Chàng trai Đức xúc động lần đầu được thắp hương ngày Tết Thanh minh
Sống nhiều năm ở Việt Nam nhưng năm nay là lần đầu anh Bjorn Wilke được tận tay thắp nén hương trong ngày Tết Thanh minh để hiểu hết ý nghĩa của ngày này.
Vượt quãng đường hơn 60km từ Hà Nội, mới sáng sớm anh Bjorn Wilke (27 tuổi) người Đức đã cùng gia đình vợ có mặt tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên – Hòa Bình.
Chứng kiến cảnh người người về đây thắp hương cho ông bà tổ tiên và người đã khuất trong ngày thay cho những lời tri ân sâu sắc, anh Bjorn Wilke không ngại việc xắn tay cùng nhổ cỏ trên những nấm mộ, chuẩn bị hương lễ cho người đã khuất trong tâm trạng tri ân và xúc động.
“Người Đức không có tục lệ này, đây là lần đầu tôi được thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên trong không khí rất xúc động. Tôi thấy đây là truyền thống tốt đẹp, rất đáng lưu giữ của người Việt”, anh Bjorn Wilke chia sẻ.
Theo lời kể của người nhà, anh Bjorn Wilke đã có nhiều năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam và càng có duyên hơn khi mới đây anh cưới vợ là người Việt. Vì thế, tuy không xa lạ gì với văn hóa người Việt nhưng đây là lần đầu tiên anh được sống trong không khí của ngày Tết Thanh minh khi theo gia đình vợ lên nghĩa trang thắp hương cho ông bà, tổ tiên và tưởng nhớ người đã khuất.
“Đây là một trải nghiệm độc đáo, cho thấy sự kết nối tình cảm trong gia đình. Tất nhiên tôi rất muốn tham gia những ngày lễ như thế này để hiểu rõ hơn văn hóa của Việt Nam”, Bjorn Wilke cho hay.
Chứng kiến những nén hương thành tâm của con cháu tưởng nhớ gia tiên chàng trai người Đức cho hay, anh sẽ kể lại cho bạn bè anh ở Đức và các nước khác về những truyền thống tốt đẹp này của người Việt.
Không chỉ gia đình anh Bjorn Wilke, những ngày này Lạc Hồng Viên còn đón tiếp nhiều gia đình khác từ Hà Nội lên đây tảo mộ, thắp hương.
Bùi ngùi xúc động trước nấm mồ của cháu ngoại, bà Phạm Thái An (số 229 phố Vọng, phường Đồng Tâm, Hà Nội) cho biết, bà lên đây từ 6 giờ sáng để chuẩn bị đồ lễ thắp hương cho cháu ngoại.
Không giấu được nỗi nhớ nhung, xúc động về cháu nhỏ bà cho hay, cháu bà mất khi mới được 27 tuần tuổi trong đợt Covid-19 vừa qua.
“Đây vốn là phần đất vợ chồng bà chuẩn bị trước cho mình. Nhưng vì cháu ngoại không may mất sớm nên ông bà đưa cháu về đây như một cách để bày tỏ tình cảm thiêng liêng dành cho cháu”, bà An xúc động.
Sự ra đi bất ngờ của cháu tuy đến nay đã là giỗ đầu nhưng luôn khiến bà An không khỏi nhớ nhung nên không chỉ những dịp quan trọng như Tết Thanh minh mà vào những dịp cuối tuần bà cũng thường xuyên có mặt tại đây để được tận tay chăm sóc nấm mồ cho cháu, vơi đi những nhớ thương.
Không chỉ gia đình anh Bjorn Wilke, bà An những ngày này Lạc Hồng Viên luôn đông đúc cảnh người thân lên hương khói, tảo mộ. Quảng đường đi dù xa xôi kèm chút gió lạnh cuối mùa khó chịu nhưng ai ai cũng háo hức, mong ngóng khi được “gặp lại” người thân sau những ngày cách biệt.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, Tết Thanh minh năm nay không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà diễn ra trong vòng 15 ngày. Đây là dịp mà các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau. Quan trọng nhất, qua đó, các thế hệ trẻ biết công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Cũng theo chia sẻ của Trụ trì chùa Kim Sơn, ngoài việc sắm lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng gia đình, đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh cần hơn hết là sự thành tâm.
“Lễ vật có hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối. Tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh phù hợp, nhưng nhà chùa khuyên người dân tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong Tết Thanh minh”, Đại đức Thích Trí Thịnh nói.