CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH LÂM ĐỒNG (1994-2024): 30 năm dựng xây một ngôi nhà sáng tạo

30 năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng (Liên hiệp Hội) đã không ngừng dựng xây một ngôi nhà sáng tạo, tập hợp đội ngũ trí thức, đưa khoa học - kỹ thuật trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Văn Phấn - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng để cùng nhìn lại chặng đường đáng tự hào ấy.

Tặng Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Liên hiệp Hội

Tặng Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Liên hiệp Hội

PV: Xin ông cho biết vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 30 năm qua?

Ông Phan Văn Phấn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng

Ông Phan Văn Phấn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng

Ông Phan Văn Phấn: Đúng vào ngày này 30 năm trước, ngày 5/10/1994, Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ I, nhiệm kỳ (1994 - 1999) đã diễn ra, đánh dấu sự ra đời của Liên hiệp Hội. Với 150 đại biểu tham dự, bầu Ban Chấp hành gồm 21 đồng chí; Thường trực Liên hiệp Hội gồm 5 đồng chí, Chủ tịch là ông Phạm Bá Phong và 4 Phó Chủ tịch là các ông: Nguyễn Thiết Giáp, Nguyễn Mộng Sinh, Ngô Quang Tích, Nguyễn Thọ Biên.

Là một tỉnh miền núi, điểm xuất phát ban đầu còn thấp, nhưng Lâm Đồng có nhiều thuận lợi về khí hậu, đất đai, đặc biệt là đội ngũ trí thức khoa học - kỹ thuật, một địa phương có nhiều viện nghiên cứu, nhiều trường của Trung ương đóng trên địa bàn, với lực lượng hùng hậu của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KHCN). Việc ra đời tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã đáp ứng được lòng mong mỏi cũng như tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ trí thức KHCN và là đơn vị thứ 10 trên cả nước có tổ chức Liên hiệp Hội ở địa phương.

Từ 5 tổ chức hội tham gia làm thành viên đầu tiên là Hội Luật gia, Hội Y học cổ truyền, Hội Y dược học, Hội Kế hoạch hóa gia đình và Hội Tâm lý giáo dục với hơn 1.000 hội viên ngày đầu thành lập; đến nay, Liên hiệp Hội đã tập hợp được 40 tổ chức hội thành viên với hơn 12.000 hội viên. Trải qua 5 nhiệm kỳ đại hội với 30 năm xây dựng và trưởng thành, Liên hiệp Hội đã có nhiều cố gắng vươn lên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từng bước khẳng định và phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KHCN ở Lâm Đồng. Liên hiệp Hội trở thành mái nhà chung tập hợp đội ngũ trí thức, các nhà khoa học để cùng nhau thi đua lao động sáng tạo, phát huy tiềm năng trí tuệ đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của đia phương.

Tham quan Mô hình Sản xuất cà chua giống mới tại Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa

Tham quan Mô hình Sản xuất cà chua giống mới tại Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa

PV: Xin ông cho biết rõ hơn những hoạt động nổi bật của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng?

Ông Phan Văn Phấn: Những năm qua, Liên hiệp Hội đã tổ chức trên 50 lượt hội thảo khoa học về các vấn đề mà xã hội quan tâm. Qua hội thảo đã tập trung kiến nghị nhiều giải pháp góp phần hoạch định những chủ trương, biện pháp và kế hoạch cho địa phương trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các tổ chức hội thành viên đã tổ chức trên 500 buổi hội thảo khoa học, tọa đàm và các lớp tập huấn để chuyển giao KHCN. Những giải pháp qua các hội thảo góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, giải quyết bước đầu những khó khăn, vướng mắc của địa phương.

Hoạt động sáng tạo kỹ thuật tỉnh thông qua Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng và Giải thưởng KHCN của tỉnh thời gian qua đã thu hút được nhiều tập thể, cá nhân và các cơ quan, đơn vị tham gia. Số lượng, chất lượng các giải pháp ngày càng được nâng lên, đưa phong trào sáng tạo khoa học - kỹ thuật phát triển sâu rộng trong mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi.

Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội được triển khai nghiêm túc theo tinh thần Quyết định 14/QĐ-TTg của Chính phủ và Quy định của UBND tỉnh về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, qua đó vai trò của Liên hiệp Hội tiếp tục được khẳng định và nâng cao.

Hàng năm, Liên hiệp Hội đều tổ chức các buổi gặp mặt đội ngũ trí thức với lãnh đạo tỉnh, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức, các chuyên gia và các nhà khoa học trao đổi, đề đạt nguyện vọng, hiến kế, nêu giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là dịp để tôn vinh, biểu dương các trí thức tiêu biểu có công trình sáng tạo hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PV: Thưa ông, trong thời gian tới, những giải pháp quan trọng nào sẽ được tập trung thực hiện để xây dựng Liên hiệp Hội thực sự là một ngôi nhà chung sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức?

Ông Phan Văn Phấn: Phát huy kết quả đạt được, để Liên hiệp Hội tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KHCN, xứng đáng với kỳ vọng, thật sự là mái nhà chung của đội ngũ trí thức, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”, qua đó tiếp tục khẳng định quan điểm xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững. Chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh nhà ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội; nâng cao tính chủ động, năng động, sáng tạo; có nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú nhằm tập hợp đội ngũ trí thức; không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm xây dựng Liên hiệp Hội trở thành tổ chức chính trị - xã hội ngày càng vững mạnh.

Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tập hợp, đoàn kết, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các hội thành viên và đội ngũ trí thức phát huy tiềm năng, trí tuệ để phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; kế thừa truyền thống của dân tộc, của các thế hệ đi trước, góp phần đưa KHCN trở thành động lực hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tham mưu thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng đãi ngộ đội ngũ trí thức, đảm bảo mỗi lĩnh vực đều có chuyên gia đầu ngành để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức người đồng bào dân tộc thiểu số và nữ trí thức. Khuyến khích đội ngũ trí thức tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Thực hiện có hiệu quả những quy định của UBND tỉnh về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội, chủ động đề xuất thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, dự án kinh tế, khoa học - kỹ thuật có tính liên ngành, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của địa phương.

PV: Cảm ơn ông!

QUỲNH UYỂN (thực hiện)

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202410/chao-mung-ky-niem-30-nam-thanh-lap-lien-hiep-cac-hoi-khoa-hoc-va-ky-thuat-tinh-lam-dong-1994-2024-30-nam-dung-xay-mot-ngoi-nha-sang-tao-4ee321a/
Zalo