Chân tướng các công ty bình phong giúp người giàu giấu tiền ở thiên đường thuế

Sau Hồ sơ Paradise và Panama, Hồ sơ Pandora gồm gần 12 triệu tập tài liệu tiếp tục phơi bày thêm nhiều bí mật về thế giới bí ẩn của các công ty và quỹ tín thác ở nước ngoài.

Những thực thể này được thiết lập ở "thiên đường thuế" hoặc "khu vực pháp lý bí mật", được nhiều nhân vật, tập đoàn giàu có và quyền lực trên thế giới sử dụng để luân chuyển và cất giấu tiền.

Vậy những cấu trúc nước ngoài này là gì? Chúng hoạt động như thế nào? Chúng có hợp pháp không? Và tại sao những người bình thường lại không thiết lập tài chính của mình theo cách này.

Panama được coi là một 'thiên đường thuế'. Ảnh: Reuters

Panama được coi là một 'thiên đường thuế'. Ảnh: Reuters

Hãng tin ABC News dẫn ý kiến của các chuyên gia giải thích một số vấn đề liên quan:

"Các cấu trúc ở nước ngoài" là gì?

Nhìn chung đó là những công ty hoặc quỹ tín thác "bình phong", nghĩa là không tuyển nhân sự và không tự thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Chúng giống như lớp vỏ bọc quanh các hoạt động và tài sản của cá nhân hoặc tập đoàn thực sự.

Thông thường, văn phòng được đăng ký sẽ là một công ty kế toán hoặc luật tại một trong những khu vực pháp lý bí mật, và công ty đó cung cấp các giám đốc hoặc người được ủy thác làm bình phong. Tuy không tham gia vào các hoạt động kinh doanh hàng ngày, họ vẫn là chủ sở hữu đã đăng ký của các tài sản có giá trị, và các giao dịch vẫn "chảy" qua họ.

Theo Jason Ward thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Giải trình Thuế Doanh nghiệp quốc tế (CICTAR), các thực thể này thường được tạo ra để giảm thiểu các hóa đơn thuế.

"Một cấu trúc nhân tạo được thiết kế để tránh thuế khi kiếm được lợi nhuận. Có rất nhiều cách khác nhau để làm điều đó, nhưng [chúng] đơn giản là một cách để chuyển tiền ra nước ngoài tới một khu vực tài phán mà vì bất kỳ lý do gì đều không bị đánh thuế hoặc chỉ chịu thuế rất nhẹ".

Chỉ để trốn thuế?

Điểm lợi là thu nhập và tài sản có thể "đậu" ở các khu vực pháp lý đánh thuế thấp hoặc không đánh thuế. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất mà chúng được nhiều nhân vật giàu có và các công ty sử dụng.

Một yếu tố lớn khác là bí mật.

Giữ bí mật là để giúp giảm tối đa mức thuế phải đóng. Nếu các nhà chức trách biết tài sản hoặc thu nhập của bạn, thông thường không quan trọng họ đang ở đâu, họ sẽ vẫn gửi hóa đơn thuế cho bạn. Nếu cơ quan thuế không hay biết điều gì, họ sẽ không thể đánh thuế.

Ông Ward cũng chỉ ra một số lý do nữa ngoài thuế.

"Rửa tiền, các hoạt động tội phạm, tham nhũng và ăn hối lộ cũng là lý do để nhiều cá nhân và tập đoàn sử dụng các khu vực pháp lý bí mật", ông giải thích. "Hoặc nếu bạn là một chính trị gia cấp cao, một quốc vương hay công chúa, bạn không muốn người khác biết bạn thực sự cất tiền ở đâu và có bao nhiêu tiền".

Ngoài ra, một số công ty và cá nhân giàu có sử dụng các cấu trúc ở nước ngoài còn để che giấu tài sản của mình với chủ nợ, thậm chí các thành viên trong chính gia đình họ. Chẳng hạn, một người nổi tiếng có thể mua nhà thông qua một công ty hoặc quỹ tín thác nước ngoài để người khác khó có thể tìm ra họ đang sống ở đâu.

Đâu là các vấn đề tiềm ẩn?

Với các lý do nêu trên, các công ty bình phong ở nước ngoài hoặc khu vực tài phán chứa chấp chúng thường bị chỉ trích rộng khắp. Dù là hợp pháp hay không, chúng được sử dụng để giảm thiểu trách nhiệm pháp lý đối với các cơ quan thuế và những người có thể là chủ thực sự của những tài sản đó.

Theo Serena Lillywhite thuộc Tổ chức Minh bạch quốc tế Australia, các khu vực pháp lý bí mật hậu thuẫn cho rất nhiều hành vi bất hợp pháp và phi đạo đức. "[Họ giúp người ta] tránh né hoặc giảm tối đa số thuế mà lẽ ra phải quyết toán ở nước mà công ty thực hiện hoạt động kinh doanh", bà phân tích. "[Họ] che giấu danh tính của những người hưởng lợi cuối cùng, mà có thể bao gồm những cá nhân 'ngã ngựa' về mặt chính trị, những kẻ xấu xa, những đối tượng liên quan đến tội phạm và tham nhũng.

"Những cấu trúc này cung cấp nơi trú ẩn cho những chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng, khiến công dân càng khó nắm giữ quyền lực hơn", bà Lillywhite cho biết. "[Chúng] có thể được sử dụng để rửa tiền bẩn, thường là một phần của mạng lưới cấu trúc kinh doanh mập mờ, có mục đích giữ bí mật hoặc để chuyển tiền, mà có thể là tiền thu được từ tội phạm và tham nhũng, thông qua các công ty nước ngoài mà không bị nghi ngờ".

Những chủ nợ rất khó – và tốn nhiều tiền – tìm ra được đâu là tài sản mà các con nợ của họ đang nắm giữ, chứ đừng nói đến việc lấy lại được tiền mặt. Chẳng hạn, nếu bạn điều hành một doanh nghiệp nợ nần chồng chất và biết rằng mình không thể trả nợ, bạn có thể chuyển một phần tài sản vào một thực thể ở nước ngoài. Khi chủ nợ đến gõ cửa, họ khó có thể đòi được gì, và nếu muốn biết bạn đang có gì trong tay, họ sẽ phải trải qua một cuộc truy tìm khó khăn và tốn kém.

Các thực thể này có hợp pháp?

Thường là Có, và đôi khi là Không. Câu trả lời phụ thuộc vào đó là cấu trúc nào, cách thức nó được lập ra, mục đích sử dụng và các quy định của khu vực tài phán mà người thụ hưởng tài sản đang cư trú hoặc hoạt động.

"Tôi muốn nói rằng rất nhiều trong số đó có lẽ là hợp pháp về mặt kỹ thuật", ông Ward bình luận. "Nhưng, nếu bạn đang thiết lập các cấu trúc này và chuyển tiền trên cơ sở gian lận, sẽ có rất nhiều vùng xám ở đó. Thêm nữa, nó có thể hợp pháp nhưng nhiều người vẫn nhìn nhận là trái đạo đức và phi pháp".

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/chan-tuong-cac-cong-ty-binh-phong-giup-nguoi-giau-giau-tien-o-thien-duong-thue-780504.html
Zalo