Chàng họa sĩ trẻ và nỗi sợ không đủ thời gian để vẽ tranh sơn mài
Với họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang, nghệ thuật chính là cuộc sống, là niềm vui và chừng nào trái tim vẫn còn đập, bàn tay vẫn còn cầm được cọ, anh sẽ không bao giờ ngừng sáng tạo.
Sợ không đủ thời gian để được vẽ
Ngồi trước những bức tranh sơn mài đang trong quá trình hoàn thiện, họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang tâm sự với Người Đưa Tin rằng: "Tôi chỉ sợ tôi không bao giờ đủ thời gian để được ngồi ở xưởng vẽ thôi".
Vừa nói anh vừa tỉ mẩn sáng tạo cho bức tranh của mình, điều đó đủ để thấy tình yêu vô bờ của anh với nghệ thuật sơn mài - một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam.
Trong xưởng vẽ rộng lớn, từng nét vẽ, từng màu sắc đều được anh chăm chút tỉ mỉ, với sự tận tâm và kiên trì.
Một ngày làm việc của Chu Nhật Quang (SN 1995, Hà Nội) thường bắt đầu từ 6h sáng và kéo dài đến tối mịt. Trước khi lên xưởng vẽ, anh dành ít thời gian để đọc các bài báo, xem tư liệu truyền hình về giá trị bản sắc văn hóa của Việt Nam.
"Đó là một khung giờ cố định, tôi đã tận dụng khoảng thời gian đấy như một cách để có thêm động lực, cảm hứng trước khi đến làm tranh ở xưởng", Nhật Quang chia sẻ.
Từ sáng đến tối, mọi công việc của chàng trai trẻ chỉ xoay quanh việc miệt mài lên tiếp các lớp màu cho bức tranh hoặc gắn các phần chưa hoàn thiện. Đôi khi, Nhật Quang phải làm việc liên tục trong nhiều ngày để hoàn thành một tác phẩm.
Niềm đam mê với sơn mài của Nhật Quang bắt nguồn từ khi anh còn nhỏ. Theo lời kể của bà Hồ Thị Cẩm Thạch (Mẹ của họa sĩ Chu Nhật Quang), từ khi 3-4 tuổi, Nhật Quang đã thể hiện niềm đam mê với việc vẽ và được ông nội dạy về các kỹ thuật truyền thống của tranh sơn mài.
"Thích lắm, mê vẽ từ bé. Thấy con có năng khiếu nên chồng tôi cứ cho con đi học lớp này, lớp kia và lại được ảnh hưởng các lối vẽ của ông nội. Được ông nội dạy cách vẽ truyền thống của tranh sơn mài nên con cứ ngấm dần niềm đam mê ấy", bà Thạch chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, Chu Nhật Quang như được "hưởng di sản" từ ông nội là NSND Chu Mạnh Chấn, một họa sĩ tài ba với niềm đam mê sâu sắc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài. Và bố - NSƯT Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Từ nhỏ, Nhật Quang đã được tiếp xúc gần gũi với hội họa khi thường xuyên được bố và ông nội đưa xuống xưởng vẽ của gia đình. Ông nội Chu Mạnh Chấn - một nghệ nhân làng sơn mài đã truyền đạt cho cháu những bước cơ bản của kỹ thuật vẽ sơn mài.
Mặc dù được học hội họa tại trường Santa Ana, California (Mỹ) và tốt nghiệp cử nhân ngành Thiết kế ứng dụng tại Đại học RMIT, Melbourne (Úc), Nhật Quang vẫn luôn cảm thấy vướng bận với niềm đam mê sơn mài mà ông nội đã truyền lại nên sau 7 năm đi du học nước ngoài anh lựa chọn về nước để tìm về với tình yêu nghệ thuật truyền thống. Và cha anh chính người đã giúp anh tìm lại được con đường của mình.
Theo lời kể của bà Thạch, một hôm Nhật Quang mang về nhà 2 tác phẩm sơn mài đầu tay của mình, lúc đó bố anh "sững sờ" trước những tác phẩm này. Bố Nhật Quang đã nói với con rằng: "Con đi theo nghiệp sơn mài". Đó chính là cú "bứt phá" trong hành trình tìm kiếm bản thân của Nhật Quang, khi cha đã nhìn ra và định hướng cho con trai.
“Quang không biết mệt mỏi, ngày đêm miệt mài vẽ tranh. Không có thứ bảy, chủ nhật, không đi chơi, không làm gì khác ngoài việc đắm chìm vào sáng tạo”, bà Thạch chia sẻ.
Trong khi nhiều người trẻ khác dành thời gian cho việc học hành, làm việc, chơi game hay đi chơi, chàng họa sĩ trẻ lại chọn cách sống hoàn toàn dành cho niềm đam mê. Sức sáng tạo của anh được nuôi dưỡng bởi sự chỉ bảo tận tình của bố, người luôn đưa ra những nhận xét sắc sảo giúp Nhật Quang hoàn thiện từng tác phẩm.
Các bức họa đều có sự giao thoa về văn hóa
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Nhật Quang đã xây dựng được một bộ sưu tập tranh vô cùng ấn tượng ở tuổi 30. Những bức họa luôn có sự giao thoa về văn hóa hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại, không gian mang đậm dấu ấn cá nhân và phản ánh cái nhìn riêng của anh về thế giới xung quanh.
Những năm tháng sáng tác, Nhật Quang đã trải qua không ít thử thách và cảm xúc khác nhau. Đôi khi, anh cảm thấy hồi hộp, bất an khi những bức tranh không đạt được như ý muốn.
“Cảm giác hào hứng chờ đợi nhất là lúc cầm bức tranh để mài, nhưng khi mài xong sẽ có 2 trường hợp, một là đẹp hơn mình mong đợi hoặc là không đúng ý của mình. Trong trường hợp không đúng ý thì mình lại tiếp tục lần lượt ngần đấy bước làm lại bức tranh rồi chờ để mài”, Nhật Quang nói.
Trong thời gian sáng tác, anh đã phải lặp đi lặp lại những bước như vậy rất nhiều lần. Chỉ đến khi bức tranh đạt được chất lượng thỏa mãn Nhật Quang mới cảm thấy những nỗ lực không mệt mỏi của mình đã được đền đáp.
Chất liệu sơn mài - một trong những kỹ thuật độc đáo và cầu kỳ nhất trong hội họa, họa sĩ trẻ Nhật Quang đã đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực để hoàn thiện từng tác phẩm.
Anh chia sẻ rằng, quá trình sáng tạo với sơn mài rất khác biệt so với các chất liệu khác. Thời gian thực hiện một bức tranh có thể kéo dài cả tháng, thậm chí cả năm chỉ để hoàn thiện tấm nền trước khi bắt đầu vẽ. Sau đó, họa sĩ sẽ phải trải qua nhiều lớp sơn, mài lại và kiên nhẫn chờ đợi, mong muốn mỗi lớp màu sẽ hòa quyện một cách hài hòa.
Theo lời của Quang, để làm một bức tranh sơn mài thì vô cùng kỳ công, người họa sĩ sáng tác trong gian khổ, chỉ riêng quy trình làm vóc sơn mài trên (gỗ) đã phải trải qua 10-11 công đoạn. Vì thế, sự đồng hành của các cộng sự để thực hiện các công việc hoàn thiện tranh cũng rất quan trọng.
Có 2 năm được cộng tác với họa sĩ Chu Nhật Quang, nữ sinh Phạm Khánh Ngọc hiện đang học tại trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội chia sẻ, trước khi được Nhật Quang hướng dẫn, cô hoàn toàn không biết đến công đoạn cần thiết để thực hiện một bức tranh sơn mài hoàn chỉnh.
"Từ trước đến nay, tôi không biết tranh sơn mài phải làm theo công đoạn nào, chưa hề biết đến sơn mài, đến khi được biết đến họa sĩ Chu Nhật Quang, tôi đã biết đến nghệ thuật này và như được truyền cảm hứng trong việc vẽ tranh sơn mài", Khánh Ngọc chia sẻ.
Ngoài việc đào tạo và hỗ trợ các cộng sự, Chu Nhật Quang còn đang tham gia các hoạt động thiện nguyện như hợp tác cùng Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam để có nhiều trải nghiệm đi dạy vẽ miễn phí và truyền cảm hứng cho những cá nhân có ước mơ được thể hiện nghệ thuật.
Dịp 10/10 này, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ có triển lãm đầu tay, trưng bày 50 tác phẩm sơn mài tại Hoàng thành Thăng Long.
Khác với nhiều họa sĩ khác, Chu Nhật Quang không vẽ tranh vì mục đích kinh tế. Anh không bán tranh mà sáng tác chỉ để tặng người thân, đối tác hoặc làm thiện nguyện. Điều này cho thấy niềm đam mê và trăn trở của anh với nghệ thuật sơn mài.
"Ở triển lãm đầu tiên, tôi muốn tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc khi vẽ về cảnh quan làng quê, kiến trúc, có những bức tranh về Hoàng Thành Thăng Long - nơi ghi dấu tích liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô", Quang nói.
Qua những tác phẩm sơn mài, anh muốn khơi gợi lại sự kết nối giữa con người và mảnh đất, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh hoa.
Với Quang, nghệ thuật chính là cuộc sống, là niềm vui và là mục đích. Và chừng nào trái tim vẫn còn đập, bàn tay vẫn còn cầm được cọ, Quang sẽ không bao giờ ngừng sáng tạo. Đây chính là những giá trị quý báu mà Nhật Quang muốn truyền tải đến với công chúng qua triển lãm sắp tới.