nêu.

Vì vậy, đại biểu cho rằng kinh doanh hóa chất đặc biệt, hóa chất độc hại cần được quy định chặt chẽ.

Hiện nay, dự luật đã quy định về điều kiện tổ chức kinh doanh hóa chất đặc biệt, nhưng không quy định liên quan đến điều kiện của tổ chức, cá nhân được mua như thế nào.

Vì vậy, đại biểu đề nghị phải quy định điều kiện người mua hóa chất cụ thể ra sao. Bởi nếu họ mua để sử dụng không đúng mục đích thì rất nguy hiểm.

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Hùng (đoàn Hà Nam) kiến nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần gia cố các điều kiện về quy định của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất.

"Chúng ta không chỉ vận chuyển hóa chất đường bộ mà còn vận chuyển ở đường sắt, đường thủy. Chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức lưu ý liên quan đến công tác vận chuyển, điều kiện cấp giấy phép, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân vận chuyển", ông Hùng nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng (đoàn Hà Nam).

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng (đoàn Hà Nam).

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần làm rõ tính đồng bộ, thống nhất của dự luật này với Luật Quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ Trần Nguyễn Thu Trang (39 tuổi, trú TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) để điều tra hành vi giết người.

Theo thông tin điều tra ban đầu của công an, giữa Trang và anh M.H.V (39 tuổi, trú TP.HCM) có quan hệ tình cảm nhưng sau đó xảy ra mâu thuẫn. Ngày 20/10, khi cả 2 đang di chuyển từ Đồng Tháp về TP.HCM bằng ô tô riêng, Trang đã dùng xyanua đầu độc anh V tử vong.

Ngày hôm sau, Trang lái ô tô chở thi thể nạn nhân lên Lâm Đồng rồi lao xe xuống đèo Bảo Lộc (thành phố Bảo Lộc) phi tang. Lực lượng cảnh sát sau đó phát hiện thi thể anh V. ở ghế phụ trong khi Trang bị thương nhẹ.

Vụ việc Trần Nguyễn Thu Trang dùng chất độc xyanua hạ sát anh V gây chấn động dư luận, song đây không phải là vụ án đầu tiên được thực hiện bằng hóa chất kịch độc này. Ở Việt Nam, tính từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều vụ đầu độc bằng xyanua làm 8 người chết, một người bị tổn hại sức khỏe.

Về hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định sâu hơn về lĩnh vực thí nghiệm, sử dụng hóa chất. Vì hiện nay, dự luật quy định chưa chặt chẽ về vấn đề trên, nên cần thiết quy định thêm về hoạt động mua và bán như việc kiểm soát xyanua như các đại biểu đã nêu.

Làm rõ chức năng của 3 Bộ liên quan đến quản lý hóa chất

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc sửa đổi toàn diện, đồng bộ các quy định của Luật Hóa chất theo hướng vừa bảo đảm kế thừa các quy định "đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình và đã được kiểm chứng qua thực tiễn"; bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, gây vướng mắc, cản trở.

Đồng thời bổ sung, phát triển các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng phù hợp với tình hình mới gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban KHCNMT cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi).

Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Liên quan đến vận chuyển hóa chất (tại Điều 19), tồn trữ hóa chất (tại Điều 20), Ủy ban KHCNMT cho rằng, việc quản lý hóa chất theo vòng đời chưa thực sự được quy định rõ trong dự thảo Luật; cần nghiên cứu, đánh giá việc phân loại hóa chất quản lý để có hướng tiếp cận mới về quản lý cho phù hợp.

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân được vận chuyển hóa chất; cấp giấy phép vận chuyển hóa chất; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển hóa chất để xảy ra sự cố về hóa chất gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người.

Còn đối với hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa tại Chương V, Ủy ban KHCNMT đề nghị làm rõ chức năng của cơ quan liên quan như các Bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan đến quản lý hóa chất trong sản phẩm chứa hóa chất.

Đồng thời, nghiên cứu, thể hiện lại các quy định cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chat-cuc-doc-xyanua-mua-ban-de-dang-dai-bieu-quoc-hoi-yeu-cau-quan-chat-192241108165857064.htm
Zalo