Charlie Nguyễn cảnh báo nhà sản xuất game show Việt: 'Đừng hão huyền'
Trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong, đạo diễn Charlie Nguyễn nói về khó khăn trong lần đầu làm show về đua xe go-kart và góc khuất của truyền hình thực tế ở Việt Nam.
Sau hơn 30 năm làm phim và khẳng định tên tuổi với những tác phẩm điện ảnh ăn khách như Dòng máu anh hùng, Để mai tính, Long ruồi... đạo diễn Charlie Nguyễn lần đầu rẽ hướng game show.
Anh gật đầu ngồi ghế đạo diễn GAMA: Dục tốc bất bại - chương trình truyền hình thực tế đầu tiên tại Việt Nam về đua xe go-kart - được đầu tư gần 50 tỷ đồng. Về cú đá chéo sân, đạo diễn Charlie Nguyễn nói bản thân liều, nhưng phải thử để biết mình đang ở đâu.
Trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong, Charlie Nguyễn nói về rất nhiều khó khăn khi làm show về đua xe và góc khuất của truyền hình thực tế ở Việt Nam.
Cảnh báo nhà sản xuất
- Là đạo diễn điện ảnh, tại sao giờ anh lại nhảy vào làm game show?
- Tôi từng làm nhiều show, thậm chí cả trăm concert trên thế giới rồi, nhiều hơn cả làm phim nữa. Nhưng khi nhà sản xuất nói muốn làm game show đua xe go-kart, ngay lúc đó tôi nghĩ: Trời ơi tại sao có người muốn làm game show về trò chơi đó. Trò đó ở Việt Nam ít ai chơi, ít ai biết.
Nghe nhà sản xuất nói, tôi thắc mắc, tò mò. Từ góc nhìn của người làm nghề, tôi thấy quá khó. Nhà sản xuất có thể không hình dung được cái khó của nó. Cả trường đua rộng mênh mông, không có gì che chắn. Làm thế nào để máy lấy đủ hình, rồi điều phối cả dàn quay phim không biết bao nhiêu là đủ. Ông giám đốc kỹ thuật nào dám làm show này? Riêng về kỹ thuật phải phối hợp cả trăm con người, gắn máy trong xe, lấy tín hiệu, quá phức tạp. Nhưng nhà sản xuất vẫn cương quyết làm. Tôi cũng thấy kích thích vì nó khó. Khó mới kích thích chứ.

Đạo diễn Charlie Nguyễn ngồi ghế đạo diễn chương trình truyền hình thực tế đầu tiên tại Việt Nam về đua xe go-kart.
Nhà sản xuất không có kịch bản cụ thể, chỉ ngồi nói ý tưởng. Cái đó cũng kích thích tôi, từ chỗ không có gì mà dựng thành game show. Tôi từng nghĩ có thể giữa chừng sẽ bế tắc.
Rồi tôi dần dần lên ý tưởng, hoàn toàn tự làm mà không dựa trên nguyên mẫu show nào hết. Cái vui là được hoàn toàn sáng tạo, thách thức bản thân trong không gian mới. Game show này không đại chúng như Sao nhập ngũ hay Rap Việt. Những chương trình đó ai cũng xem được. Game show này chỉ dân thích đua xe, mê tốc độ mới hiểu thôi. Tôi nói với nhà sản xuất là show rất kén khán giả, mọi người muốn làm game show thì nghĩ cái gì đó đại trà hơn đi, nhưng sau cùng họ vẫn chốt làm show này.
- Anh áp lực thế nào khi số người am hiểu về đua xe quá ít?
Cả thành phố này chắc chỉ có 10.000 người biết, thích đua xe. Nếu chỉ làm show cho 10.000 người xem thì chết. Tôi xem những show khác và thấy được sự thành công của Sao nhập ngũ ở Hàn Quốc. Việt Nam mua bản quyền làm cũng rất hot. Họ thành công đâu phải vì khán giả thích súng ống, thành công vì khán giả xem những ngôi sao vốn quen hình tượng đẹp, giờ lại phải chui dưới hầm, dưới bùn.
Vì thế, GAMA: Dục tốc bất bại tìm kiếm người chơi sợ tốc độ, nhút nhát, chưa từng lái xe bốn bánh, ngược lại hoàn toàn với dân đua xe. Tôi hy vọng khiến khán giả thích. Người ta xem vì sự hài hước, giải trí, sự lúng túng, bối rối của người chơi, chứ không vì những tay đua go-kart thứ thiệt. Đó là tinh thần của show này. Tôi nói chọn những bạn thí sinh nhút nhát nhất, sợ đau nhất để họ biểu hiện sự yếu đuối ra.
Thí sinh phải trần trụi cảm xúc
- Chương trình có 16 nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia cuộc đua, anh đã cảnh báo gì với họ?
- Một khi thích thí sinh nào đó, khán giả không muốn họ phải ra về. Một trong những thủ thuật khi làm game show là làm sao cho khán giả kết nối được với thí sinh.
Mỗi tập game show loại một người. Thể loại của show này là cuộc tranh đua. Nếu khán giả không quan tâm thí sinh, bạn có làm hay, bối cảnh đẹp đến mấy, khán giả cũng không xem.
Thí sinh lý tưởng cho truyền hình thực tế phải là những người không sợ trần trụi cảm xúc trước ống kính. Người nào khép mình, không cho máy quay thấy được cảm xúc sẽ bị lu mờ. Điều đó đạo diễn không điều khiển được, phụ thuộc vào thí sinh thôi.
Tôi mong các bạn dám chơi, dám trần trụi cảm xúc, đừng giả. Buổi gặp đầu tiên với 16 người chơi tôi đã nói vậy. Hy vọng khi show bắt đầu tôi nhìn thấy con người thật của người chơi. Tôi ước có thể chẻ mình ra thành 100 người, làm 100 việc khác nhau. Nếu chạy theo 16 thí sinh, đạo diễn sẽ khai thác được chuyện rất hay.
- Có nghệ sĩ nào khiến anh không hài lòng?
- Khi làm chương trình chỉ tìm ra người thắng, lấy giải đi về là hết, nguy cơ được mất về cảm xúc rất quan trọng. Biên kịch và đạo diễn đang đối diện rất nhiều rào cản. Tôi thấy hết được những giới hạn này và luôn trình bày với nhà sản xuất. Tôi nói đừng trông đợi show bùng nổ như Running Man. Đó là thiếu thực tế, mơ mộng hão huyền. Phải biết mình đang làm gì để không tuyệt vọng.
Những gì mình đạt được là tương đối thôi. Tôi luôn ước có nhiều thời gian chuẩn bị, luôn than phiền là nhà sản xuất không cho tôi đủ thời gian. Show này gần 300 con người, để phối hợp làm mượt mà không dễ. Không đủ thời gian nên có nhiều chuyện bất cập, tôi không hài lòng. Nhưng không dừng được, không đi lùi được, không được mất bình tĩnh, chỉ làm sao để tối ưu.
Nhìn lại, cái hay là mình hoàn toàn tự làm, không dựa vào show nào hay mượn ý tưởng có sẵn. Cuối cùng cũng ra một cái gì đó, dù chưa đúng theo nguyện vọng.
Trong lúc quay tôi liên tục nhận xét thí sinh, tôi nói thẳng bạn nào đang muốn cho người ta thấy cái đẹp đẽ, bạn nào trần trụi cảm xúc. Truyền hình thực tế thành công hay không phụ thuộc vào casting. Chọn sai người, không trần trụi cảm xúc show không hay được. Nhưng phải chấp nhận thực tế là 16 người không thể tốt cả 16 được, chúng tôi vẫn phải công bằng và tôn trọng mọi người. Không công bằng thì ai muốn đua nữa.
Tôi không bao giờ đối xử với thí sinh thiên vị, không ưu tiên ai. Nếu là thí sinh, điều tối thiểu mình muốn là sân chơi bình đẳng. Thí sinh tỏa sáng là vì họ thông minh, dám trần truồng cảm xúc trước ống kính.

Charlie Nguyễn nói truyền hình thực tế thành công hay không phụ thuộc vào casting.
- Anh có tìm được sự trần trụi cảm xúc mà mình muốn?
- Tất cả là tương đối. Nhiều thí sinh đã có kinh nghiệm chơi game show khác. Đó là bài toán của tôi. Trong đầu thí sinh lúc đó đầy sạn, tính toán nhiều.
Có thí sinh nói game show này không công bằng, nói tôi sắp xếp. Tôi nói luôn không ai tìm được sự sắp đặt từ tôi. Cuộc chơi này tôi sắp đặt làm gì? Nếu muốn sắp đặt, tôi làm điện ảnh, việc gì phải sang đây chơi không đúng sân, lấy bóng đá chơi bóng chuyền.
Sự dàn xếp làm người chơi mất tính chiến đấu. Nhưng thí sinh vẫn nghĩ tôi cố tình "chơi" họ. Họ không tin người làm game show nữa.
'Thí sinh nói tôi dàn xếp'
- Anh đã phản ứng lại ra sao khi nghệ sĩ nói rằng anh dàn xếp kết quả?
- Tôi không phản ứng, chỉ tập trung làm cho công bằng thôi. Nếu tôi sắp đặt, thí sinh bắt lỗi, tôi lúng túng ngay. Tôi không bao giờ quan tâm thí sinh than phiền, nói nọ kia. Tôi trong sạch nên không sợ.
Đến tập thứ 7, tôi nghĩ thí sinh bắt đầu phải tin tôi, tin show hoàn toàn minh bạch rồi. Nhưng tới lúc đó mà thí sinh vẫn nghĩ tôi sắp đặt. Họ nghĩ vậy nên không thi đấu hết mình nữa. Chuyện đó đã xảy ra với thí sinh tôi thích, cho tôi nhiều cảm hứng nhất. Tôi rất tiếc.
Nếu tôi sắp đặt thì bể show rồi. Nếu sắp đặt thì đến tập 9, với 4 thí sinh cuối cùng, còn ai muốn thi nữa.
Thể thao là thế. Bên thua luôn nghĩ mình bị bất công, ấm ức. Vai trò của tôi là phải minh bạch, trong sáng. Một ngôi sao ra đi sớm, tôi tiếc thôi chứ không buồn. Tôi không muốn chơi dơ để giữ lại ngôi sao, nên có những sao ra đi sớm lắm.
- Ở tuổi này, sức khỏe của anh bị ảnh hưởng như thế nào khi làm game show?
- Áp lực trong game show là tốt, làm không áp lực thì không vui. Làm nghề này phải đối diện áp lực, nên tôi không ngại, chỉ ngại thiếu ngủ. Sức khỏe đúng là vấn đề trong ngành này. Thời gian thất thường, tôi ăn ngủ không đủ nhưng phải chấp nhận thôi. Ngay đầu mỗi buổi họp, tôi luôn nói với đồng đội về vấn đề sức khỏe của anh em.
Ở Mỹ người ta làm phim 12 tiếng, ở Australia quay 10 tiếng. Họ nói như vậy quá tội nghiệp dân làm phim rồi. Việt Nam còn quay nhiều hơn. Anh em làm phim, làm show đang bán rẻ cuộc sống để sống trên set quay. Chúng ta không biết nghĩ cho cuộc sống của mình. Nhiều dân làm phim, làm show mất vì đột quỵ, thiếu ngủ, uống nhiều nước có ga.
Chúng ta chẳng có thời gian nói chuyện với gia đình, người yêu, không ai nấu ăn cho, chỉ ăn mì gói, uống nước tăng lực sống qua ngày.
Riêng show GAMA: Dục tốc bất bại, ngay ngày đầu chúng tôi quay hơn 14 tiếng. 2h30 sáng báo thức, 3h xe chạy lên trường quay. Tôi về nhà lúc gần 12h đêm, 3h sáng hôm sau lại đi.
Thiếu ngủ dễ dẫn đến cáu gắt, bất hòa. Bao nhiêu năm qua tôi cố gắng không lớn tiếng với ai. Nếu cãi cọ, làm xong chương trình mất tình cảm với nhau lắm. Tôi có nền tảng sức khỏe nhờ tuổi trẻ năng động, tập thể thao hàng ngày. Tôi cũng không nghiện hút thuốc, uống rượu.