Chào mừng Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024: Những 'ngọn đuốc' giữa bản làng

LTS: Những năm gần đây, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Thái Nguyên có sự đổi rõ nét. Có được kết quả đó, ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, còn có đóng góp không nhỏ của những người có uy tín. Bền bỉ cống hiến cho quê hương, họ được ví như những 'ngọn đuốc' sáng giữa bản làng. Nhân Đại hội đại biểu các DTTT tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024, Báo Thái Nguyên trân trọng giới thiệu một số tấm gương điển hình.

Năm 1986, khi mới 22 tuổi, ông Hồng đã được bà con xóm Cầu Cong tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm. Từ khi giữ vai trò Trưởng xóm, ông tích cực vận động bà con xóa bỏ một số hủ tục trong đời sống hàng ngày của đồng bào… Cùng với đó, ông gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, vận động bà con đồng bào dân tộc Sán Dìu cùng trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để cải thiện đời sống.

Năm 2021, gia đình ông Hồng thành lập doanh nghiệp sản xuất chế biến lâm sản, tạo việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập trung bình từ 7-12 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, một số sản phẩm từ gỗ ép của doanh nghiệp ngoài tiêu thụ trong nước còn được xuất khẩu sang nước ngoài.

Trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Hồng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi. Được sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, cùng với sự tham gia đóng góp, đối ứng của bà con, đến nay, xóm đã bê tông được trên 90% các tuyến đường trục chính, với chiều dài hơn 3km, diện mạo nông thôn mới ở Cầu Cong có sự đổi thay rõ rệt.

Với mong muốn phát triển sản phẩm chè, anh Viện đã dành thời gian đi tham quan các vùng chè nổi tiếng ở trong và ngoài tỉnh để nghiên cứu, tìm hiểu cách chăm bón, nhằm tạo ra sản phẩm trà chất lượng. Năm 2020, anh Viện thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản Phú Lương, liên kết sản xuất chè hữu cơ với các hộ dân trên diện tích 60ha.

Nét mới của HTX là có kỹ sư nông nghiệp tập huấn và hướng dẫn bà con tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, chấu, phân chuồng, tro, bùn ao, cá nhỏ ủ vi sinh thành phân hữu cơ tái sử dụng bón lại cho cây chè và các cây nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện, HTX có các sản phẩm: chè, gạo, bún khô, mì và 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. HTX đang tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 40 lao động thời vụ là người DTTS với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Xóm Thẩm Rộc có 85 hộ với 396 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc anh em cùng chung sống. Bà con nơi đây hiện vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc như: hát Then, hát Ví, Lượn cọi của đồng bào dân tộc Tày; đặc biệt là lưu giữ được loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian múa rối.

Với vai trò là người có uy tín, nhằm vận động, tuyên truyền người dân hiểu và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Ma Quang Nhanh thường sử dụng các con rối để diễn những trích đoạn ngắn, lồng ghép các nội dung cần tuyên truyền. Qua đó tạo ra tiếng cười, không khí vui tươi, khiến nội dung tuyên truyền trở nên gần gũi, người dân dễ nghe, dễ hiểu.

Bên cạnh sáng tác các chủ đề mới, ông Ma Quang Nhanh cùng bà con luôn có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt các tích trò đã có từ lâu đời, phản ánh đời sống của người nông dân cần cù chịu khó, đoàn kết, phê phán những hiện tượng xấu trong xã hội. Năm 2015, múa rối cạn của người Tày phường Thẩm Rộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Hiện nay, ngoài việc trình diễn tham gia lễ hội do huyện tổ chức, phường rối còn tham gia phục vụ các hoạt động du lịch, giới thiệu và truyền dạy ở cơ sở và các trường học trên địa bàn huyện, đồng thời cung cấp các thông tin cần thiết để các em, các cháu viết đề tài nghiên cứ khoa học, cũng như bảo vệ luận án nghiên cứu về di sản văn hóa.

Xóm Lân Vai hiện có 75 hộ, với 365 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Thời gian qua, ông Thành đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia có hiệu quả các chương trình, dự án được triển khai tại xóm; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đơn cử năm 2023, xóm đã có 15 hộ nghèo được hỗ trợ nuôi trâu sinh sản, với tổng kinh phí gần 280 triệu đồng; 50 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ bồn đựng nước inox, kinh phí hỗ trợ là 137 triệu đồng. Ngoài ra, xóm cũng được hỗ trợ làm đường bê tông với chiều dài là 1,5km, tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng.

Nhờ có “cầu nối” là ông Thành, đồng bào dân tộc Mông trong xóm đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, đối ứng để hoàn thành tốt các chương trình, dự án Nhà nước hỗ trợ, đem lại nhiều kết quả đáng mừng. Hiện nay, xóm Lân Vai đã có đường bê tông vào tận xóm; giao thông đi lại thuận tiện; điểm trường học tại xóm khang trang đảm bảo cho công tác giáo dục, cơ sở vật chất nhà văn hóa đầy đủ tiêu chuẩn, bà con đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông, việc tiếp cận công nghệ thông tin được cải thiện, kinh tế từng bước phát triển. Xóm Lân Vai đã đạt danh hiệu làng văn hóa 3 năm liên tục.

Trường THCS Bắc Sơn hiện có 22 lớp, với 987 học sinh, trong đó, học sinh DTTS chiếm hơn 51,8%. Với vai trò là Phó Hệu trưởng Nhà trường, thầy Cảnh đã cùng tập thể Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch giáo dục có sự điều chỉnh, linh hoạt trong chương trình học, vừa đáp ứng yêu cầu cần đạt, vừa phù hợp với đặc thù văn hóa dân tộc. Đồng thời thực hiện tốt nội dung giáo dục địa phương, lồng ghép, tích hợp các nội dung liên quan đến văn hóa phong tục, tập quán của từng dân tộc vào chương trình giảng dạy để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

Cùng với đó, Nhà trường cũng tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh DTTS và dạy học sát với khả năng, trình độ nhận thức của các đối tượng học sinh. Mỗi giáo viên tích cực thực hiện đổi mới trong dạy học, viết giải pháp đổi mới trong dạy học kiểm tra, đánh giá học sinh.

Năm học 2023-2024, Nhà trường thực hiện chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí cho 57 học sinh; hỗ trợ, tặng quà cho học sinh DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp khai giảng năm học mới và các dịp lễ, tết cho 135 học sinh. Ngoài ra, các chế độ, chính sách đối với người dạy, người học vùng DTTS, niền núi được Nhà trường triển khai đầy đủ, kịp thời.

Khánh Thiện (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/dan-toc-va-mien-nui/202410/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-dan-toc-thieu-so-tinh-thai-nguyen-lan-thu-iv-nam-2024-nhung-ngon-duoc-giua-ban-lang-fab0cf4/
Zalo