Chảo lửa Trung Đông sau một năm xung đột Israel-Hamas: Những gì đã trải qua, những nỗi đau còn mãi

Đã một năm trôi qua kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023, làm bùng nổ cuộc chiến ở Dải Gaza khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc xung đột lớn hơn.

Xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza đã kéo dài tròn một năm, đẩy Trung Đông đến miệng hố của một cuộc xung đột toàn diện. (Sky News)

Xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza đã kéo dài tròn một năm, đẩy Trung Đông đến miệng hố của một cuộc xung đột toàn diện. (Sky News)

Dưới đây là một số khoảnh khắc nổi bật nhất về tình hình Trung Đông trong một năm qua, kể từ cuộc tấn công 7/10, với những căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran, cũng như tình hình nguy hiểm ở Lebanon.

Năm 2023

Hamas tấn công Israel

Vào ngày 7/10, các tay súng Hamas phát động một cuộc tấn công vào miền Nam Israel, phá hủy nhiều cộng đồng và khiến 1.200 người tử vong. Theo số liệu của Israel, khoảng 250 con tin bị đưa tới Gaza giam giữ.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, nước này đang trong tình trạng chiến tranh và ra lệnh không kích vào Gaza, đồng thời bao vây toàn bộ vùng lãnh thổ đông dân này.

Tình trạng của các con tin trở thành vấn đề trung tâm của cuộc xung đột ở dải đất ven Địa Trung Hải.

Israel tấn công Gaza

Ngày 13/10, Israel yêu cầu người dân thành phố Gaza, nơi sinh sống của hơn 1 triệu người, phải sơ tán và di chuyển về phía Nam. Cùng ngày, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tiến vào Dải Gaza trong một cuộc đột kích.

Cùng tháng 10, Israel phát động cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Gaza, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc xung đột ở vùng lãnh thổ này.

Ngừng bắn

Sau nhiều tuần giao tranh, đúng 7h sáng ngày 24/11, Israel và Hamas tuyên bố bắt đầu lệnh ngừng bắn đầu tiên của cuộc chiến, kéo dài 4 ngày, để trao đổi phụ nữ và trẻ em đang bị hai bên giam giữ, đồng thời cho phép viện trợ nhiều hơn vào Gaza.

Lệnh ngừng bắn sau đó được gia hạn thêm một tuần, giúp giải thoát 105 con tin Israel cũng như khoảng 240 người Palestine bị giam giữ. Tuy nhiên, ngày 1/12/2023, xung đột lại nổ ra khi IDF phát động cuộc tấn công trên bộ lớn đầu tiên vào ngoại ô thành phố Khan Younis, miền Nam Gaza.

Vào ngày 6/12, một cuộc không kích của Israel vào trại tị nạn Jabalia ở phía Bắc Gaza đã khiến 22 thành viên trong cùng một gia đình thiệt mạng. Hai ngày sau, Mỹ phủ quyết yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, Anh bỏ phiếu trắng.

Năm 2024

Mỹ-Anh không kích Yemen

Mỹ triển khai máy bay trong chiến dịch không kích Yemen, nhắm vào các căn cứ của Houthi hồi tháng 2. (Nguồn: Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ)

Mỹ triển khai máy bay trong chiến dịch không kích Yemen, nhắm vào các căn cứ của Houthi hồi tháng 2. (Nguồn: Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ)

Các cuộc tấn công liên tục của phiến quân Houthi ở Yemen vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ, với lý do ủng hộ Hamas trong thời gian xảy ra xung đột ở Gaza, gây ra những lo ngại lớn cho thương mại quốc tế.

Ngày 11/1, Mỹ và Anh tiến hành hàng chục cuộc không kích trên khắp Yemen để trả đũa Houthi khiến 5 chiến binh của phong trào này tử vong, càng kích thích nhón thân Iran đẩy mạnh tấn công ở Biển Đỏ.

Cùng ngày, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) nghe phiên điều trần đầu tiên về vụ kiện của Nam Phi chống lại Nhà nước Israel với cáo buộc tội diệt chủng nhằm vào người Palestine, song Israel phủ nhận.

Đại sứ quán Iran ở Syria bị tấn công

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran bùng phát vào ngày 1/4, khi Khu phức hợp Đại sứ quán Iran ở Damascus, Syria, bị tấn công, khiến một sỹ quan và một tướng cấp cao của nước Cộng hòa Hồi giáo thiệt mạng.

Iran cáo buộc Israel tiến hành cuộc tấn công và đã trả đũa bằng việc phóng hàng chục tên lửa cùng máy bay không người lái (UAV) vào nước này hôm 13/4, nhưng phần lớn đều bị đánh chặn. Israel đáp trả bằng cách tấn công một số mục tiêu ở Iran.

Cũng trong tháng 4, hàng chục ngàn người tham gia biểu tình chống chính phủ tại Israel, thúc giục Thủ tướng Netanyahu đạt được thỏa thuận ngừng bắn để thả con tin. Sự kiện này diễn ra sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ khác.

Đàm phán không kết quả

Đầu tháng 5, cộng đồng quốc tế đổ dồn sự chú ý vào các cuộc đàm phán tại thủ đô Cairo của Ai Cập nhằm mục đích khiến Israel và Hamas đồng ý các điều khoản ngừng bắn.

Hy vọng về bước đột phá khi Hamas tuyên bố chấp nhận lệnh ngừng bắn do Ai Cập và Qatar đề xuất đã bị dập tắt sau khi một quan chức Israel gọi đó là "thủ đoạn".

Cuối tháng 5, quân đội Israel tuyên bố tiến hành không kích vào thành phố Rafah, nơi cư trú của 1,5 triệu người. Một cuộc không kích sau tuyên bố trên đã khiến 45 người tử vong, "hầu hết" là phụ nữ và trẻ em.

Ông Netanyahu cho biết đó là một "sai lầm bi thảm", trong khi người đứng đầu cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine nói rằng, thành phố đã trở thành "địa ngục trần gian" sau cuộc không kích chết người ở đó.

Chính sách định cư của Israel

Vào ngày 19/7, một hội đồng gồm 15 thẩm phán từ khắp nơi trên thế giới cho biết, "việc Israel di chuyển những người định cư đến Bờ Tây và Jerusalem, cũng như việc Israel duy trì sự hiện diện của họ" là "trái với điều 49 của Công ước Geneva lần thứ tư".

Tòa án tuyên bố Israel phải chấm dứt ngay việc xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Thủ tướng Netanyahu thăm Mỹ

Phó Thủ tướng Mỹ Kamala Harris (phải), cũng là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Washington D.C, ngày 25/7. (Nguồn: Reuters)

Phó Thủ tướng Mỹ Kamala Harris (phải), cũng là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Washington D.C, ngày 25/7. (Nguồn: Reuters)

Trong chuyến thăm vào cuối tháng 7, Thủ tướng Israel có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ khẳng định, việc Washington tiếp tục hỗ trợ quân sự Israel sẽ giúp nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Gaza và ngăn chặn nguy cơ lan rộng tại Trung Đông.

Theo ông Netanyahu, Israel đang nỗ lực để giải cứu các con tin bị lực lượng Hamas giam giữ, đồng thời nhấn mạnh tầm nhìn về một Gaza “phi quân sự hóa và phi cực đoan hóa”.

Trong khi đó, các ứng cử viên tổng thống Mỹ là Donald Trump và Kamala Harris đều kêu gọi nhanh chóng chấm dứt giao tranh và giải cứu con tin.

Bà Harris đã gây sức ép mạnh mẽ đối với Thủ tướng Netanyahu về tình hình nhân đạo tại Dải Gaza, dù nhấn mạnh “Israel có quyền tự vệ”.

Căng thẳng Israel-Hezbollah leo thang

Một cuộc không kích sân bóng đá ở Majdal Shams ở Cao nguyên Golan hôm 27/7 đã khiến 12 trẻ em thiệt mạng. Israel cáo buộc Hezbollah gây ra vụ việc, trong khi phong trào thân Iran này phủ nhận có bất kỳ vai trò nào trong vụ tấn công.

IDF sau đó thực hiện cuộc tấn công trả đũa và giết chết Fuad Shukr, một chỉ huy cấp cao của Hezbollah mà Israel cho là chịu trách nhiệm cho vụ tấn công Majdal Shams.

IDF và Hezbollah tiếp tục thực hiện không kích nhằm vào các mục tiêu của nhau trên lãnh thổ Israel và Lebanon trong suốt tháng 8.

Lãnh đạo Hamas bị giết

Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị giết ngày 31/7 là sự kiện chấn động trong cuộc xung đột ở Trung Đông. (Nguồn: Rueuters)

Thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị giết ngày 31/7 là sự kiện chấn động trong cuộc xung đột ở Trung Đông. (Nguồn: Rueuters)

Ngày 31/7, trong một sự kiện chấn động, thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh đã bị ám sát ở Iran. Hamas cho hay, ông Haniyeh tử vong trong một cuộc không kích và cáo buộc Israel là thủ phạm.

Hamas sau đó bổ nhiệm ông Yahya Sinwar làm thủ lĩnh mới. Hamas cùng Hezbollah và Iran tuyên bố sẽ trả đũa việc ông Haniyeh bị sát hại.

Máy nhắn tin và bộ đàm phát nổ

Vào ngày 17/9, hàng loạt vụ nổ máy nhắn tin, thiết bị liên lạc được các thành viên Hezbollah sử dụng, trên khắp Lebanon đã giết chết 12 người và làm bị thương gần 3.000 người, gây chấn động khắp khu vực.

Chưa đầy 24 giờ sau, một loạt vụ nổ tương tự xảy ra trên các bộ đàm mà Hezbollah sử dụng. Israel bị cáo buộc đứng sau các vụ tấn công này song nước này không lên tiếng.

Thủ lĩnh Hezbollah bị giết

Trong khi Hezbollah còn đang choáng váng vì các vụ nổ thiết bị liên lạc, Israel lại tấn công thủ đô Beirut của Lebanon và giết chết thủ lĩnh nhóm chiến binh này Hassan Nasrallah .

Vào cuối tháng 9, xe tăng của IDF xuất hiện ở biên giới Israel-Lebanon.

Israel tấn công Lebanon, Iran tấn công Israel

Vào ngày 30/9, quân đội Israel vượt biên giới vào Lebanon. Israel tuyên bố tiến hành chiến dịch “tấn công trên bộ có giới hạn, cục bộ và có mục tiêu" nhằm vào Hezbollah - bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn từ các đồng minh của nhóm này.

Vào ngày 1/10, Iran phóng gần 200 tên lửa vào Israel nhằm trả đũa hàng loạt vụ sát hại các thủ lĩnh Hamas, Hezbollah và tướng quân đội Iran thời gian qua. Hai bên ra tuyên bố trái ngược về kết quả của cuộc tấn công.

* Trong xung đột Israel-Hamas, hơn 1.200 người Israel đã thiệt mạng và 97 trong số 250 con tin bị đưa đến Gaza vẫn còn ở đó.

Trong khi đó, hơn 41.000 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 96.000 người bị thương. Vào tháng 8, IDF ước tính hơn 17.000 người thiệt mạng là chiến binh Hamas.

* Tại Bờ Tây, hơn 700 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương.

* Trong xung đột Israel - Hezbollah, Bộ Y tế Lebanon cho biết, gần 2.000 công dân của họ đã thiệt mạng, chủ yếu là kể từ khi Israel tăng cường tấn công. IDF cho biết 250 chiến binh Hezbollah đã thiệt mạng.

Tính đến ngày 20/9, 28 người Israel đã thiệt mạng do các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hezbollah.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chao-lua-trung-dong-sau-mot-nam-xung-dot-israel-hamas-nhung-gi-da-trai-qua-nhung-noi-dau-con-mai-289032.html
Zalo