Chàng sinh viên 'vẽ' cờ Tổ quốc từ 30 giấy chứng nhận hiến máu

Khiếm khuyết một tay, chàng sinh viên ở một trường đại học tại Thái Nguyên đã dùng 30 giấy chứng nhận hiến máu của mình để 'vẽ' thành lá cờ Tổ quốc, nhằm chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

 Sinh viên Nguyễn Phúc Đức bên cạnh lá cờ Tổ quốc được "vẽ" từ giấy chứng nhận hiến máu của mình.

Sinh viên Nguyễn Phúc Đức bên cạnh lá cờ Tổ quốc được "vẽ" từ giấy chứng nhận hiến máu của mình.

Vẽ cờ Tổ quốc từ 30 giấy chứng nhận hiến máu

Trong một lần tình cờ lướt mạng xã hội, Nguyễn Phúc Đức (SN 1997, sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên) thấy nói về các bạn thanh niên vận động hiến máu dùng giấy chứng nhận hiến máu của mình để cùng nhau xếp thành lá cờ Tổ quốc.

Cũng là một thanh niên tham gia vận động hiến máu và hiến máu được 30 lần, Đức vỡ òa cảm xúc khi bắt gặp được ý tưởng này. Nghiên cứu kỹ càng cách sắp xếp, Đức dùng 30 giấy chứng nhận hiến máu của mình bắt đầu sắp xếp thành lá cờ Tổ quốc vào buổi chiều 18/8/2024.

Nguyễn Phúc Đức "vẽ" cờ Tổ quốc từ giấy chứng nhận hiến máu.

Nguyễn Phúc Đức "vẽ" cờ Tổ quốc từ giấy chứng nhận hiến máu.

Bước đầu gặp khó khăn, vì giấy chứng nhận hiến máu nếu xếp thành hình chữ nhật rất dễ. Nhưng khó nhất là việc căn chỉnh, làm sao để xếp ra hình ngôi sao, và ở vị trí đúng giữa lá cờ. Thêm cái khó nữa là giấy chứng nhận hiến máu rất trơn, nếu không khéo cả lá cờ sẽ bị xê dịch, trở nên lộn xộn.

Cho nên, Đức phải rất tỉ mỉ, cẩn thận từng chút một, lắm lúc đổ cả mồ hôi, không dám bật quạt, mãi hơn 30 phút mới xong. Dù dùng 30 giấy chứng nhận đã ra hình cờ Tổ quốc rồi, nhưng thấy vẫn chưa đẹp, Đức mượn thêm 4 giấy chứng nhận của các bạn khác để hình lá cờ Tổ quốc được đầy đặn hơn.

"Màu đỏ của Quốc kỳ tượng trưng cho màu của cách mạng, màu máu của các thế hệ cha anh đã đổ xuống. Thật trùng hợp và ý nghĩa hơn, khi lá Quốc kỳ này lại được làm từ những giấy chứng nhận hiến máu", Đức chia sẻ.

Lá cờ Tổ quốc được xếp từ 34 giấy chứng nhận hiến máu, trong đó có 30 giấy là của Đức.

Lá cờ Tổ quốc được xếp từ 34 giấy chứng nhận hiến máu, trong đó có 30 giấy là của Đức.

Vượt qua mặc cảm khiếm khuyết một tay nhờ hiến máu tình nguyện

Đức là con một trong gia đình thuần nông ở xã Kha Sơn (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), sinh ra và lớn lên lành lặn như bao đứa trẻ. Vào năm lớp 6, trong một lần lên nhà bác ruột rửa tay, Đức bị bể nước bằng bê tông đổ vào người, dẫn đến mất một phần cánh tay phải.

Đang từ một đứa trẻ bình thường, bỗng dưng bị khiếm khuyết một phần cơ thể, Đức rất hụt hẫng. Luôn luôn có cảm giác tự ti, mặc cảm về bản thân, không muốn ra ngoài giao tiếp với mọi người. Nếu có phải đi học, hoặc có việc phải ra ngoài, Đức luôn mặc áo dài, vì không muốn bị ai chỉ trỏ, tò mò hỏi hoặc trêu chọc.

Đức hồi bé và mẹ - chị Nguyễn Thị Tuyển.

Đức hồi bé và mẹ - chị Nguyễn Thị Tuyển.

Cho đến khi vào học đại học, Đức lần đầu tiên tham gia công tác tình nguyện ở CLB Máu của một trường đại học (cuối năm 2015). Lần đầu tiên hiến máu (2016), nhìn thấy mũi kim tiêm nhọn hoắt, Đức cũng hồi hộp, sợ sệt, lo lắng, nhưng rồi cũng vượt qua được. Việc hiến máu không chỉ có lợi cho cộng đồng, mà còn có lợi cho sức khỏe bản thân.

Từ đấy đến nay, Đức cứ đều đặn 3 tháng sẽ hiến một lần. Có hôm đi hiến máu, bệnh viện báo đủ lượng máu rồi, không cần hiến nữa, Đức buồn và chán nản cả ngày hôm đó. Lần gần đây nhất, lần thứ 30, Đức tham gia hiến máu tại chương trình Hành trình Đỏ tại TP Thái Nguyên.

Đức tham gia hiến máu lần thứ 30 tại chương trình Hành trình Đỏ (Thái Nguyên, tháng 7/2024).

Đức tham gia hiến máu lần thứ 30 tại chương trình Hành trình Đỏ (Thái Nguyên, tháng 7/2024).

Trong đó, lần hiến máu mà Đức nhớ nhất vào thời điểm dịch Covid-19, khoảng cuối năm 2021. Thời điểm đó, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các chương trình hiến máu không được tổ chức, tình trạng khan hiếm máu đang rất nguy cấp.

"Những lần trước, em đi hiến máu, không biết đơn vị máu của mình sẽ trao tới bệnh nhân nào, vì còn phải trải qua quá trình sàng lọc. Nhưng lần này, bệnh nhân thiếu máu nhiều, lần hiến ấy, em được biết người tiếp nhận đơn vị máu của mình là ai và đối với bệnh nhân cũng vậy".

"Sau khi hiến xong, gia đình bệnh nhân họ rất cảm xúc, luôn luôn nói lời cám ơn, thậm chí họ còn định cám ơn bằng hiện vật nhưng em từ chối, bởi vì mình đi làm tình nguyện mà", Đức nhớ lại.

Đức tham gia hiến máu đợt dịch Covid-19, cuối năm 2021.

Đức tham gia hiến máu đợt dịch Covid-19, cuối năm 2021.

Đức còn tham gia công tác vận động hiến máu, gặp nhiều người không thích, thậm chí bị đuổi thẳng. "Nhưng em và các bạn nghĩ rằng, chỉ cần mình vận động thêm một đơn vị máu, là có thêm người được cứu. Lúc đó mọi mệt mỏi, e ngại tan biến hết anh à", Đức chia sẻ.

Cũng nhờ tham gia công tác vận động hiến máu và các hoạt động Đoàn - Hội như vậy, đã giúp Đức thoát khỏi cảm giác tự ti, mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể của mình.

"Em trở nên mạnh dạn hơn, hòa đồng hơn, năng nổ trong học tập, các hoạt động thiện nguyện, công tác Đoàn - Hội. Giờ đây em không còn cảm giác mặc cảm, tự ti, em hiểu rằng bản thân mình luôn có một giá trị tốt đẹp đối với xã hội", Đức tâm sự.

Đức tham gia Mùa hè xanh tại xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)

Đức tham gia Mùa hè xanh tại xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)

Đức tham gia tặng quà cho các bệnh nhi nhân dịp Tết Trung thu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Đức tham gia tặng quà cho các bệnh nhi nhân dịp Tết Trung thu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Đức nhận bằng khen tại Lễ Tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Đức nhận bằng khen tại Lễ Tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Mới đây, sau gần 8 năm gắn bó với công tác vận động hiến máu, Đức đã thôi giữ chức vụ Chi hội phó Chi hội Thanh niên Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên. "Tuy nhiên, em sẽ vẫn tiếp tục hiến máu định kỳ, đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa", Đức nói. Hiện tại, Đức đang tập trung việc học vào năm cuối, và đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Sinh viên của Trường Đại học Khoa học.

Chia sẻ về Đức, cô Trần Kim Thủy, nguyên giảng viên Trường Đại học Thái Nguyên cho biết, "Em Phúc Đức là thanh niên sống có lý tưởng. Em có ý thức cộng đồng cao. Những nỗ lực bản thân vừa thể hiện nghị lực sống, vừa thể hiện lòng yêu nước, yêu đồng bào rất cụ thể. Việc xếp lá cờ bằng chứng nhận hiến máu không phải để "khoe mẽ" mà là vừa hưởng ứng tôn vinh lá cờ Tổ quốc, vừa "ngầm" lan tỏa cuộc vận động hiến máu nhân đạo"".

Anh Nguyễn Thái Sơn, Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên chia sẻ, "Bức ảnh và câu chuyện của Nguyễn Phúc Đức đã được chia sẻ rộng rãi, truyền cảm hứng yêu nước cho nhiều người. Ngay trong nhà trường, các em sinh viên đã thể hiện sự yêu thích, ngưỡng mộ, vì bạn ấy đã có một cách yêu nước vô cùng đặc biệt. Phúc cũng là một trong những tấm gương sáng mà đoàn viên, sinh viên của trường học tập, noi theo".

Nguyễn Phúc Đức có bảng thành tích ấn tượng: Danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" tỉnh Thái Nguyên năm 2023; đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp tỉnh...

Trường Hùng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chang-sinh-vien-ve-co-to-quoc-tu-30-giay-chung-nhan-hien-mau-2024082018412707.htm
Zalo