Chân dung nhân vật được ông Trump chọn làm Đặc phái viên về Ukraine

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Keith Kellogg làm đặc phái viên về vấn đề Ukraine - Liên bang Nga, một vai trò mới được hình thành do cuộc chiến đang diễn ra giữa hai quốc gia.

Tướng về hưu Keith Kellogg, nguyên Cố vấn An ninh quốc gia, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington vào ngày 22/9/2020. Ảnh: Getty Images

Tướng về hưu Keith Kellogg, nguyên Cố vấn An ninh quốc gia, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington vào ngày 22/9/2020. Ảnh: Getty Images

Theo trang The Guardian (Anh), ông Kellogg, 80 tuổi, tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, sẽ đảm nhiệm vai trò này trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang năm thứ 3.

“Tôi rất vui mừng được đề cử Tướng Kellogg làm Trợ lý Tổng thống và Đặc phái viên cho Ukraine và Nga. Ông Keith đã lãnh đạo một sự nghiệp quân sự và kinh doanh nổi bật - bao gồm cả việc phục vụ trong các vai trò của một Cố vấn An ninh quốc gia vô cùng nhạy cảm trong chính quyền đầu tiên của tôi. Ông ấy đã sát cánh cùng tôi ngay từ đầu! Cùng nhau, chúng tôi sẽ bảo vệ hòa bình thông qua sức mạnh, và khiến nước Mỹ cùng thế giới an toàn trở lại”, ông Trump cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 28/11.

Ông Kellogg là một vị tướng Quân đội Mỹ đã nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm về quân sự và các vấn đề quốc tế. Chức vụ quân sự cuối cùng của ông trước khi nghỉ hưu năm 2003 là Giám đốc chỉ huy, kiểm soát, truyền thông và máy tính tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ông cũng đã phục vụ trong cương vị này trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Ông Kellogg từng là Cố vấn An ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Sau đó, ông trở thành Cố vấn An ninh quốc gia tạm quyền cho chính quyền Tổng thống Trump sau khi Trung tướng Michael Flynn từ chức vào năm 2017.

Theo kế hoạch chấm dứt xung đột tại Ukraine, ông Kellogg từng tuyên bố ông sẽ tập trung vào việc đưa hai nước ngồi vào bàn đàm phán.

Hồi tháng 4, ông Kellogg là đồng tác giả của đề xuất giải quyết xung đột Ukraine bằng biện pháp hòa bình và ra điều kiện cung cấp vật tư quân sự cho Ukraine, tùy thuộc vào việc Kiev tham gia các cuộc đàm phán với Nga. Đề xuất kêu gọi cho phép Kiev đàm phán với Nga “ở vị thế mạnh mẽ” và thảo luận về việc áp thuế đối với doanh số bán năng lượng của Nga để chi trả cho việc tái thiết Ukraine.

“Chúng tôi sẽ nói với Ukraine rằng các bạn phải ngồi vào bàn đàm phán, nếu không đàm phán, Mỹ sẽ cắt viện trợ. Chúng tôi cũng nói với Tổng thống Vladimir Putin rằng ông ấy phải vào bàn đàm phán, nếu không, chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine mọi thứ họ cần để đối phó với Nga trên chiến trường”, ông Kellogg nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6.

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở bang Virginia ngày 2/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở bang Virginia ngày 2/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Hồi tháng 2, ông Kellogg tuyên bố việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể dẫn đến thực tế là một số thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), những nước có chi tiêu quốc phòng không đạt mức 2% GDP bắt buộc, sẽ mất quyền được bảo vệ theo Điều 5 Hiến chương NATO trong trường hợp bị tấn công từ bên ngoài.

Ông cũng cho biết nếu ông Trump thắng cử, ông có thể triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 6/2025 để thảo luận về tương lai của liên minh. Theo Kellogg, NATO có thể trở thành một “liên minh nhiều tầng” - trong đó một số thành viên được bảo vệ nhiều hơn tùy thuộc vào việc họ tuân thủ các điều khoản thành lập của liên minh.

Hiện không rõ việc lựa chọn ông Kellogg có cần Thượng viện phê chuẩn hay không. Kể từ năm 2023, các đặc phái viên có khả năng phải trải qua quá trình phê chuẩn của Thượng viện. Tuy nhiên, kể cả cần phải phê chuẩn, ông Kellogg được cho là sẽ không vấp phải trở ngại đáng kể nào.

Tờ The Hill đưa tin phản ứng ban đầu đối với lựa chọn của ông Trump là khá hờ hững.

Một nhà phân tích an ninh tại Washington bình luận: “Đó là một sự hụt hẫng – không khủng khiếp, cũng chẳng đáng kinh ngạc”.

Cựu đại sứ Ukraine tại Mỹ Oleh Shamshur cũng cho biết ông bi quan về khả năng bổ nhiệm ông Kellogg.

“Theo tôi hiểu, ông ấy hoàn toàn chấp nhận logic của 'kế hoạch hòa bình' do ông Trump đưa ra theo đề xuất của Phó tổng thống đắc cử JD Vance”, ông Shamshur nói, ám chỉ đến việc ông Vance ủng hộ việc Ukraine nhượng lãnh thổ đổi lấy hòa bình và bác bỏ kế hoạch để Ukraine gia nhập NATO.

Ông Luke Coffey, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, nhóm nghiên cứu bảo thủ, nói tờ New York Times hồi tháng 9 rằng các kế hoạch của ông Vance không phải là “một đề xuất thực tế cho hòa bình”.

“Ông ấy đã đưa ra một kế hoạch cho chiến thắng của Nga”, ông Coffey nói.

Trong khi đó, nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump đã làm dấy lên những câu hỏi về kết quả của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông Trump từng cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột theo lời hứa trong chiến dịch tranh cử, mặc dù không nêu rõ cách thức thực hiện lời hứa này.

Một số người ủng hộ Ukraine đã bày tỏ lo ngại các bước đi của ông Trump nhằm chấm dứt cuộc chiến có thể gây bất lợi cho an ninh của quốc gia hoặc khiến Ukraine phải nhượng lãnh thổ cho Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố ông chắc chắn rằng cuộc chiến với Nga sẽ kết thúc sớm hơn so với dự kiến khi ông Trump nhậm chức.

Ông Zelensky đã có “cuộc trao đổi mang tính xây dựng” với Tổng thống đắc cử của Mỹ sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik, The Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/chan-dung-nhan-vat-duoc-ong-trump-chon-lam-dac-phai-vien-ve-ukraine-20241128073555508.htm
Zalo