Chân dung tiêm kích Rafale của Pháp mà Serbia vừa chi hàng tỷ euro để mua về
Serbia vừa ký một thỏa thuận kỷ lục với tập đoàn Dassault Aviation của Pháp vào thứ Năm vừa qua để mua 12 tiêm kích tối tân Rafale với giá 2,7 tỷ euro.
Hợp đồng vũ khí lớn nhất lịch sử Serbia
Thỏa thuận mua 12 tiêm kích Dassault Rafale được ký bởi Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Bratislav Gasic và CEO Eric Trappier của Dassault Aviation, cũng bao gồm một gói hậu cần phụ trợ hoàn chỉnh, động cơ dự phòng và phụ tùng.
Thương vụ này được thực hiện trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới thủ đô Belgrade, báo hiệu sự thay đổi lớn trong lập trường chính trị và an ninh của Serbia, dần tách khỏi Nga, đồng minh truyền thống và là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất quốc gia vùng Balkan trước đây.
Thỏa thuận mua 12 tiêm kích Dassault Rafale là hợp đồng vũ khí lớn nhất kể từ khi liên bang Serbia & Montenegro tan rã và Serbia trở thành một quốc gia độc lập vào năm 2006. Đây cũng là hợp đồng đắt nhất nếu tính trên giá trị mỗi chiếc kể từ sau khi Qatar mua 24 tiêm kích loại này với giá 6,34 tỷ euro năm 2015.
Tất nhiên, các hợp đồng mua bán máy bay chiến đấu thường phức tạp với những điều khoản đi kèm khác nhau như gói bảo dưỡng, đào tạo, động cơ dự phòng và cấu hình vũ khí cho đến điều khoản thanh toán (mua trả thẳng, trả góp hay thông qua con đường viện trợ)… Những chi tiết này sẽ quyết định đến giá thành của một chiếc máy bay.
Dù vậy, vẫn có thể xem thương vụ của Serbia là một kỷ lục trong gần 1 thập kỷ qua. Để tiện so sánh, nước láng giềng Croatia của họ cũng mua 12 chiếc Rafale vào năm 2021 mà chỉ chi ra hơn 1 tỷ euro. Hoặc cũng trong năm đó, Ai Cập đặt hàng 30 chiến đấu cơ loại này với tổng giá trị 4,5 tỷ euro.
Càng đáng nói hơn khi Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic cho biết những chiếc Rafale của nước này sẽ được trang bị tên lửa không đối không tầm trung MICA do tập đoàn MBDA (Pháp) sản xuất, thay vì tên lửa Meteor như các nước khác. Điều đó có nghĩa cấu hình vũ khí của những tiêm kích mà Serbia đặt mua không quá mạnh, dù mức giá họ chi ra cho hợp đồng này rất cao.
Kỳ vọng nâng tầm không quân Serbia
Phát biểu sau lễ ký kết mua máy bay, Tổng thống Serbia, Aleksandar Vucic cho biết những chiếc Rafale sẽ “góp phần tăng cường đáng kể năng lực hoạt động của quân đội chúng tôi” và Serbia “rất vui khi trở thành một phần của câu lạc bộ Rafale”.
Có thể hiểu được những kỳ vọng của Serbia đối với dòng chiến đấu cơ hiện đại này. Bởi Rafale là niềm tự hào của công nghiệp quốc phòng Pháp và cũng được xem như một trong những tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4.5 xuất sắc nhất hiện nay.
Chính thức ra mắt năm 2001, Rafale được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, đánh chặn, trinh sát trên không, hỗ trợ mặt đất, tấn công chiều sâu, tấn công chống hạm và răn đe hạt nhân.
Trước Serbia, một loạt các quốc gia như Ấn Độ, Qatar, UAE, Ai Cập, Hy Lạp và Croatia đã mua về loại tiêm kích này. Bản thân những chiếc Rafale cũng đã chứng minh năng lực thực tế khi được sử dụng trong chiến đấu ở Afghanistan, Libya, Mali, Iraq và Syria.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất Dassault Aviation, máy bay chiến đấu Rafale có những điểm nổi bật nhất là tính linh hoạt hay có khả năng “omnirole” (đa nhiệm) theo cách gọi của tập đoàn hàng không này và khả năng sống sót cao.
“Tính linh hoạt” có thể minh họa bằng khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong cùng một đợt xuất kích. Với khả năng này, Rafale có thể chuyển đổi ngay lập tức theo yêu cầu, từ nhiệm vụ tấn công, sang nhiệm vụ phòng ngừa, răn đe và cũng nhanh chóng chuyển sang thu thập thông tin tình báo hoặc nhiệm vụ đánh chặn, chiếm ưu thế trên không và thậm chí, có thể hủy nhiệm vụ ở những giây cuối cùng.
“Khả năng sống sót cao” nằm ở việc chiếc tiêm kích này có thể sống sót trong môi trường đe dọa dày đặc nhờ vào các đặc điểm ít bị phát hiện do diện tích phản xạ radar thấp, hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, hiệu quả cao của hệ thống vũ khí, độ thông minh và tin cậy của các hệ thống điều khiển bay.
Có thể kể ra một số cấu hình tiên tiến của Rafale. Hệ thống đầu vào giọng nói trực tiếp (DVI) giúp giảm khối lượng công việc của phi công trong mọi hoạt động. Màn hình gắn trên mũ bảo hiểm (HMD) được tích hợp với vũ khí. Buồng lái hoàn toàn tương thích với kính nhìn ban đêm.
Rafale có hệ thống tạo oxy trên máy bay giúp loại bỏ nhu cầu mang theo bình oxy cồng kềnh. Bộ phòng thủ điện tử tích hợp SPECTRA bảo vệ máy bay khỏi các mối đe dọa trên không và trên mặt đất và cho phép thực hiện các nhiệm vụ độc lập để chế áp hệ thống phòng không của đối phương.
Khả năng tấn công mặt đất của Rafale được hỗ trợ rất nhiều nhờ các thiết bị chỉ thị mục tiêu tiên tiến, chẳng hạn như thiết bị trinh sát Reco New Generation/Areos của Thales Optronic và thiết bị chỉ thị laser/quang điện Damocles.
Radar đa mảng pha quét điện tử Thales RBE2 AA AESA cho phép Rafale nâng cao mức độ nhận thức tình huống, theo dõi nhiều mục tiêu trên không, đánh chặn tầm xa cũng như tạo bản đồ địa hình ba chiều theo thời gian thực.
Trong vai trò chiếm ưu thế trên không, Rafale có các cảm biến quang điện thụ động cho phép tấn công im lặng. Chiếc tiêm kích của Pháp có 14 điểm cứng bên ngoài và có thể mang tối đa 9 tấn vũ khí, với khả năng tương thích với gần như tất cả các khí tài của NATO.
Đắt có xắt ra miếng?
Tất nhiên, nhà sản xuất nào cũng sẽ quảng bá cho sản phẩm của mình theo cách ấn tượng nhất. Còn thực tế, Rafael cũng có những điểm chưa thực sự xuất sắc nếu đặt lên bàn cân so sánh với một vài đối thủ “đồng cân đồng lạng”, chẳng hạn như chiếc Eurofighter Typhoon do Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha cùng phát triển.
Theo các chuyên gia, hai động cơ Snecma M88 của Rafael thuộc loại yếu nhất trong số những tiêm kích 4.5 cùng loại, dẫn tới hiệu suất bay của Rafale thấp hơn nhiều đối thủ: tốc độ leo cao chỉ khoảng 300 m/giây, vận tốc tối đa Mach 1,8 (1.912 km/h) và trần bay dưới 16 km. Trong khi đó, Eurofighter ấn tượng hơn với tốc độ leo cao 320 m/giây, vận tốc tối đa Mach 2,35 (2.125 km/h) và trần bay gần 20 km.
Quan trọng hơn, Typhoon ăn đứt Rafale ở khả năng bay siêu thanh mà không cần đốt tăng lực (khả năng siêu hành trình). Typhoon có thể thực hiện chuyến bay siêu thanh liên tục mà không sử dụng bộ đốt sau (còn gọi là “làm nóng lại”) trong khi đa số máy bay chiến đấu siêu thanh không có khả năng siêu hành trình nên chỉ duy trì tốc độ Mach 1+ trong các quãng đường ngắn và phải sử dụng bộ đốt sau.
Trong một bài test của Không quân của Singapore gần đây, một chiếc Typhoon đã đạt được siêu hành trình ở Mach 1,21 vào một ngày nóng với tải trọng chiến đấu (mang đầy đủ vũ khí), còn nhà sản xuất thậm chí tuyên bố Typhoon có thể đạt siêu hành trình Mach 1,5.
Và dù đều là những tiêm kích cực kỳ linh hoạt nhờ cánh tam giác ở mũi (cánh canard), Typhoon vẫn vượt trội hơn Rafale ở khả năng cận chiến: hai động cơ EJ200 mạnh mẽ giúp Typhoon lấy lại năng lượng rất nhanh, cho phép nó thực hiện cú tăng tốc tiếp theo dễ dàng hơn đối thủ.
Tuy nhiên, nhược điểm động cơ yếu của Rafale được bù đắp một phần bằng việc nó tiêu thụ ít nhiên liệu hơn, qua đó đạt tầm bay xa hơn. Động cơ Snecma M88 của máy bay Pháp cũng dễ bảo trì và rẻ hơn đáng kể so với EJ200 của Typhoon, góp phần làm giảm tổng chi phí vận hành cho chiếc tiêm kích nhà Dassault.
Về mặt trang bị hỏa lực, Typhoon và Rafale gần như tương đương nhau nhưng chiếc máy bay “liên doanh” giữa Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha có tải trọng vũ khí thấp hơn (7,4 tấn so với 9 tấn của Rafale). Dù vậy, sẽ là thiệt thòi lớn cho Serbia khi những chiếc Rafale của họ không được trang bị tên lửa Meteo.
Meteor là tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động, có thể đạt tới tốc độ Mach 4,5 và khả năng tấn công các mục tiêu cơ động cao trong môi trường đối phó điện tử mạnh ở phạm vi 200 km.
Với Meteor, hầu như mọi máy bay bị ngắm bắn trong phạm vi 60 km đều không có cơ hội sống sót. Loại tên lửa không đối không này mạnh mẽ hơn nhiều so với MICA mà Pháp trang bị trên những chiếc Rafale bán cho Serbia, vốn chỉ có tầm bắn 80 km và tốc độ Mach 4.
Dĩ nhiên là mọi thông số kỹ thuật sẽ vô nghĩa nếu chiếc máy bay không được điều khiển bởi những phi công xuất sắc. Về khía cạnh này, có thể hiểu được vì sao Serbia chi ra tới 2,7 tỷ euro cho các hoạt động phụ trợ khi mua 12 máy bay Rafale.
Công tác đào tạo, vận hành và bảo dưỡng được đầu tư mạnh và chỉn chu mới là yếu tố quan trọng nhất giúp 12 chiếc tiêm kích này thực sự trở nên lợi hại, chứ không phải những thông số trong catalogue mà nhà sản xuất công bố tới khách hàng.