Chân dung nhóm quỹ Hàn Quốc quy mô tài sản 1,3 tỷ USD, là cổ đông lớn Coteccons, Long Hậu, Vitaco
Sau 18 năm đặt chân đến thị trường Việt Nam, Công ty quản lý quỹ KIM Việt Nam hiện có tổng giá trị tài sản quản lý khoảng 1,3 tỷ USD. Hiệu suất nhiều quỹ thành viên xấp xỉ hoặc cao hơn so với đà tăng VN-Index, nhiều khả năng do nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu ngân hàng và FPT.
Trong khoảng hai tháng gần đây, nhóm quỹ đầu tư thuộc Công ty quản lý quỹ KIM Việt Nam đã thực hiện mua cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn tại Coteccons (CTD), Vitaco (VTO), Long Hậu (LHG).
Trên đây đều là các doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), và có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm (quý III-IV niên độ 2023-2024 đối với Coteccons). Xét diễn biến thị giá, CTD khá tương đồng với thị trường chung (đại diện là VN-Index), trong khi VTO và LHG tăng tốt hơn.
Vậy nhóm quỹ này có quy mô và “gu” đầu tư ra sao?
Công ty quản lý quỹ KIM Việt Nam không phải là gương mặt xa lạ trên thị trường chứng khoán. Đây là công ty con do Korea Investment Management (KIM) (Hàn Quốc) sở hữu.
KIM sớm xuất hiện tại thị trường Việt Nam, bằng việc mở văn phòng tại TP HCM từ 2006. Đến tháng 10/2020, Công Ty TNHH Quản Lý Quỹ KIM Việt Nam được thành lập.
Khi dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) Hàn Quốc đổ vào Việt Nam, dòng vốn đầu tư gián tiếp FII cũng theo sau đó. KIM Việt Nam dần vươn lên thành một trong những nhà quản lý tài sản hàng đầu. Theo đơn vị tự giới thiệu, sau 18 năm, tổng giá trị tài sản quản lý hiện đạt khoảng 1,3 tỷ USD (xấp xỉ 32.500 tỷ đồng), xếp thứ ba thị trường Việt Nam, sau Dragon Capital và VinaCapital.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2024 đã kiểm toán, công ty có vốn điều lệ 55 tỷ đồng tại 30/6. Tổng tài sản đạt gần 88 tỷ đồng, chủ yếu gồm tiền, các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn.
Nắm giữ tỷ trọng cao FPT và cổ phiếu ngân hàng
Các báo cáo giao dịch mới nhất của nhóm cổ đông cho thấy có 10 quỹ thành viên liên quan. Trang chủ của KIM Việt Nam đang giới thiệu 6 quỹ, với quy mô và chiến lược đầu tư khác nhau.
Quỹ đầu tư tăng trưởng KIM Việt Nam Hàn Quốc sở hữu quy mô lớn nhất, với tổng tài sản (AUM) tại 14/8 đạt hơn 447 triệu USD, tương đương khoảng 11.900 tỷ đồng. Quỹ hướng đến những doanh nghiệp hàng đầu có tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam. Phần lớn các khoản đầu tư sẽ được phân bổ các cổ phiếu niêm yết. Ngoài ra, một phần tài sản rót vào trái phiếu của Hàn quốc, trái phiếu nước ngoài và hối phiếu.
Lũy kế từ đầu năm đến 14/8, hiệu suất danh mục đạt 10,6%. Tại 14/6, top 10 khoản đầu tư gồm FPT, CTG, GMD, HPG, VCB, MWG, BID, KDH, ACB, HCM.
Xếp thứ hai về quy mô là Quỹ đầu tư cân bằng Việt Nam RSP, với AUM khoảng 5.300 tỷ đồng tại 14/8. RSP xây dựng danh mục đa dạng, nhằm tối thiểu hóa rủi ro. Quỹ tập trung đầu tư vào cổ phiếu của các công ty thuộc các ngành then chốt của nền kinh tế cũng như của các công ty có tiềm năng tăng trưởng. Ngoài ra tài sản được phân bổ vào trái phiếu Hàn Quốc.
Tính đến 14/8, hiệu suất danh mục RSP nhỉnh hơn so với Quỹ đầu tư tăng trưởng KIM Việt Nam Hàn Quốc, đạt 11,2%. Tại 14/6, top 10 khoản đầu tư bao gồm FPT, HPG, VCB, GMD, BID, FRT, STB, MCH, ACV, CTG.
Quỹ Đầu Tư Tăng Trưởng KIM Việt Nam (KVGF) tập trung các cổ phiếu của các công ty được thành lập hoặc niêm yết tại Việt Nam và/hoặc được niêm yết ở nước ngoài nhưng có hoạt động kinh doanh chính ở Việt Nam. Quỹ hướng đến mục tiêu sinh lời dài hạn.
AUM của Quỹ Đầu Tư Tăng Trưởng KIM Việt Nam tại 14/8 đạt khoảng 965 tỷ đồng. 10 khoản đầu tư lớn tại 28/6 gồm FPT, HPG, GMD, VCB, FRT, QNS, MCH, ACV, IDC, STB. Hiệu suất danh mục lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 9,9%.
Ba thành viên còn lại thuộc nhóm quỹ bị động. Trong đó, ETF KIM Growth VN30 (mô phỏng VN30-Index) có quy mô tổng giá trị tài sản ròng (NAV, được tính bằng tổng tài sản trừ tổng nợ) trên 1.400 tỷ đồng tại 14/8.
NAV của ETF KIM Growth VN DIAMOND (mô phỏng VNDiamond Index) và ETF KIM Growth VNFINSELECT (mô phỏng VNFinselect Index) đạt lần lượt 63 tỷ đồng (31/7) và 290 tỷ đồng (14/8).
Hiệu suất của ETF KIM Growth VN30 và ETF KIM Growth VN DIAMOND đều đạt trên 16% lũy kế 7 tháng đầu năm, vượt đáng kể so với VN-Index (tăng gần 11%), và cao nhất trong nhóm 6 quỹ KIM Việt Nam giới thiệu.
Nhìn chung, xét mặt bằng hiệu suất, tăng trưởng danh mục của cả 6 quỹ trên đều bám sát hoặc cao hơn so với đà tăng VN-Index, hay "mạnh" hơn thị trường chung.
Điều này có thể lý giải khi quan sát vào danh mục nắm giữ. Quỹ ETF KIM Growth VNFINSELECT sở hữu chủ yếu các mã ngân hàng. Đây là nhóm ngành tăng giá khả quan từ đầu năm, tập trung vào quý I.
Với 5 quỹ còn lại, FPT đang chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục. Cổ phiếu của ông lớn công nghệ là một trong những mã tăng khả quan nhất thị trường. Tính từ đầu năm đến 16/8, FPT đã tăng giá 57%. Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng chiếm tỷ trọng lớn.
Góc nhìn thận trọng về cuối năm
Tuy khởi đầu khả quan, các nhà quản lý quỹ tỏ ra thận trọng trong những tháng còn lại năm 2024. Tại báo cáo thị trường cập nhật đến giữa tháng 7, KIM Việt Nam cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sắp tới sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều sự kiện trong và ngoài nước.
Yếu tố bên ngoài tuyên bố và sự ảnh hưởng của các quan chức đứng đầu Fed, bao gồm Chủ tịch Powell và Chủ tịch Fed New York. Cùng với đó là dữ liệu doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Mỹ trong tháng 6.
Trong nước, sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đà phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp cũng mang đến nhiều thông tin giá trị về cơ hội đầu tư tiềm năng.
Mặc dù các chỉ số vĩ mô tích cực, xu hướng của thị trường chứng khoán vẫn có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài và các yếu tố vĩ mô thế giới.