Chanh leo nhận 'vé thông hành' tại thị trường tỷ dân
Sau hơn 2 năm thí điểm nhập khẩu, giữa tháng 4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc.
Cần đáp ứng điều kiện nghiêm ngặt an toàn thực phẩm
Năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nay là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã khởi động quá trình đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.

Việt Nam đang là một trong những nước trồng nhiều chanh leo nhất thế giới
Sau gần 6 năm, hai bên đã phối hợp tích cực để xúc tiến quá trình phân tích nguy cơ dịch hại và trao đổi thông tin đi đến thống nhất về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo nhập khẩu vào Trung Quốc. Đến năm 2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã có văn bản đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 7/2022.
Đến giữa tháng 4/2025, chanh leo chính thức được ký Nghị định thư xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho hay, điều kiện để xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc khá nghiêm ngặt.
Theo đó, tất cả các vùng trồng cũng như các cơ sở đóng gói chanh leo nếu muốn xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và được cả Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.
Dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện vệ sinh như duy trì tốt môi trường sản xuất tốt cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng. Phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại thường xuyên, phòng trừ bằng biện pháp vật lý, hóa học hoặc sinh học và các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát sinh vật gây hại khác.
Theo Tiêu chuẩn quốc tế số 6 về các biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM 6), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài là đối tượng kiểm dịch thực vật tại vùng trồng mà Trung Quốc quan tâm (trong suốt vụ sản xuất chanh leo.
Để giám sát và thu thập sinh vật gây hại, ngoài biện pháp kiểm tra bằng mắt thường, sẽ áp dụng một số biện pháp hóa - lý tại vùng trồng như: sử dụng bẫy pheromone hoặc bẫy dính màu vàng để giám sát ruồi đục quả (Bactrocera correcta,), rệp sáp (Planococcus minor, Pseudococcus longispinus) trên quả, cành, thân và lá. Nếu phát hiện triệu chứng bệnh (Lasiodiplodia theobromae và Globisporangium splendens) thì phải lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm để giám định.
Nếu phát hiện các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm, phải áp dụng ngay các biện pháp phòng trừ. Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho Tổng cục Hải quan khi có yêu cầu.
Không chỉ vùng trồng, cơ sở đóng gói chanh leo xuất khẩu cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Theo đó, phải có nền cứng sạch sẽ, vệ sinh, có khu vực chứa nguyên liệu và kho thành phẩm. Các cơ sở đóng gói đã đăng ký phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo rằng chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc có thể được truy xuất ngược tới các vùng trồng đã đăng ký, bao gồm hồ sơ về ngày chế biến và đóng gói, tên vùng trồng hoặc mã số, khối lượng nhập nguyên liệu, ngày xuất khẩu, khối lượng xuất khẩu, nước đến, số container và các thông tin khác;…
Trong quá trình đóng gói, chanh leo phải được lựa chọn, phân loại và làm sạch để loại bỏ những quả bị bệnh, côn trùng, những quả, lá, thân hoặc các tàn dư thực vật khác bị thối, biến dạng, sau đó làm sạch bề mặt quả bằng súng hơi hoặc súng nước áp suất cao...
Vật liệu đóng gói chanh leo phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh và sức khỏe cây trồng của Trung Quốc. Vật liệu đóng gói bằng gỗ phải tuân thủ Tiêu chuẩn quốc tế số 15 về các biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM 15). Nếu cần bảo quản, ngay sau khi đóng gói, chanh leo phải được bảo quản trong kho chứa riêng biệt để ngăn ngừa lây nhiễm sinh vật gây hại.
Trên mỗi hộp phải dán nhãn bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh, gồm tên quả, giống, nước xuất khẩu, nơi sản xuất, tên hoặc mã số vùng trồng, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói...
Trong năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư này có hiệu lực, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Nếu trong năm đầu tiên này không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật, tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.
Nếu phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong một số trường hợp, vùng trồng hoặc/và cơ sở đóng gói liên quan sẽ không được xuất khẩu chanh leo sang Trung Quốc trong thời gian còn lại của mùa vụ. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả. Đồng thời, hồ sơ về trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật phải được lưu giữ và cung cấp theo yêu cầu của Hải quan Trung Quốc.
Sau khi hoàn tất công tác kiểm dịch, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho lô hàng đã được phê duyệt theo Tiêu chuẩn quốc tế số 12 về các biện pháp kiểm dịch thực vật (ISPM 12), trong đó ghi tên đăng ký hoặc mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói….
Sản xuất theo chuỗi, đáp ứng yêu cầu về chất
Những năm gần đây, Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chanh leo, trong đó tập trung vào 2 giống chanh leo vàng và chanh leo tím. Thổ nhưỡng đã giúp chanh leo trồng tại Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới và được người tiêu dùng tại các thị trường ẩm thực khắt khe yêu thích. Việt Nam đang là một trong những nước trồng nhiều chanh leo nhất thế giới.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu chanh leo đạt trên 44,3 triệu USD. Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho biết, chanh leo Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm nhiều thị trường “khó tính” như Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp.. dưới nhiều dạng như quả tươi, đông lạnh, nước ép.
Diện tích trồng chanh leo tại nước ta đang ngày càng có xu hướng tăng, với diện tích hơn 12.000 ha, tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc. Hiện chanh leo cũng được nhiều tỉnh Tây Nguyên quan tâm, mở rộng diện tích.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp thu mua chế biến cũng tích cực tham gia chuỗi giá trị khép kín, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc quả chanh leo, đảm bảo tiêu chí xuất khẩu. Việc ký Nghị định thư với Hải quan Trung Quốc mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng sản xuất, xuất khẩu chanh leo vào thị trường tỷ dân này.
“Kỳ vọng, sau khi ký Nghị định thư, xuất khẩu chanh leo sẽ tăng gấp đôi so với thời gian trước đó, từ đó, góp phần bổ sung vào tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Hiện, thị trường thế giới đang có nhu cầu cao nên 80% sản lượng chanh leo tươi và chế biến của nước ta đã được xuất khẩu. Theo đó, Việt Nam nằm trong Top các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru.