Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải thích quy định cấm ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

Quy định về tác nghiệp của báo chí tại tòa nhằm bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho việc xét xử, chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp.

Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nói như trên khi hồi âm quan tâm của đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi (Dự thảo), chiều 26/3.

Khoản 3 Điều 141 Dự thảo Luật quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp…

Báo cáo của Thường trực Ủy ban Tư pháp phản ánh có ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo Luật là hẹp hơn quy định của luật tố tụng hiện hành, chưa thuận lợi cho tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa (việc ghi âm, ghi hình phần xét hỏi, tranh tụng của phiên tòa phải thông qua Tòa án). Do đó, đề nghị quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa như quy định của luật tố tụng hiện hành.

Cho biết sẽ bàn thêm với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về nội dung này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: “Chúng tôi không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan truyền thông về vụ án, chúng tôi chỉ điều chỉnh trong phiên tòa xét xử. Ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào, đó là việc của truyền thông, chúng tôi không ngăn cản, không điều chỉnh”.

Ông Bình cũng nói thêm là cả thế giới làm việc như thế. Việc tổ chức phiên tòa do tòa thực hiện, phải đảm bảo 3 yêu cầu: đúng luật; bảo đảm chất lượng; bảo đảm trang nghiêm, nghiêm túc.

Để thực hiện được 3 yêu cầu này, Chánh án khẳng định “tòa phải quy định việc tuyền thông. Nếu tổ chức phiên tòa mà vi phạm quyền con người là tòa vi phạm. Còn ra khỏi phòng xét xử, ra ngoài phiên tòa, truyền thông thế nào cũng được, chúng tôi không điều chỉnh”.

Giờ vụ án ly hôn, ra trước tòa, chồng nói thế này, vợ nói thế kia, toàn bộ việc đó ghi âm, ghi hình rồi đưa lên mạng, như thế rất phức tạp, xâm phạm đến quyền con người. Họ cũng không muốn cho thế giới biết họ có bao nhiêu tài sản, lý do vì sao phải ly hôn, rất nhiều nội dung nhạy cảm, kể cả người phạm tội cũng vậy, ông Bình giải thích.

Theo Chánh án, để bảo đảm chất lượng phiên tòa, thế gới không cho truyền thông ghi âm, ghi hình. “Lúc xét xử, Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ cho vụ án, cứ chĩa máy quay vào mặt người ta, người ta bị phân tán. Vào lúc cần đưa ra quyết định sáng suốt nhất thì người ta lại bị chĩa máy quay vào, phải nở nụ cười. Bản thân hội đồng xét xử, kiểm sát viên, điều tra viên họ cũng không muốn hình ảnh đưa lên truyền thông bị xấu, khi suy nghĩ, khuôn mặt phải đăm chiêu, nhíu mày chứ không phải lúc nào cũng nở nụ cười được”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu.

Ông Bình nói thêm, quy định này nhằm bảo đảm các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung cao nhất cho việc xét xử, chứ không phải để làm hình ảnh trước truyền thông.

“Truyền hình, ghi âm, livestream, công nghệ rất nhiều, truyền hình muốn lấy góc máy đẹp nhất thì phải xách máy đi chỗ nọ chỗ kia, như vậy ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của phiên tòa”, Chánh án nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Chánh án cho biết sẽ quy định tòa án sẽ ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ, việc này được lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sử dụng tài liệu được ghi âm, ghi hình đó phải bảo đảm quyền con người. Sau này viện kiểm sát giám sát thì kiểm tra trên kết quả ghi âm, ghi hình.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chanh-an-nguyen-hoa-binh-giai-thich-quy-dinh-cam-ghi-am-ghi-hinh-tai-phien-toa-d211609.html
Zalo