Chàng kỹ sư nhịn ăn sáng để giảm cân trong ba năm, sững sờ nhận về cái kết ngoài ý muốn
Chàng kỹ sư này ban đầu nhịn ăn sáng với mục đích giảm cân.
Anh T.V.D (38 tuổi, kỹ sư xây dựng tại TP.HCM) đã có thói quen bỏ bữa ăn sáng. Theo anh D, đây là giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả theo trào lưu nhịn ăn gián đoạn. Nhưng chính thói quen này lại khiến anh phải nhập viện cấp cứu. Sau nhiều tháng liên tục cảm thấy đau rát vùng thượng vị, đặc biệt khi đói, anh mới đến bệnh viện thăm khám và bàng hoàng khi nhận chẩn đoán: viêm dạ dày mạn tính và trào ngược thực quản.
“Suốt 3 năm nay, tôi chỉ uống một ly cà phê vào buổi sáng rồi nhịn đến trưa. Cứ nghĩ là nhẹ bụng, dễ giữ vóc dáng. Không ngờ dạ dày mình đã bị tổn thương nặng như vậy”, anh D. chia sẻ.

Chàng kỹ sư này đã bỏ ăn sáng trong ba năm qua. Ảnh minh họa
Trường hợp của anh D không hề hiếm gặp trong xã hội hiện đại. Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Kim Lý – Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), ngày càng nhiều người trẻ đến khám vì các rối loạn tiêu hóa mà nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ lối sống thiếu khoa học, đặc biệt là việc bỏ bữa sáng thường xuyên.
Khi bỏ qua bữa đầu tiên trong ngày, dạ dày vẫn tiếp tục tiết dịch vị dù không có thức ăn, gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Về lâu dài, điều này có thể dẫn tới các bệnh lý nghiêm trọng như viêm loét, trào ngược thực quản, và thậm chí là ung thư đường tiêu hóa.
Một nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy, học sinh trung học bỏ bữa sáng có nguy cơ tiền đái tháo đường cao gấp 1,85 lần so với nhóm ăn sáng đầy đủ. Tình trạng nhịn ăn sáng kéo dài cũng làm tăng nồng độ axit béo tự do trong máu – yếu tố gây ảnh hưởng đến hoạt động của insulin, từ đó tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, béo phì và tiểu đường type 2.

Việc bỏ ăn sáng lâu dài có thể gây ra tình trạng béo phì. Ảnh minh họa
Không chỉ dừng lại ở những bệnh chuyển hóa, nhiều nghiên cứu quốc tế còn chỉ ra rằng, việc không ăn sáng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa – đặc biệt là ung thư dạ dày, đại tràng, gan và thực quản – với mức độ nguy cơ tăng gấp 2 đến 5 lần.
Với lối sống hiện đại bận rộn, việc bỏ qua bữa sáng dường như là “thói quen vô hại” của rất nhiều người trẻ. Một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn duy trì sức khỏe lâu dài, giảm thiểu tối đa các biến chứng về tiêu hóa, nội tiết và tim mạch.