'Chặt chém' ngày Tết, lợi trước mắt, hại dài lâu

Mỗi dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm, quà biếu, dịch vụ du lịch tăng cao đột biến. Điều này cũng tạo cơ hội cho tình trạng 'chặt chém', 'hét' giá, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên khi thời buổi công nghệ lên ngôi, bất cứ sự việc gì cũng có thể được chia sẻ trên mạng xã hội thì người kinh doanh sẽ mất nhiều hơn được.

Chuyện thật như đùa

Ngay mùng 1 Tết, mạng xã hội xôn xao trước thông tin một quán bún riêu tại Hà Nội “chém” khách 400.000 đồng một tô khiến nhiều người bức xúc.

Chị Thu Nguyệt bức xúc chia sẻ lên mạng xã hội việc bị “chặt chém” 3 bát bún riêu giá 1,2 triệu đồng.

Chị Thu Nguyệt bức xúc chia sẻ lên mạng xã hội việc bị “chặt chém” 3 bát bún riêu giá 1,2 triệu đồng.

Cụ thể, người dùng Thu Nguyệt chia sẻ trên trang cá nhân về trải nghiệm không vui đêm mùng 1 Tết tại quán bún riêu số 54 phường Bạch Mai, Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Chị Nguyệt cho biết đi ăn khuya cùng bố và anh trai không hỏi giá trước, đến khi tính tiền thì được thông báo giá 1,2 triệu đồng cho ba tô bún riêu khiến cả nhà giật mình.

“Kinh nghiệm cho ai đi chơi Tết: nhớ hỏi giá trước nhé. Cá nhân tôi thì không quay lại chỗ 54 Bạch Mai được nữa. Mùng 2 không lạnh, nhưng lòng người thì băng giá. Thôi thì của đi thay người”, chị Nguyệt chia sẻ.

Dòng trạng thái trên đã khiến nhiều người phẫn nộ, lên án quán vì lợi dụng dịp nghỉ lễ để chặt chém khách hàng, khuyên gia đình nạn nhân nên báo lên Cục Quản lý thị trường để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xử phạt.

Tuy nhiên, vụ việc cũng tạo nên luồng ý kiến trái chiều khi rất nhiều khách quen từng ăn tại quán vào giải oan cho chủ quán, cho rằng quán bán nhiều năm nhưng chưa bao giờ bị “chặt chém”.

Có người còn trách chủ bài viết thấy giá cả vô lý nhưng không ý kiến mà đăng lên mạng, khiến nhiều người chưa từng ăn tại đây công kích và đánh giá 1 sao quán hàng loạt trên Google.

“Trước đây tôi ở ngay ngõ Đê Tô Hoàng (Cầu Dền, Hai Bà Trưng, Hà Nội), có ăn đêm tại quán này nhiều lần rồi. Mình có xác nhận thông tin chính xác là anh chủ quán hay trêu theo kiểu 50.000 đồng thành 500.000 đồng, 100.000 đồng thành 1 triệu.

Ai là khách quen thì đều biết chuyện này rồi. Tôi nghĩ có thể do chủ quán không nhìn hóa đơn nữa, vì nhiều khi báo chuyển khoản rồi nhưng chủ quán không kiểm tra hóa đơn. Cứ thế về thẳng. Hà Nội có nhiều quán như vậy luôn” - một người dùng chia sẻ.

Dịch vụ gửi xe, ăn uống ở nhiều nơi bị đẩy giá lên trong ngày Tết (ảnh minh họa).

Dịch vụ gửi xe, ăn uống ở nhiều nơi bị đẩy giá lên trong ngày Tết (ảnh minh họa).

Được biết, quán bún riêu số 54 phường Bạch Mai đã kinh doanh hơn 30 năm, từng nổi tiếng vì là quán “tủ” của Bomman (tên thật: Mai Nam Hải), một trong những streamer nổi danh nhất Việt Nam. Anh chàng cũng đã từng làm Vlog review đồ ăn của quán.

“Quán này nhiều năm nay cũng hay đùa khách như vậy mà. Anh chủ quán đùa như thế là không nên, đặc biệt khi bạn là khách mới và chưa biết. Nếu bạn đã chuyển nhầm 120.000 đồng thành 1,2 triệu thì cho gia đình anh chị ấy xin lỗi và xin số tài khoản để chuyển khoản lại cho bạn. Đầu năm hoan hỉ bạn nhé!”, streamer Bomman bình luận bên dưới bài viết để bảo vệ quán quen của mình.

Ngay sau khi mạng xã hội nổi sóng, một nick tự xưng là em gái của chủ quán cũng vào công kích tác giả Thu Nguyệt: “Chào bạn, mình là chủ quán tại 54 Bạch Mai. Nếu bạn ăn ba bát đầy đủ mà phải trả 1,2 triệu tôi mời bạn ra ngay Công an phường trình báo. Nhà tôi ngày Tết chỉ dám tăng giá 5.000 đến 10.000 cho một bát bún. Cao nhất cũng chỉ 60.000 cho một bát đầy đủ. Bạn đăng bài không có hình ảnh, không có căn cứ, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người khác như vậy có vui không?”.

Tuy nhiên, sau khi được cung cấp bằng chứng rằng có đi ăn tại quán kèm với hóa đơn chuyển khoản 1,2 triệu đồng của khách, chủ quán mới xin lỗi khách và xin thông tin để hòa giải và chuyển lại số tiền thừa.

Dòng trạng thái của gia đình chủ quán khiến tranh luận một lần nữa bùng lên, nhiều người không chấp nhận được lý do của quán, cho rằng đây chỉ là bao biện cho hành vi “chặt chém”.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chỉ đạo Công an phường làm rõ vụ việc. Quán bún riêu sau đó đã bị tạm đình chỉ hoạt động.

Trong ngày 31/1, Công an phường đã làm việc với chủ quán. Kết quả xác minh cho thấy, việc 3 thực khách đã trả 1,2 triệu đồng cho 3 bán bún riêu bò hôm 30/1 là đúng như phản ánh.

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ quán bún riêu cũng thừa nhận có sai sót do “đùa” nên báo giá 1,2 triệu đồng 3 bát bún riêu. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là có sự hiểu lầm và lỗi xuất phát từ tính cách hay bông đùa với thực khách của chủ quán, anh Lê Hải Ninh (42 tuổi). Theo tường trình của anh Ninh, cửa hàng là do mẹ anh mở và đến thời điểm này, quán bún của gia đình đã kinh doanh được 30 năm.

Hiện nay, anh Ninh cùng vợ trực tiếp kinh doanh; vợ anh phụ trách khu bếp, còn anh Ninh đón khách và sắp xếp xe bên ngoài. “Với nhiều khách quen, tôi hay trêu đùa mỗi khi thanh toán tiền. Ví dụ 40.000 đồng/ bát tôi hay trêu là 400.000 đồng. Nhưng khách sẽ biết là tôi trêu, vì giá mỗi bát bún đều được niêm yết công khai tại quán”, anh Ninh tường trình với cán bộ chức năng phường Bách Khoa.

Cũng theo tường trình của chủ quán, sau khi dùng 3 bát bún riêu bò, khách ra thanh toán thì anh Ninh vẫn quen tính cách bông đùa, báo giá…1,2 triệu đồng cho 3 bát. Sau đó, khách chuyển tiền qua quét mã QR ngay cạnh bảng giá niêm yết bên trong.

Chủ quán bún riêu giải trình, vì lúc ấy quán đông khách nên có nghe thấy báo là chuyển tiền nhưng không để ý số tiền khách trả. “Lỗi là của quán, là của tôi, và tôi chân thành xin lỗi 3 thực khách, xin lỗi mọi người đã gây ra hiểu lầm rất đáng tiếc. Tôi cam đoan chưa và không bao giờ bán 1 bát bún sai so với giá niêm yết tại cửa hàng”, chủ quán bún riêu tường trình.

Được biết, chủ quán bún riêu đang tìm cách kết nối với 3 thực khách để xin lỗi và gửi chuyển số tiền thừa, và cam kết sẽ không bao giờ bông đùa như vậy.

“Hét giá” vô tội vạ

Thực tế, việc tăng giá ngày Tết không phải chuyện lạ. Thường trong dịp Tết, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê đã có thông báo về chuyện tăng giá. Đối với các nhà hàng, quán cà phê mức tăng sẽ dao động khoảng từ 10-20% tùy thương hiệu. Còn đối với các quán ăn vỉa hè, bình dân, đồ ăn được tăng lên khoảng 10 - 20 nghìn tùy món. Khách nào cũng thoải mái vì sự minh bạch. Đây là một cử chỉ văn minh.

Lý giải điều này, các chủ cửa hàng cho biết, việc tăng giá bởi chi phí hoạt động của các nhà hàng gồm các phần như nhân công, nguyên vật liệu đều tăng. Và mức tăng ấy hoàn toàn được các thực khách chấp nhận.

Những nải chuối xanh giá “chat” được chia sẻ trên mạng xã hội.

Những nải chuối xanh giá “chat” được chia sẻ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, cũng không hiếm những nhà hàng, quán ăn có động thái không minh bạch như quán bún riêu 54 Bạch Mai nói trên. Sự thật có phải do trêu đùa dẫn đến nhầm lẫn trong chuyển khoản thanh toán hay không nhưng câu chuyện về sự “chặt chém” lại một lần nữa “nóng” lên khiến không ít người bức xúc trước thái độ kinh doanh thiếu văn minh.

Ở một góc độ nào đó, chủ quán bún riêu trên có thể chỉ đơn giản nghĩ rằng ngày Tết mọi chi phí đều tăng, hàng ăn ít nên tăng giá bán là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chủ quán đã quên mất rằng thời buổi công nghệ số, nhiều bức xúc, bực dọc, “chặt chém” khách sẽ ngay lập tức được khách hàng đưa lên mạng xã hội. Và sau đó, thông tin về quán ăn, hành vi “chặt chém” khách, thu tiền cao quá mức bình thường… sẽ tràn lan trên Internet - hậu quả cuối cùng khiến chính chủ quán cũng không thể lường hết được.

Trước đó, dân mạng cũng xôn xao khi chuối xanh những ngày cận Tết Nguyên đán được tiểu thương bán từ 200.000-600.000 đồng/nải. Đối với những nải chuối đẹp, lẻ quả được “hét giá” đến 500.000 - 600.000 đồng/nải. Năm nay diện tích trồng chuối xanh ở miền Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 và tình trạng ngập lụt kéo dài. Vì vậy, nguồn cung cho thị trường Tết trở nên khan hiếm hơn so với mọi năm. Điều này tạo cơ hội cho những người kinh doanh thiếu đạo đức tranh thủ “chặt chém” kiếm lời.

Bên cạnh đó rất nhiều dịch vụ ngày Tết cũng tăng giá như dịch vụ rửa xe, gửi xe đi lễ, du xuân. Không ít điểm trông giữ xe thu giá quá cao so với quy định, bị báo chí phản ảnh, lực lượng chức năng kiểm tra, chấn chỉnh…

Việc tăng giá quá mức, tăng giá bất hợp lý của chủ nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh sẽ làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh của chính họ và gây ra “lợi bất cập hại”. Bởi lợi nhuận thu được từ việc “chặt chém” có thể là ngắn hạn nhưng sẽ gây ra những hậu quả lâu dài. Khách hàng sẽ không quay lại quán ăn và “bóc phốt” trên mạng xã hội để lan truyền thông tin tiêu cực đến những người khác.

Về mặt xây dựng thương hiệu, việc “chặt chém” sẽ làm mất đi cơ hội thu hút khách hàng. Còn về mặt pháp lý, nếu chủ cơ sở không cung cấp đầy đủ thông tin về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ thì hành vi tăng giá bất hợp lý sẽ bị xử phạt.

Điều 13, Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá, quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ.

Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ không đúng giá cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân quyết định.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá, kê khai giá không thuộc khoản 3 Điều này.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ trong thời gian Nhà nước thực hiện bình ổn giá.

Bên cạnh đó, cá nhân/doanh nghiệp có hành vi tăng giá còn phải có biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện niêm yết giá theo đúng quy định đối với hành vi vi phạm; buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi phạm theo quy định…

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá niêm yết vào ngân sách Nhà nước.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/chat-chem-ngay-tet-loi-truoc-mat-hai-dai-lau-i758417/
Zalo