CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LÂM ĐỒNG (3/4/1975 - 3/4/2025): Tuổi trẻ Khu VI tự hào tiếp bước truyền thống anh hùng

50 năm đã qua đi kể từ ngày non sông thống nhất, ở mảnh đất Khu VI anh hùng, từng kỷ vật, câu chuyện về lòng dũng cảm và những năm tháng chiến đấu ngoan cường vẫn được gìn giữ một cách cẩn thận và vẹn nguyên, ngay cả trong ký ức.

Học sinh Trường Tiểu học Phù Mỹ (thị trấn Cát Tiên) thực hiện nghi thức chào cờ tại khu di tích

Học sinh Trường Tiểu học Phù Mỹ (thị trấn Cát Tiên) thực hiện nghi thức chào cờ tại khu di tích

GIÁO DỤC LÒNG YÊU NƯỚC CHO THẾ HỆ TRẺ

Trở về từ chuyến tham quan Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI hồi đầu tháng 3, trong lòng 30 em học sinh khối lớp 3, 4, 5 của Trường Tiểu học Phù Mỹ (thị trấn Cát Tiên, huyện Đạ Huoai) vẫn nhớ như khoảnh khắc cất lên lời hát Quốc ca, Đội ca dưới chân tháp sao của Khu di tích. Những hình ảnh trong tài liệu giáo dục địa phương nay trở nên hiện hữu, sinh động hơn bao giờ hết. “Việc hát Quốc ca tại "địa chỉ đỏ" là một hoạt động vô cùng thiêng liêng và không thể thiếu trên hành trình các em thiếu nhi đến với "địa chỉ đỏ". Mỗi khi giai điệu và lời ca hùng tráng vang lên trong lòng mỗi em lại dâng lên niềm xúc động nghẹn ngào, giây phút ấy đã khơi dậy trong lòng mọi thế hệ lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước”, cô Đinh Thị Hồng Luyện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Mỹ cho biết.

Khi giai điệu Quốc ca vang lên giữa không gian trang nghiêm và tĩnh lặng, các em học sinh đứng nghiêm trang, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng, hành động ấy chính là lòng biết ơn và như lời thầm hứa sẽ tiếp bước cha anh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Từng câu hát không chỉ là lời tri ân gửi đến các anh hùng liệt sĩ mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình, của độc lập tự do mà thế hệ hôm nay đang được thừa hưởng.

Hoạt động giáo dục truyền thống tại "địa chỉ đỏ" không chỉ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về giá trị lịch sử mà còn là cách hiệu quả nhất hun đúc lòng yêu nước và trách nhiệm về quê hương nơi các em - những mầm non tương lai của đất nước. Chính vì thế, trong thời gian qua, phần lớn các trường, các cấp bộ Đoàn trong huyện và các khu vực lân cận thường xuyên tìm đến tham quan, tổ chức các hoạt động sinh hoạt truyền thống tại Khu VI.

Thống kê của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đạ Huoai - đơn vị quản lý Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI cho thấy, trong 2 năm trở lại đây, trong tổng số khách đến tham quan Khu VI có hơn 50% là học sinh và đoàn viên, thanh niên. Việc đầu tư, xây dựng Khu di tích lịch sử căn cứ Khu VI góp phần tôn vinh truyền thống đấu tranh cách mạng, giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ thanh niên, thiếu nhi, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Ở đó có những tài sản vô giá từ lịch sử để lại, đánh đổi bằng xương máu, bằng cả tính mạng của đồng đội, đồng bào. Những mái nhà lá giữa núi rừng bình yên, những hiện vật lặng lẽ giữa không gian tĩnh mịch mà như đang kể lại sống động những câu chuyện về một thời kỳ cách mạng hào hùng, gian khổ nhưng vô cùng bất khuất, tự hào của cha ông.

Bà Triệu Thị Ánh Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đạ Huoai, đơn vị quản lý Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI cho biết, những hiện vật, tư liệu, hình ảnh lịch sử được lưu giữ tại đây không còn là của riêng ai mà đã trở thành những chứng tích ghi đậm những chiến công hiển hách của quân và dân Khu VI. Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI đã được xếp loại cấp Quốc gia, tự hào là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.

Điểu Thị Môn thuyết minh về Khu VI cho khách tham quan

Điểu Thị Môn thuyết minh về Khu VI cho khách tham quan

TĂNG CƯỜNG GIỚI THIỆU, QUẢNG BÁ VỀ "ĐỊA CHỈ ĐỎ"

“Kính thưa quý khách, chào mừng quý khách đến với Khu di tích lịch sử căn cứ kháng chiến Khu VI...”, giọng nói trầm ấm, truyền cảm của cô hướng dẫn viên trẻ Điểu Thị Môn cất lên như bắt đầu đưa mỗi người khách tham quan bước lên chuyến tàu ngược về quá khứ, đến với những năm tháng đấu tranh hào hùng của quân và dân Khu VI từ những ngày mới thành lập. Từ tháng 5/1961, Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu VI trực thuộc Trung ương cục miền Nam để lãnh đạo, chỉ huy phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ, mở đường cho hành lang chiến lược Nam Tây Nguyên, tiếp nhận sự chi viện của Trung ương cho chiến trường Nam Bộ...

Điểu Thị Môn là người dân tộc Mạ, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cát Tiên anh hùng. Năm 2019, khi Khu di tích được bàn giao cho UBND huyện Cát Tiên (cũ) và đi vào hoạt động, Điểu Thị Môn trở thành thuyết minh viên. 6 năm qua, Điểu Thị Môn không nhớ mình đã phải học bài thuyết minh về Khu VI bao nhiêu lần, nghiên cứu, đọc bao nhiêu cuốn tài liệu về những sự kiện về cuộc chiến xảy ra trên chiến trường Khu VI. Nhưng có lẽ với người con gái dân tộc Mạ ấy, được trở thành người dẫn dắt những câu chuyện của quá khứ đến hòa bình trở thành niềm tự hào, niềm xúc động mỗi lần mặc trên mình chiếc áo dài đón các đoàn khách tới tham quan. “Mình may mắn được gặp thân nhân của những người liệt sĩ trong câu chuyện mà chính mình đang kể lại. Mình được nghe thêm về kỷ niệm của các ông, các chú, được đón nhận những kỷ vật mà các gia đình trao gửi lại cho Khu di tích. Như con gái của liệt sĩ Phan Văn Hược, lần đầu nhìn thấy cha mình trong hình ảnh lưu lại đây đã bật khóc để rồi hằng năm, không chỉ một mà rất nhiều lần đến thăm lại đây, lắng nghe mãi bài thuyết minh và vẫn xúc động như lần đầu tiên. Đồng thời, quyên tặng lại cho Khu di tích nhiều kỷ vật của ông. Chính những điều đó đã thôi thúc mình càng phải có trách nhiệm làm tốt công việc này đồng thời cũng cảm nhận được những sự mất mát, hi sinh để lại hòa bình tươi đẹp”, Điểu Thị Môn kể.

Điểu Thị Môn cũng giống như hầu hết những người trẻ sinh ra là lớn lên nơi vùng căn cứ cách mạng Khu VI, mang trong mình một niềm tự hào bởi hơn ai hết, họ cảm nhận được giá trị của hòa bình qua những câu chuyện kể của cha ông, những người đã sống qua những năm tháng hào hùng. Những năm qua, Huyện Đoàn Đạ Huoai cũng đã chú trọng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên thế hệ trẻ, tổ chức các đợt về nguồn, tham gia trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh Khu di tích. Để từ đó, trong mỗi đoàn viên, thanh niên lại dâng lên lòng tự hào về lịch sử hào hùng của mảnh đất Khu VI, và chính họ lại trở thành một tuyên truyền viên tham gia giới thiệu Khu di tích đến với các đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Tháng 7/2024, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng hoàn tất Công trình số hóa "địa chỉ đỏ" căn cứ kháng chiến Khu VI - Cát Tiên để giới thiệu một cách tổng quát, toàn diện về Khu căn cứ. Trong thời đại chuyển đổi số được đẩy mạnh, việc số hóa các hiện vật, di tích thông qua việc lưu trữ hình ảnh, thông tin tư liệu trong hệ thống ứng dụng công nghệ được xem là một trong những giải pháp giúp lưu giữ và bảo tồn các tài liệu, hiện vật có giá trị thuộc về lịch sử, văn hóa, theo thời gian không bị mai một. Hiện nay, nhiều đơn vị Huyện Đoàn, Thành Đoàn sử dụng công trình như một bài sinh hoạt chính trị đến với đông đảo đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.

Bà Triệu Thị Ánh Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đạ Huoai cho biết, với nhiệm vụ của đơn vị quản lý, bên cạnh công tác duy tu, bảo tồn, sửa chữa Khu di tích, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đạ Huoai cũng luôn chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên môn hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn khách vào tham quan có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, tâm huyết với nghề, có ý thức cải tiến phương pháp làm việc đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Để mỗi người khi đến với Khu di tích sẽ thấu hiểu được lịch sử, gương cán bộ, chiến sĩ, quân dân của Khu VI đã gan dạ, kiên cường bám trụ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng với quân dân cả nước lập lên những chiến công vang dội, đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/ban-tre/202504/chao-mung-50-nam-ngay-giai-phong-lam-dong-341975-342025-tuoi-tre-khu-vi-tu-hao-tiep-buoc-truyen-thong-anh-hung-2b22b63/
Zalo