Chảo lửa Trung Đông gia tăng nhiệt, quốc tế gấp gáp ứng phó
Cộng đồng quốc tế vẫn ra sức kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông, đồng thời gấp rút sơ tán công dân ra khỏi khu vực nhanh nhất có thể. Sau các tuyên bố sát cánh cùng Israel của các đồng minh phương Tây, Pháp đã ngay lập tức điều động thêm lực lượng tới khu vực, với tuyên bố chống lại mối đe dọa từ Iran.
Quốc tế đang theo sát mọi diễn biến tại chảo lửa Trung Đông sau vụ Iran phóng gần 200 tên lửa vào Israel để trả đũa cho việc các thủ lĩnh cao nhất của phong trào Hamas (Palestine), Hezbollah của Lebanon và các chỉ huy của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran bị Israel sát hại.
Nội bộ Israel ủng hộ một hành động quân sự mạnh mẽ với Iran nhằm gửi một thông điệp cứng rắn tới toàn bộ trục kháng chiến thân Iran. Truyền thông Mỹ loan tin, Israel có thể tiến hành một cuộc trả đũa Iran “đáng kể” trong vài ngày tới, nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ và các địa điểm chiến lược khác của Iran, ám chỉ các cơ sở làm giàu Urani.
Căng thẳng Trung Đông tiếp tục leo thang khi lực lượng Houthi tại Yemen, thân Iran, trưa nay tuyên bố đã tấn công Israel bằng tên lửa hành trình. Người phát ngôn Houthi Yahya Sarea cho biết: “Lực lượng tên lửa của Houthi đã thực hiện một chiến dịch quân sự nhắm vào các địa điểm quân sự sâu bên trong Israel, với ba tên lửa hành trình Quds 5. Các tên lửa đã có thể tiếp cận thành công mục tiêu, nhưng Israel giữ bí mật kết quả của chiến dịch”.
Trong bối cảnh đó, lực lượng Israel vẫn tiếp tục các chiến dịch trên bộ tại miền Nam Lebanon, với việc điều các đơn vị bộ binh và thiết giáp chính quy tham gia. Theo quân đội Israel, các hoạt động trên bộ tại Lebanon chủ yếu nhằm phá hủy các đường hầm và cơ sở hạ tầng của Hezbollah gần biên giới và Israel không có kế hoạch mở rộng quy mô vào thủ đô Beirut và các thành phố lớn khác ở miền Nam Lebanon. Giao tranh giữa hai bên vẫn đang xảy ra, với những thiệt hại chưa được báo cáo.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi hôm nay (2/10) tuyên bố, Iran đã thực hiện hành động tự vệ khi tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel (Israel) và hành động của nước này sẽ kết thúc trừ khi Israel quyết định trả đũa thêm.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Iran đưa ra sau khi nước này phóng hơn 200 tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh nhằm vào Israel, để trả đũa cho vụ giết hại thủ lĩnh của các nhóm vũ trang trong “Trục kháng chiến”.
Ông Araqchi cho biết, hành động của Iran chống lại Israel được đưa ra sau khi nước này đã thực hiện sự kiềm chế để tạo điều kiện cho thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và hành động này sẽ kết thúc nếu Israel quyết định không tiến hành biện pháp trả đũa tiếp theo, đồng thời cảnh báo việc Israel trả đũa sẽ khiến Iran có phản ứng mạnh mẽ hơn.
Ngoại trưởng Iran cũng cho biết, nước này đã thông qua Thụy Sĩ để đưa ra thông báo yêu cầu Mỹ không can thiệp sau cuộc tấn công vào Israel. Ông Araqchi cũng đánh giá có khả năng xảy ra xung đột, nhưng các lực lượng của Iran đã được chuẩn bị đầy đủ, đồng thời hy vọng sẽ chứng kiến sự ổn định dần dần trong khu vực trong những ngày tới.
Trong khi đó, hãng tin Axios dẫn lời các quan chức Israel cho biết, Israel sẽ tiến hành “đòn trả đũa đáng kể” trong những ngày tới đối với cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran, mục tiêu có thể là các cơ sở sản xuất dầu mỏ của nước này.
Tình hình dự báo còn tiếp tục căng
Dự báo căng thẳng ở Trung Đông sẽ còn leo thang trong những ngày tới. Trước những diễn biến đó, nhiều nước trên thế giới đẩy nhanh việc sơ tán công dân khỏi khu vực.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm nay kêu gọi các bên ở Trung Đông kiềm chế, để tránh cuộc xung đột lan rộng. Nước này cũng khuyến cáo công dân của mình tránh mọi chuyến đi không cần thiết đến Iran.
Phía Trung Quốc hôm nay cũng thông báo sơ tán được 200 công dân nước này tại Lebanon.
Cùng ngày, Hàn Quốc và Tây Ban Nha cũng điều các máy bay quân sự tới Lebanon để sơ tán công dân về nước. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các công dân phải rời Lebanon và Israel bằng mọi cách có thể. Đích thân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ra lệnh điều máy bay quân sự tới Israel và một số nơi ở Trung Đông để sơ tán công dân. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đã gặp các cố vấn an ninh và kinh tế quốc gia để chuẩn bị các kịch bản ứng phó, từ vấn đề năng lượng, thương mại đến chuỗi cung ứng của nước này: “Sự an toàn của Trung Đông có liên quan trực tiếp đến giá dầu quốc tế và có tác động đáng kể đến nguồn cung năng lượng và chuỗi cung ứng của Hàn Quốc. Chúng ta cần phân tích toàn diện những tác động tiềm tàng của tình hình bất ổn ở Trung Đông đối với nền kinh tế và thực hiện các biện pháp ứng phó một cách chủ động”.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang làm việc với 20 quốc gia để hỗ trợ một cuộc di tản quy mô lớn có thể sắp xảy ra. Pháp hôm nay tuyên bố sẽ gửi thêm nguồn lực quân sự đến Trung Đông để giải quyết mối đe dọa từ Iran, đồng thời yêu cầu một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cả Đức và Pháp yêu cầu Iran và nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon ngừng các cuộc tấn công Israel, để tránh tình hình leo thang. Cùng với Mỹ, Đức và Pháp cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn tạm thời của Israel tại Lebanon, đồng thời mong muốn các nước trong khu vực đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao để giúp các bên hạ nhiệt căng thẳng.
Giá xăng dầu tăng vọt sau khi Iran phóng tên lửa vào Israel
Giá dầu thế giới đã tăng khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày 1/10, sau khi Iran phóng một loạt tên lửa tấn công Israel.
Hôm nay (2/10), giá dầu thô tăng vọt do lo ngại nguồn cung dầu sẽ bị ảnh hưởng. Tâm lý này sẽ chi phối hoạt động giao dịch sau khi Iran phóng một loạt tên lửa tấn công Israel hôm 1/10.
Khép lại phiên giao dịch ngày 1/10, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,6%, lên mức 73,56 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,4%, lên mức 69,83 USD/thùng. Trước đó, cũng trong phiên giao dịch này, cả hai loại dầu thô trên đều có thời điểm tăng hơn 5%.
Trong bối cảnh cuộc xung đột Trung Đông vẫn đang diễn biến phức tạp, các nhà phân tích tin rằng giá dầu có thể tăng thêm nếu căng thẳng địa chính trị leo thang.
Ông Tamas Varga, chuyên gia phân tích của công ty môi giới và tư vấn PVM, cho rằng trong trường hợp leo thang căng thẳng, có thể sẽ xảy ra các cuộc tấn công vào các nước sản xuất dầu ở Trung Đông như Saudi Arabia. Chuyên gia này cho biết thị trường đang thực sự lo ngại rằng nguồn cung dầu sẽ bị ảnh hưởng, và tâm lý này sẽ chi phối hoạt động giao dịch cho đến khi tình hình sáng sủa hơn.
Hiện thị trường đang theo dõi cuộc họp trực tuyến sắp tới của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh hay còn gọi là nhóm OPEC+. Bắt đầu từ tháng 12 tới, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày.