Những thông điệp đằng sau khoản phí thị thực mới của Mỹ
Tổng thống Trump vừa ký ban hành quy định mới về 'phí đảm bảo thị thực' 250USD, áp dụng với mọi công dân nước ngoài xin thị thực không định cư vào Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Một điều khoản mới trong Đạo luật To và Đẹp vừa được Tổng thống Donald Trump ký ban hành, đang làm dấy lên nhiều tranh luận khi yêu cầu mọi công dân nước ngoài xin thị thực không định cư vào Mỹ phải đóng thêm một khoản phí đặc biệt gọi là “phí bảo đảm thị thực”.
Khoản phí mới và phạm vi áp dụng
Theo kênh CNBC, “phí bảo đảm thị thực” có mức tối thiểu 250 USD, sẽ chính thức được áp dụng trong năm tài chính 2025 của Mỹ (bắt đầu từ ngày 1/10/2024). Khoản phí này được áp dụng bắt buộc cho tất cả các loại thị thực không định cư, bao gồm du lịch, công tác và du học, và không có diện miễn trừ. Tuy nhiên, người nộp đơn chỉ phải đóng phí sau khi thị thực được cấp, nên các trường hợp bị từ chối thị thực sẽ không phải thanh toán.
Ngoài khoản phí mới, du khách còn phải đóng thêm “phí mẫu đơn I-94”, vốn đã tăng từ 6 USD lên 24 USD theo cùng đạo luật. Đây là loại phí bắt buộc với hầu hết du khách quốc tế nhập cảnh Mỹ theo diện không định cư.
Cơ chế hoàn phí chưa rõ ràng
Theo quy định, người có thị thực có thể được hoàn lại “phí bảo đảm thị thực” nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: không làm việc bất hợp pháp và rời Mỹ không muộn quá 5 ngày sau khi thị thực hết hạn. Tuy nhiên, các chi tiết về cơ chế hoàn trả vẫn chưa được làm rõ.
Luật sư Steven A. Brown từ công ty luật di trú Reddy Neumann Brown (Houston) cho biết hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về thời điểm và cách thức thực hiện quy trình hoàn phí.Hiệp hội Du lịch Mỹ cũng đồng tình cho rằng còn quá nhiều điểm chưa rõ về cơ chế thu phí, nhất là khi Bộ An ninh Nội địa được giao trách nhiệm thu khoản phí này, nhưng lại không trực tiếp xử lý các hồ sơ xin thị thực. Một người phát ngôn của bộ cho biết cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên bang để triển khai quy trình.Hiện có nhiều câu hỏi xoay quanh cách thức và thời điểm quá trình hoàn tiền có hiệu lực. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính, do phần lớn thị thực có thời hạn nhiều năm, chỉ một tỷ lệ nhỏ người sở hữu thị thực sẽ thực hiện hoàn phí. Hơn nữa, CBO dự đoán rằng Bộ Ngoại giao sẽ cần vài năm để triển khai quy trình hoàn trả. Dựa trên cơ sở đó, CBO ước tính rằng việc ban hành quy định này sẽ giúp tăng thu ngân sách liên bang và giảm thâm hụt khoảng 28,9 tỷ USD trong giai đoạn 2025–2034.Luật sư Brown khuyến nghị du khách nước ngoài nên coi khoản phí phải nộp này là khoản phí không được hoàn lại. Ông nói: “Tôi muốn họ coi đó là một khoản ‘tiền thưởng’ nếu họ được hoàn lại”.Mục tiêu siết chặt kiểm soát nhập cưTheo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, “phí bảo đảm thị thực” là một phần trong nỗ lực tăng cường “sự liêm chính” của hệ thống thị thực và kiểm soát nhập cư. Mặc dù dữ liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho thấy chỉ khoảng 1–2% du khách không định cư ở lại quá hạn trong các năm tài khóa từ 2016 đến 2022. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 42% trong tổng số khoảng 11 triệu người cư trú bất hợp pháp tại Mỹ hiện nay từng nhập cảnh hợp pháp nhưng không rời đi đúng hạn.Tác động đến khách du lịch và sinh viên quốc tếTheo nhận định của luật sư Brown, khoản phí mới sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm khách du lịch theo diện thị thực B (du lịch, công tác) và sinh viên quốc tế. Với chi phí bổ sung đáng kể - 250 USD mỗi người, chưa kể các khoản lệ phí khác - chi phí cho một chuyến đi tới Mỹ có thể trở nên quá sức với nhiều người.Đáng chú ý, chính sách thu phí này được đưa ra vào thời điểm Mỹ chuẩn bị tổ chức nhiều sự kiện lớn vào năm 2026 như lễ kỷ niệm “America 250” nhân dịp 250 năm Quốc khánh và đồng tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup FIFA, khiến việc thu hút khách du lịch quốc tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.Tuy nhiên, nỗ lực này lại đi kèm với việc cắt giảm mạnh ngân sách của Brand USA - cơ quan chịu trách nhiệm tiếp thị, quảng bá du lịch vào Mỹ - bị cắt giảm ngân sách từ 100 triệu USD xuống chỉ còn 20 triệu USD theo luật mới. Bộ Thương mại Mỹ cũng đã sa thải gần một nửa hội đồng quản trị của Brand USA vào tháng Tư năm nay.Ông Fred Dixon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Brand USA, đã bày tỏ thất vọng trước quyết định cắt giảm của chính phủ, nhưng vẫn kỳ vọng ngân sách sẽ được khôi phục trong năm tài khóa 2026. “Chúng tôi vẫn tập trung vào việc thúc đẩy du lịch quốc tế hợp pháp và những đóng góp kinh tế quan trọng mà lĩnh vực đó mang lại cho nước Mỹ”, ông nói.Trước khi Đạo luật To và Đẹp được ban hành, ông Geoff Freeman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Mỹ, từng ca ngợi những nội dung đầu tư cho hạ tầng và an ninh mà đạo luật hướng tới. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nghịch lý: “Thay vì hỗ trợ khách du lịch, việc thu thêm phí và cắt giảm ngân sách quảng bá sẽ chỉ khiến nước Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt thế giới”.