Chánh án TAND tối cao: 'Có tòa án mang ti vi ở nhà lên để xét xử'
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, 1 khó khăn lớn trong xét xử trực tuyến là kinh phí, có tòa án phải mang ti vi ở nhà lên để xét xử.
"Có tòa án mang ti vi ở nhà lên để xét xử"
Sáng nay (20/3), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình là người trả lời.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn tỉnh Bắc Kạn) đặt câu hỏi về những khó khăn, giải pháp liên quan đến tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021, TAND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; đồng thời tổ chức tập huấn, yêu cầu các địa phương có phiên tòa trực tuyến mẫu để các thẩm phán nghiên cứu.
Tính đến nay, có tổng cộng 647 tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 5.404 vụ án (hình sự 4.379 vụ; dân sự 220 vụ; hành chính 342 vụ; hôn nhân và gia đình 97 vụ; lao động, kinh doanh thương mại 13 vụ; các loại vụ việc khác 353 vụ).
Ông Bình đánh giá việc xét xử trực tuyến có rất nhiều tác dụng như đảm bảo công lý thực thi không chậm trễ; những người ở xa, ở nước ngoài, bị bệnh… vẫn có thể tham gia phiên tòa.
Đặc biệt, xét xử trực tuyến giúp tiết kiệm cho xã hội rất lớn, nhất là những vụ án hình sự phải dẫn giải bị can, bị cáo trên quãng đường dài.
Về khó khăn đang gặp, Chánh án TAND tối cao cho hay một trong những vấn đề lớn nhất là kinh phí. Hiện, các tòa đã tổ chức trực tuyến đều tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, "có tòa án mang ti vi ở nhà lên để xét xử".
Ngoài ra, trong các vụ án hình sự, không chỉ phía tòa án mà các trại giam cũng chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ việc xét xử trực tuyến.
Để khắc phục, TAND tối cao đã đề xuất Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến.
"Rất mong Quốc hội sớm phê duyệt", ông Bình bày tỏ.
Cùng với đó, ngành tòa án sẽ đẩy mạng công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng điều hành các phiên xử trực tuyến.
Tăng cường giám sát để ngăn việc tẩu tán tài sản tham nhũng
Trả lời làm rõ một số nội dung tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết về việc thu hồi tài sản để phục vụ công tác thi hành án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Ông Long khẳng định đây là trọng tâm, nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra trong ngành tư pháp. Với việc tổng hợp nhiều giải pháp, ông Long cho biết công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thời gian qua khá tích cực.
“5 tháng đầu năm 2023 (năm báo cáo thi hành án dân sự tính từ tháng 10/2022), các cơ quan đã thu hồi được trên 17.000 tỷ đồng. Xét số lượng tuyệt đối thì tăng gần 12.000 tỷ so với năm 2022”, ông Long cho biết.
Dù vậy, Bộ trưởng Tư pháp thừa nhận còn nhiều vấn đề tồn tại. Về khách quan, ông cho biết có khó khăn trong bản thân vụ án như số lượng tài sản trong hầu hết vụ án lớn, nằm rải rác trên phạm vi cả nước.
Nguồn gốc, tính pháp lý nhiều tài sản được kê biên phức tạp, mất nhiều thời gian cần xác minh, làm rõ; việc xác định tài sản ngay tình, tài sản chung - riêng còn khó khăn.
Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Tư pháp cho biết sẽ tiếp tục bám sát, thực hiện tốt các chỉ đạo về thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế; phối hợp cơ quan tiến hành tố tụng trong việc này và tập trung các vụ án lớn được dư luận xã hội quan tâm, Ông cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan dân cử, đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát.
"Nếu chúng ta có nhiều mắt tập trung vào đây thì việc tẩu tán và giấu tài sản tham nhũng sẽ giảm đi", ông Long nói.