Chàng trai lương 6–7 triệu phân vân nhảy việc vì 'crush': Tình cảm hay sự nghiệp, nên chọn gì?

Dẫu có mức lương không quá cao, song chàng trai vẫn tiếc công việc hiện tại vì... crush.

Mới đây, một bài đăng trên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng vì phản ánh tâm lý rất thật của một chàng trai trẻ tuổi vừa mới đi làm. Với mức lương khiêm tốn 6–7 triệu đồng/tháng và công việc khó có cơ hội thăng tiến, chàng trai này đang đứng trước một quyết định lớn: nên nghỉ việc để tìm một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, hay tiếp tục ở lại chỉ vì… có cảm tình với một bạn nữ đồng nghiệp mới chuyển đến?

Bài đăng viết: "Mọi người ơi, cho em hỏi em đang làm ở một văn phòng lương chỉ khoảng 6-7 triệu và khó tăng lương. Mà có một bạn nữ mới chuyển đến ngồi gần một tháng. Em có thích bạn đó nhưng mà em không biết bạn đó có thích e không. Nhưng mà bạn không bao giờ chủ động nhắn em gì cả ý ạ. Mà giờ em con trai đang độ tuổi 24 em không biết có nên chọn nghỉ việc để tìm công việc lương cao, phát triển ok hơn. Nhưng e vẫn tiếc vì không được ngồi cùng và gặp mặt bạn đó mỗi ngày nữa".

Chàng trai phân vân có nên nhảy việc hay không. Ảnh minh họa

Chàng trai phân vân có nên nhảy việc hay không. Ảnh minh họa

Bên dưới bài đăng, đa phần bình luận đều khuyên chàng trai nên ưu tiên phát triển bản thân trước thay vì bám vào một cảm xúc mơ hồ:

“Mình khuyên bạn với mức lương như vậy thì tạm thời không nên tán gái. Nên tập trung lo sự nghiệp trước, vì mình thấy hiện tại bạn cũng chưa có tiến triển gì trong mối quan hệ này cả.”

“Mới 24 tuổi, bỏ qua cảm xúc đó đi. Phát triển bản thân, thu nhập cao hơn sẽ cho bạn cảm giác tốt hơn nhiều!”

“Bạn đang làm ngành gì, có học hỏi được gì không? Mình nghĩ bạn cũng đang thiếu tự tin vì lương thấp mà lại đi tán gái. Bỏ đi, vì khả năng hỏng là cao. Trừ khi cô ấy có ý gì đó đặc biệt với bạn.”

Làm sao để tăng thu nhập khi đang ở mức lương 6–7 triệu?

Với mức lương 6–7 triệu/tháng, nhiều người trẻ rơi vào tình trạng chật vật với các chi phí sinh hoạt cơ bản như tiền trọ, ăn uống, đi lại, chưa kể khoản tiết kiệm gần như bằng 0. Để thoát khỏi vòng lặp này, việc tăng thu nhập là lựa chọn bắt buộc – nhưng không thể làm theo cảm tính, mà cần có chiến lược cụ thể, phù hợp với năng lực và thời điểm.

1. Xác định rõ giá trị và thế mạnh của bản thân

Trước khi nghĩ đến chuyện nhảy việc hay tìm công việc lương cao hơn, bạn cần hiểu mình đang có gì trong tay:

- Kỹ năng chuyên môn: Bạn đang giỏi điều gì? Làm tốt việc gì hơn người khác?

- Kỹ năng mềm: Khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, làm việc nhóm... có điểm mạnh nào nổi bật?

- Mạng lưới quan hệ: Bạn có đang kết nối với những người có thể giúp bạn tìm việc hoặc giới thiệu cơ hội?

- Kinh nghiệm làm việc: Bạn đã tích lũy được gì? Có thể thể hiện điều đó ra sao trong CV hay phỏng vấn?

Việc trả lời trung thực những câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định được vị trí của bản thân trên thị trường lao động, từ đó chọn được hướng đi phù hợp.

Trước khi nghĩ đến chuyện nhảy việc, bạn cần hiểu rõ về bản thân. Ảnh minh họa

Trước khi nghĩ đến chuyện nhảy việc, bạn cần hiểu rõ về bản thân. Ảnh minh họa

2. Tìm cách nâng cấp bản thân thay vì đợi tăng lương

Trong bối cảnh cạnh tranh cao và mức lương không dễ cải thiện, việc trông đợi vào sự công nhận từ công ty là chưa đủ. Nếu muốn có thu nhập tốt hơn, bạn cần chủ động học hỏi để nâng cao kỹ năng, từ đó mở ra nhiều lựa chọn công việc hơn.

Bạn không cần phải đầu tư quá nhiều tiền ngay lập tức. Hiện nay có rất nhiều tài liệu học miễn phí hoặc chi phí thấp trên nền tảng trực tuyến, phù hợp cho người mới bắt đầu. Mỗi ngày chỉ cần dành 30–60 phút đều đặn để học và luyện tập, sau vài tháng bạn đã có thể nâng cấp năng lực rõ rệt.

Điều quan trọng là bạn cần kiên trì và có mục tiêu rõ ràng. Đầu tư vào kiến thức không đem lại kết quả ngay, nhưng về lâu dài sẽ là bước đệm vững chắc để bạn tăng thu nhập và tự tin hơn trong sự nghiệp.

3. Tiết kiệm thông minh, tạo quỹ đầu tư nhỏ

Dù thu nhập thấp, việc tiết kiệm vẫn không nên bỏ qua. Hãy áp dụng nguyên tắc đơn giản như:

- Trích 10–20% lương mỗi tháng cho tiết kiệm trước khi tiêu

- Gửi vào tài khoản riêng không đụng đến

Khi có từ 10 triệu trở lên, có thể học cách đầu tư cơ bản (gửi tiết kiệm, đầu tư quỹ mở, hoặc học chứng khoán nếu hiểu rõ)

Mục tiêu là xây dựng được một khoản quỹ dự phòng tối thiểu từ 2–3 tháng sinh hoạt phí để sẵn sàng cho những bước ngoặt lớn như nhảy việc, đi học lại, chuyển ngành,…

Vân Anh - CTV

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/kinh-doanh/chang-trai-luong-6-7-trieu-phan-van-nhay-viec-vi-crush-202507111822074899.html
Zalo